Vượt qua Argentina, ĐT Đức lên đỉnh đầu thế giới:

Chiến thắng của một hệ tư tưởng

Thứ Ba, 15/07/2014, 08:33
Máu đã đổ và rồi nước mắt cũng đổ trên gương mặt dạn dày của Schweinsteiger. Máu của những va chạm, của tinh thần chiến binh. Nước mắt của hạnh phúc, của những đợi chờ. Đức lên ngôi vua World Cup 2014 bằng máu và nước mắt không chỉ của một con người, mà của cả một cuộc cách mạng kéo dài ít nhất 8 năm...

Rạng sáng qua, Đức vẫn đá lối đá của mình trước một Argentina đầy mưu mẹo. Lối đá mà ai cũng biết dựa chủ yếu vào sức mạnh tập thể (thay vì sức mạnh đơn lẻ của một cá nhân), được thực hiện bởi những đường chuyền mang màu sắc Tiqui - Taca, nhưng không phải thứ Tiqui - Taca với một nhịp điệu đều đều cùng tư tưởng dồn đối thủ về sân nhà của người Tây Ban Nha thời đỉnh cao, mà là một thứ Tiqui - Taca khôn lường về mặt tiết tấu và phong phú về mặt không gian, thời gian thi triển.

Khách quan mà nói thì chính Argentina mới là đội có cơ hội ngon ăn đầu tiên, khi quả bóng trả về của hàng tiền vệ Đức đã đặt Higuain ở thế đối mặt khung thành Neuer ngay đầu trận. Và cũng trong khoảng thời gian ấy những quả đánh biên dựa trên tốc độ, sự tinh quái của Lavezzi đã giúp Argentina tạo ra khá nhiều khó khăn cho Đức. Nhưng thời gian càng trôi đi, số lượng những quả đánh chớp nhoáng của Argentina càng giảm thì ưu thế của người Đức càng rõ hơn. Lối chơi của Argentina và Đức dù cùng đề cao sự toan tính nhưng lại khác nhau cơ bản về chất: Argentina kéo đội hình xuống sâu khung thành đội nhà để phong toả đối phương rồi tận dụng những quả đánh chớp nhoáng mang nặng màu sắc cá nhân trên phần sân đối phương, Đức lại đều đặn nhịp nhàng trong việc tổ chức cả một hệ thống lên công về thủ.

ĐT Đức trên đỉnh đầu thế giới.

Bên cạnh sự khác biệt về mặt tư duy chơi bóng còn là sự khác biệt vê mặt thể lực khi cầu thủ Argeintina càng đá càng đuối trong khi sự bền bỉ, dẻo dai giúp người Đức có thể giữ nguyên lối đá của mình cho đến những phút cuối cùng. Bàn thắng duy nhất mà Đức ghi được ở phút thứ 113 thể hiện chính xác 2 đặc điểm ấy: một lối chơi tập thể và một nền tảng thể lực vững vàng. Ở bàn thắng này, Schurrle đã dũng mãnh đi bóng ở biên trái trước khi căng ngang để Gotze đỡ ngực rồi tung chân ghi bàn.

Quá đẹp - bàn thắng trong thời điểm ai cũng nghĩ trận đấu phải kéo đến chấm luân lưu 11m đã xé toang mọi kịch bản, và khiến người Argentina thực sự nản lòng. Cứ nhìn cái mặt cúi gằm cùng cái lắc đầu lia lịa của Messi sau bàn thắng ấy là đủ hiểu.

