Cầu thủ Việt khó chạy nổi 12km/trận

Chủ Nhật, 09/11/2014, 14:23
Chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải chia sẻ quan điểm xung quanh việc Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức thuê chuyên gia thể lực người Pháp để giúp lứa cầu thủ của mình có thể chạy 12km/trận như tại Premier League.

Phóng viên: Thể lực luôn là điểm yếu của cầu thủ Việt. Nhưng theo ông, điểm yếu này có được cải thiện theo thời gian không?

Ông Vũ Mạnh Hải: Tôi còn nhớ cách đây nửa thế kỷ, lứa của chúng tôi đã bắt đầu chú trọng cải thiện thể lực nhưng không thu nhiều hiệu quả bởi kinh phí, thiết bị khoa học thời đó rất hạn chế. Cùng với sự phát triển kinh tế, thể trạng của người Việt Nam ít nhiều được cải thiện, thể lực cầu thủ theo đó tăng lên nhưng không đáng kể. Ngày nay trong xu thế bóng đá hiện đại lên ngôi, thể lực đóng vai trò cốt lõi dẫn tới thành công, không có thể lực thì không thể thực hiện được kỹ chiến thuật.

Ông đánh giá thế nào về việc Hoàng Anh Gia Lai thuê chuyên gia thể lực hàng đầu của Pháp, Anthony Debant về để cải thiện thể lực cho lứa U19 Học viện HAGL Arsenal JMG?

Có một thực tế là vấn đề thể lực vẫn chưa được quan tâm và đầu tư xứng tầm ở các lò đào tạo bóng đá trên cả nước, dẫn đến việc các cầu thủ thua kém thể lực với các ngoại binh ở sân chơi V-League và với các đối thủ quốc tế. Việc Hoàng Anh Gia Lai thuê hẳn một chuyên gia thể lực “xịn” là bước đột phá trong cách nghĩ, cách làm bóng đá của Hoàng Anh Gia Lai. Cá nhân tôi rất ủng hộ và hy vọng.

Nhưng chỉ tiêu mà Hoàng Anh Gia Lai đặt ra cho chuyên gia Anthony Debant là phải giúp cầu thủ của họ chạy được 12km trong một trận đấu, có vẻ quá sức?

Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn. Trưởng giải V-League, Tanaka Koji đưa ra một con số để chúng ta tham khảo, đó là cầu thủ V-League mùa qua theo ghi nhận của ông này chỉ chạy 5,8km/trận. Nay nếu muốn lứa U19 Hoàng Anh Gia Lai chạy 12km/trận, tôi e là quá sức. Để chạy được 12km/trận thì ít nhất trong tập luyện, cầu thủ phải đạt thông số 13, 14km/trận. Muốn vậy, họ sẽ phải nuốt trọn các giáo án rất nặng. Điều này rất khó bởi nói gì thì nói, thể trạng của cầu thủ Việt vẫn còn khiêm tốn. Nhìn sang các nền bóng đá tiên tiến châu lục như Nhật Bản hay Hàn Quốc ở đẳng cấp trên chúng ta rất nhiều nhưng khi thi đấu với các đội bóng châu Âu vẫn lép vế thấy rõ về thể lực.

Ngay cả các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai được ăn, tập theo công nghệ Arsenal vẫn chưa khắc phục được điểm yếu thể lực.

Nhưng phía Hoàng Anh Gia Lai cho biết sẽ đầu tư cả các thiết bị khoa học tiên tiến, đáp ứng mọi yêu cầu kỹ thuật của chuyên gia người Pháp?

Để phát triển thể lực thì ngoài người hướng dẫn, yếu tố cơ sở vật chất là đương nhiên. Song theo tôi đây không phải yếu tố quyết định. Cốt lõi vẫn nằm ở thể trạng cầu thủ. Theo tôi được biết thì cầu thủ của Hoàng Anh Gia Lai ngoài việc tập luyện theo giáo án của Arsenal cũng phải tuân thủ quy tắc dinh dưỡng rất chặt chẽ và khoa học của đối tác này. Nhờ vậy mà những Công Phượng, Tuấn Anh có thể có những cú nước rút ấn tượng trước đối thủ cao to đến từ Australia. Và nay lại được bồi dưỡng thêm thể lực từ một chuyên gia tốt, tôi nghĩ sự tiến bộ sẽ rõ rệt hơn. Tuy nhiên trong quá trình đào tạo, giữa chuyên gia Pháp và phía Hoàng Anh Gia Lai cần có những trao đổi, thử nghiệm xem liệu chỉ tiêu đặt ra có phù hợp, có cần điều chỉnh cho vừa sức với cầu thủ không.

Cá nhân tôi cho rằng, nếu cầu thủ có thể chạy 12km/trận như ở Premier League là điều rất tuyệt vời, song nếu không đạt được thông số trên cũng không phải là thất bại. Như tôi đã nói, cầu thủ V-League chỉ chạy 5,8km/trận, trong khi nhiều cầu thủ U19 thường xuyên ở tần suất 7-8km/trận. Nay chỉ cần tăng lên 8-9km/trận cũng đã rất thành công rồi. Sự thành công này không chỉ giúp ích cho chính cầu thủ mà còn tạo động lực để các lò đào tạo khác học theo và cải thiện thể lực cho cầu thủ Việt nói chung. Và khi đó, các ĐTQG chính là đối tượng được hưởng lợi. Nhưng từ nay đến mục tiêu đó cần thời gian và sự ủng hộ của các bên. Cá nhân tôi rất mừng khi có một lò tiên phong như Hoàng Anh Gia Lai và rất hào hứng chờ đợi sự lột xác trong tương lai gần ở lứa cầu thủ của học viện này.

Cảm ơn ông!

Bảo Lâm (thực hiện)
.
.
.