Chiếc ghế HLV trưởng ĐTVN liệu còn ai nữa ngoài ông Mai Đức Chung?
Thế thì ông Chung trong tư cách HLV nội đầu tiên dẫn dắt ĐTVN tại các giải đấu tầm ĐNA (tính từ năm 1995 đến nay) liệu có thể tạo ra một cột mốc lịch sử mới cho chính mình, và cho ĐT?
Có quá nhiều lý do để Hội đồng HLV QG "chấm" và sau đó thường trực VFF "chọn" ông Chung. Đầu tiên là việc một trong những "đối thủ" nặng ký của ông Chung là HLV Phan Thanh Hùng hiện đang làm việc ở HN.T&T, và chính ông Hùng trong những cuộc trả lời báo chí cũng nói rằng việc kiêm nhiệm vai trò HLV ở cả CLB lẫn ĐTQG với ông là một điều không tưởng. Tiếp nữa, ông Chung cũng chẳng xa lạ gì với công việc huấn luyện ở cấp độ ĐT, nếu không muốn nói thẳng đấy mới chính là "mặt trận sở trường" của ông.
Ai cũng biết, trước đây khi còn ngồi ghế Trưởng bộ môn bóng đá của Tổng cục TDTT, ông Chung đã làm trợ lý cho nhiều “đời” thầy ngoại, và đã hơn một lần đóng thế cho các ông thầy này. Kể ra thì cũng có lần ông Chung "đóng thế" thất bại, thậm chí là thảm bại - đấy là lần ông cầm ĐT U.23 QG tranh HCĐ SEA Games 24 với U.23 Singapore thay cho thuyền trưởng Riedl vừa mất chức sau trận bán kết vỡ giấc mơ vàng. Lần ấy, ông Chung đã cố "lên dây cót" tinh thần cho các học trò, và cố trấn an dư luận bằng những câu nói đại loại như "không thể về Việt Nam với hai bàn tay trắng", nhưng rốt cuộc là ĐT vẫn "trắng", thậm chí là "trắng xóa" với một trận thua nhục 0-5. Nhưng lần ấy không ai trách ông Chung, bởi ai cũng hiểu cái lúc ông ngồi lên ghế là lúc mà cả một ĐT đã mất hết nhuệ khí, mất cả niềm tin.
Ngược lại, ở những lần "đóng thế" có tổ chức, và có sự chuẩn bị, chẳng hạn như lần đóng thế cho ông Riedl ở vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008, ông Chung thực sự đã làm mới ĐT Olympic Việt Nam. Đến tận bây giờ nhiều nhà chuyên môn vẫn xuýt xoa thán phục việc ông Chung quyết định kéo Lê Công Vinh từ vị trí tiền đạo xuống vị trí tiền vệ cánh, qua đó chuyển luôn cái sơ đồ 4-4-2 điển hình của Alfred Reidl thành sơ đồ 4-5-1 được nhận diện là rất phù hợp với những quân bài mà chúng ta đang có. Hồi ấy, chỉ từ một sự chuyển đổi tiểu tiết như thế mà cả một ĐT thăng hoa, và cả một loạt những "đại gia Tây Á" đều bị Olympic Việt Nam làm cho khóc hận.
Hiểu được khả năng của ông Chung nên năm 2009, khi mà HLV Calisto xuất hiện và được giao cầm ĐTVN thì nhiều quan chức bóng đá Việt
Sau lần bị đá văng không thương tiếc ấy, ông Chung quyết định nhập môn V.League trong vai trò HLV trưởng CLB Bình Dương, rồi sau đó là HLV trưởng CLB Navibank Sài Gòn. Nhưng từ đất Bình Dương qua đất Sài Gòn, ông Chung đều phải đối diện với rất nhiều vấn đề, để rồi hiện nay ông đang là một HLV không cầm quân bất cứ đội bóng nào. Những người hiểu ông Chung, và hiểu những đặc thù riêng của công tác huấn luyện nói rằng, ông Chung rất mát tay trong việc huấn luyện một chu kỳ thi đấu ngắn ngày, như chu kỳ thi đấu của các ĐTQG.
Ngược lại, ông dường như chưa đủ "chiêu" và chưa đủ cả "mẹo" để huấn luyện một chu kỳ dài ngày với một lô một lốc những vấn đề phát sinh trong lòng một CLB. Không biết là những nhận định về chu kỳ ngắn - chu kỳ dài như thế chính xác đến đâu, nhưng cần phải nói thêm rằng ở cấp độ ĐT, không chỉ thành công trong phần lớn những lần đóng thế, ông Chung còn rất thành công trong vai trò HLV trưởng ĐT nữ và HLV trưởng ĐT U.22 QG nam - những vai trò mà với nó, ông đều giúp cho đội bóng của mình đứng lên trên đỉnh vàng.
Rõ ràng là nhìn đi nhìn lại, nhìn trước nhìn sau dễ thấy là cái ghế HLV trưởng ĐTVN lúc này phù hợp với ông Mai Đức Chung hơn bất cứ ông thầy nào khác. Chỉ có một lấn cấn nho nhỏ: Ông Chung xưa nay không phải tuýp người thích đối đầu cùng áp lực, và có thể dễ dàng chiến thắng áp lực, mà ai cũng hiểu công việc HLV trưởng ĐTQG là một công việc đòi hỏi khả năng chịu áp lực rất cao.
Nhưng ngẫm ra thì ở đời này chẳng có gì là hoàn hảo cả, thế nên những người đặt niềm tin vào ông Chung, và bản thân ông Chung cũng phải tự biết cách điều chỉnh mọi thứ sao cho phần việc ông đảm nhận rồi sẽ chạy trơn tru, chứ không bấn loạn, và có nhiều thời điểm mang dấu hiệu của sự tê liệt như thời… Falko Goetz