“Chậm” như điền kinh Việt Nam

Thứ Tư, 15/05/2013, 09:58
Hàng loạt mục tiêu lớn của điền kinh Việt Nam (VN) không thể hoàn thành, sự tụt hậu về thành tích ngày càng rõ ràng tuy nhiên nghịch lý nằm ở chỗ chính những người có trách nhiệm phát triển môn thể thao nữ hoàng lại “dìm” nhau bằng mọi cách có thể. Ngành thể thao đang tìm cách tháo gỡ những mâu thuẫn và giải quyết những quan hệ phực tạp của điền kinh nhưng đây không phải là lần đầu tiên người ta phải “đau đầu” vì điền kinh.

Thất bát toàn diện

Ở khu vực Đông Nam Á (ĐNÁ), điền kinh VN có sự vươn lên mạnh mẽ từ SEA Games 22 tổ chức ở VN. Trong suốt các kỳ Đại hội thể thao khu vực từ năm 2003 đến năm 2009, ở hai nội dung danh giá chạy nước rút 100m và 200m nữ, điền kinh VN đều có vàng. Các kỳ SEA Games 2007 và 2009, Vũ Thị Hương được tôn vinh như nữ hoàng tốc độ của khu vực ĐNÁ nhờ giành cả hai HCV ở những cự ly nước rút này.

Tuy nhiên đến năm 2011, “Nữ hoàng điền kinh” Vũ Thị Hương đã bị phế ngôi một cách chua chát. Vũ Thị Hương chỉ giành được HCB ở cự ly 100m và thất bại hoàn toàn ở cự ly 200m.

Một “nữ hoàng” điền kinh khác là Trương Thanh Hằng dù vẫn mang về 2 HCV ở các cự ly trung bình 800m và 1.500m nhưng thành tích của Hằng từ tầm châu lục đã trở lại tầm… khu vực. Ở các nội dung nhảy cao nữ, 10 môn phối hợp nam... điền kinh VN cũng mới chỉ “mon men” tiệm cận được với đẳng cấp châu Á, nhưng đó cũng chỉ là sự xuất thần một cách nhất thời.

Không chỉ thất bát về thành tích, điền kinh VN còn mất mát về con người khi các chuyến đưa VĐV ra nước ngoài tập huấn đều gặp “nạn”. Lần lượt Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương đều bị chấn thương trong những chuyến đi hao tiền tốn của. Đặc biệt, trước SEA Games 26, tuyển điền kinh được đưa đi tập huấn châu Âu với kinh phí hơn 100.000 USD nhưng thành tích thu về chỉ là con số 0.

Thất bại của Vũ Thị Hương là minh chứng cho sự tụt hậu của điền kinh Việt Nam. Ảnh: P.Ngọc.

Ở tầm khu vực điền kinh VN tụt hậu bởi theo lý giải của bộ môn và Liên đoàn là vì phải dồn sức cho mục tiêu lấy chuẩn Olympic. Sau Olympic Bắc Kinh 2008 với Vũ Thị Hương được tham dự nhờ suất đặc cách, điền kinh VN mơ giành vé chính thức ở các cự ly nước rút, trung bình tầm cỡ. Nhưng rút cục, 4 năm trời đầu tư, thuê chuyên gia Đức cho hai VĐV này trở thành công sức dã tràng. Hai VĐV giành vé đi Olympic London 2012 lại là những cái tên bất ngờ: Nguyễn Thị Thanh Phúc (đi bộ) và Nguyễn Thị Việt Anh (nhảy cao).

Không đấu đá nội bộ?

Điều khiến điền kinh VN càng “chạy” càng tụt lùi so với khu vực có nguyên nhân sâu xa từ mâu thuẫn nội tại giữa Bộ môn điền kinh và Liên đoàn điền kinh (VAF). Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lâm Quang Thành thừa nhận: “Có chuyện Bộ môn và Liên đoàn không nghe nhau. Tuy nhiên, mâu thuẫn hay đấu đá theo tôi là chưa đến mức”.

Nguyên nhân của sự “không nghe nhau” này xuất phát từ cá tính của ông Trưởng bộ môn Dương Đức Thuỷ, một người giỏi chuyên môn, hiểu từng chân tơ kẽ tóc của điền kinh. Ông Thuỷ đổ lỗi cho VAF không quan tâm, chăm lo cho VĐV dẫn đến việc những người bị chấn thương ngày càng đánh mất phong độ, nhân tài mới phát lộ thì không có điều kiện thi đấu cọ xát.

Cao trào của mâu thuẫn này là việc Bộ môn đăng ký cho VĐV thi một giải và VAF lại cho VĐV dự một giải khác. Điều này là chuyện chưa từng có ở thể thao VN trước đây. Ông Lâm Quang Thành cho biết: “Chuyện bộ môn và Liên đoàn không phối hợp cùng nhau là khó chấp nhận. Bộ môn là người của Tổng cục, Liên đoàn được xã hội hoá nhưng cũng là người của ngành thể thao mà không cùng nhìn về một hướng, vì cái chung sẽ gây dư luận xấu”.

Từ lâu, trong giới thể thao đã biết có chuyện ông Trưởng Bộ môn và ông TTK Liên đoàn điền kinh Hoàng Mạnh Cường không… nhìn mặt nhau. Thậm chí, các chương trình của Liên đoàn gửi cho bộ môn đều bị “ngâm” một thời gian dài. Ông Cường có báo cáo vấn đề trên với lãnh đạo Tổng cục để xử lý nhưng vấn đề nằm ở chỗ Bộ môn điền kinh chỉ có ông Thuỷ là người bao quát được chuyên môn, hiểu VĐV nên Tổng cục vẫn thường cho qua.

Ông Lâm Quang Thành khẳng định, ngày 17/5 tới, ông sẽ chủ trì cuộc họp để thống nhất quan điểm giữa Bộ môn và VAF. Ông Thành cho rằng, không có sai phạm tới mức phải kỉ luật mà chỉ cần giao nhiệm vụ và yêu cầu Bộ môn cũng như VAF thực hiện.

Tổng cục TDTT vận động giúp Lê Thị Huệ

Sau thông tin về cựu VĐV Lê Thị Huệ bị chấn thương và phải giải nghệ 10 năm nay nhưng không nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nào từ ngành thể thao, Tổng cục TDTT quyết định cử đoàn công tác về Quảng Xương, Thanh Hoá nắm bắt tình hình.

Phó Tổng cục trưởng Lâm Quang Thành cho biết: “Chúng tôi sẽ vận động sự hỗ trợ với Huệ. Ngoài ra, Tổng cục cũng sẽ làm việc với Sở VH-TT-DL Thanh Hoá để giải quyết chế độ cho Huệ”. Theo ông Thành, kinh phí từ ngân sách để trợ giúp Huệ là rất khó khăn nên ngành thể thao sẽ vận động nguồn tiền xã hội hoá.

T.Vũ

Hải Minh
.
.
.