Nhìn lại cả một lộ trình dài tù vòng bảng đến vòng 1/6 rồi tứ kết, bán kết và chung kết, dễ thấy là đường đi của Đức ấn tượng hơn và mang thế thượng phong hơn so với đường đi của Argentina. Cái thế mà Đức thắng dễ Bồ Đào Nha, Pháp, Brazil trong khi Argentina phải nhọc nhằn trải qua hiệp phụ, rồi qua cả luân lưu 11m mới có thể hạ được Thụy Sĩ, Hà Lan. Nếu tất cả các chiến thắng của Đức đều đến từ một lối chơi tập thể với sức mạnh chuyên môn và tinh thần tập thể nhìn thấy được thì lối chơi của Argentina lại dựa rất nhiều vào "trái tim" Messi. Và việc Messi được bầu là cầu thủ xuất sắc nhất World Cup nhưng đội bóng của anh lại thất bại trong trận chung kết đủ nói lên bi kịch riêng của Messi cũng như bi kịch chung của một đội bóng - một dân tộc đổ dồn gánh nặng lên chỉ một con người.

World Cup 2006 trên đất Đức, ĐT Đức của thầy trẻ Jurgen Klismann đã từ bỏ hình ảnh "xe tăng" để chơi thứ bóng đá tấn công nhịp nhàng. Nhưng World Cup 2006 rồi World Cup 2010, ĐT Đức từ thời Klismann đến thời Joachim Loew cứ vào bán kết là thua đau. Phải đến lần nay, khi họ "dạo chơi" ở bán kết với 7 bàn "ký gửi" vào lưới Brazil thì cánh cửa chung kết mới mở, và sau đó thì lịch sử nền bóng đá mới sang trang. Đức lần thứ tư lên đỉnh đầu thế giới, nhưng không phải với hình ảnh lầm lì thực dụng như 3 lần trước, mà với một hình ảnh mang tính cộng cảm, cống hiến nhiều hơn. Dĩ nhiên từ 2006 đến 2010 và 2014 độ cống hiến của người Đức là khác nhau nhưng triết lý, tư tưởng cống hiến thì không thay đổi.

Và vì thế chiến thắng của Đức ờ kỳ World Cup năm nay không phải là chiến thắng của những khoảnh khắc được làm nên chỉ bởi một trận đấu hay một giải đấu đơn thuần!

Lời nguyền bị phá

Rốt cuộc thì cái lời nguyền không đội bóng châu Âu nào có thể vô địch World Cup khi giải đấu diễn ra ở châu Mỹ cũng đã bị phá. Nó bị phá một cách ngoạn mục, bắt đầu từ trận bán kết Đức thắng Brazil 7-1, đến trận chung kết thắng thuyết phục Argentina 1 bàn. Năm nay nhiều ông lớn châu Âu đã xách va li về nước ngay sau vòng bảng, và một trong những nguyên nhân lớn được chỉ ra là "các đội châu Âu không phù hợp với khí hậu nóng nắng, độ ẩm cao giữa trời Nam Mỹ". Thế mà rốt cuộc một đội bóng châu Âu lại đăng quang - một đội bóng châu Âu với một nền thể lực thật ấn tượng và một lối chơi mang tính tập thể điển hình. (Hiếu Hà)

Vì sao Goetze ghi bàn?

Được tung vào sân ở phút 88 thay lão tướng Klose, tiền vệ Goetze đã để lại một dấu ấn lớn không chỉ trong trận đấu, không chỉ trong sự nghiệp cá nhân, mà trong lịch sử nền bóng đá khi ghi bàn quyết định đem lại chức vô địch thế giới cho đội bóng quê hương. Điều báo giới thắc mắc sau trận đấu là: động lực nào đã giúp Goetze chơi ấn tượng?

Câu trả lời của HLV trưởng ĐT Đức Joachi Loew: "Khi tung Goetze  vào sân, tôi bảo với cậu ấy rằng cậu ấy cần phải chứng minh mình còn giỏi hơn cả Messi. Và ơn chúa, cậu ấy đã chứng minh được điều đó, ít nhất là trong trận đấu này". Sau đó Loew cho biết Goetze là mẫu cầu thủ có thể thi đấu ở bất cứ vị trí nào, và ông luôn tin tưởng anh sẽ là người tạo ra sự khác biệt trong một trận cầu lớn. (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.