Câu chuyện bóng đá: Khi người Thái hậm hực

Thứ Bảy, 06/09/2014, 10:14
Khi được đề nghị đánh giá về lối chơi của ĐT U.19 Việt Nam, HLV trưởng ĐT U.19 Thái Lan Suporn Peenagatapho đã nói rất mát mẻ: "Họ đá nhanh như Barca, nhưng đến Barca cũng có thể bị đánh bại".

Không ai bất ngờ với kiểu trả lời và thái độ trả lời của ông Suporn Peenagatapho. Ở bán kết giải U.22 Đông Nam Á mới đây, ông đã chỉ đạo các học trò của mình đá láo đá ẩu để làm chùn chân cầu thủ Việt Nam nhưng rốt cuộc vẫn chấp nhận bại binh 0-1. Phát biểu sau trận thua ấy, ông Suporn Peenagatapho cho biết quân mình thiếu khoảng 10 người chủ chốt đang đá giải VĐQG, chứ không thì Việt Nam đã không thể giành chiến thắng. Và bây giờ thì ông bảo U.19 Thái Lan rất muốn gặp lại U.19 Việt Nam để đòi lại Việt Nam cả vốn lẫn lời.

Thực ra thì món nợ của U.19 Thái Lan với U.19 Việt Nam xuất phát từ ngay trận đấu đầu tiên ở giải U.19 Đông Nam Á hồi năm ngoái - trận đấu mà lần đầu tiên lứa U.19 của Học viện Hoàng Anh Gia Lai JMG tham dự một trận đánh chính thức và đã giành chiến thắng 3-2. Đến bán kết giải U.22 Đông Nam Á vừa rồi thì món nợ lại được nhân lên. Có lẽ phải ở trong cảnh của một ông thầy bị "nợ chồng thêm nợ" như ông Suporn Peenagatapho mới hiểu cảm giác bực mình của ông. Miễn bình luận về những điểm tích cực, tiêu cực của thứ cảm giác ấy, điều đáng nói ở đây là, nếu không tính trận địa bóng đá nữ thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 1991 - năm mà bóng đá Việt Nam hội nhập trở lại đấu trường quốc tế, bóng đá Thái Lan mới rơi vào thế hậm hực, đuổi bắt bóng đá Việt Nam như bây giờ.

Cầu thủ U.19 Thái Lan (trái) chơi lại cầu thủ U.19 Việt Nam bằng lối đá chém đinh chặt sắt.

Những năm 90 của thế kỷ 20, khi bóng đá Việt Nam sản sinh ra một thế hệ mà sau này được người ta ưu ái gọi là "thế hệ vàng" thì những con người của "thế hệ vàng" luôn mất vàng vì người Thái. Hình ảnh những Hồng Sơn, Huỳnh Đức, Hoàng Bửu có thể làm mưa làm gió trước khung thành Indonesia hay Malaysia nhưng cứ hễ gặp Thái Lan là "tắt điện" đã trở thành nỗi ám ảnh của cả một nền bóng đá. "Đến khi nào thì ĐTVN mới đánh bại được ĐT Thái Lan?" - đấy không chỉ là câu hỏi riêng của người hâm mộ, mà là câu hỏi của ngay cả một đại biểu Quốc hội đặt ra cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban TDTT Nguyễn Danh Thái.

AFF suzuki Cup 2008, khi ĐTVN của thầy ngoại Calisto may mắn vượt qua Thái Lan ở trận chung kết để lên ngôi vô địch thì nỗi "ám ảnh Thái Lan" chỉ nguội đi, chứ không hề giảm tắt. Trong lần gặp gỡ gần đây nhất giữa hai đội tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2012, ĐTVN của HLV Phan Thanh Hùng đã thua Thái 1-3 - thua một cách toàn diện và bạc nhược.

Nói lại tất cả những điều này để thấy rằng trong mối quan hệ giữa hai nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan thì thế hệ U.19 hiện nay có vẻ như đang gỡ và gỡ rất nhiều điểm số cho những thế hệ đàn anh đi trước.

Chuyện kể rằng khi HLV, cầu thủ Thái tỏ ra hậm hực sau trận thua U.19 Việt Nam ở giải U.22 Đông Nam Á thì các cầu thủ U.19 Việt Nam vẫn bình thản như không. Khi ông HLV Suporn Peenagatapho chủ động ngồi vào cái ghế mà các cầu thủ Việt Nam đã ngồi trong tiền sảnh khách sạn sau trận đấu và gây sự bằng cách không cho cầu thủ Việt Nam ngồi cạnh mình thì các cầu thủ trẻ Việt Nam cũng vui vẻ rút đi chỗ khác.

Rõ ràng là cái cách người Thái phải hậm hực với ta, và cái cách ta bình thản trước sự hậm hực ấy đã cho thấy rất nhiều cái được. Hy vọng là ở giải U.19 Đông Nam Á đang diễn ra ở Hà Nội, nếu ta và Thái có gặp lại nhau - lần gặp thứ 3 trong lịch sử các lần gặp gỡ giữa hai đội U.19 của hai nền bóng đá thì cái được này sẽ tiếp tục được nhân thêm!                   

Từ "thông tin màu hồng" về Lee Nguyễn

Chân sút người Mỹ gốc Việt Lee Nguyễn vừa có hai bàn thắng giúp CLB England giành chiến thắng 3-1 ở vòng 26 giải nhà nghề Mỹ, nâng tổng số bàn thắng của mình lên con số 12 sau cả thảy 24 lần ra sân. Với con số này Lee Nguyễn đã lọt vào top 5 chân sút hàng đầu giải nhà nghề Mỹ, và được HLV trưởng England khen nức nở.

Những thông tin về Lee Nguyễn chắc chắn có sự lan toả và tác động rất lớn đến cộng đồng bóng đá Việt Nam, vì ai cũng biết là trước đây Lee Nguyễn đã từng chơi bóng ở CLB Hoàng Anh Gia Lai và Becamex Bình Dương tại sân chơi V.League, nhưng đã không thành công như mong đợi.

Câu hỏi đặt ra là vì sao một cầu thủ đẳng cấp, đã và đang thể hiện sức mạnh của mình ở một giải bóng đá nhà nghề của một nền bóng đá cao hơn rất nhiều so với bóng đá Việt Nam lại không thể thành công ở bóng đá Việt Nam? Ngày chia tay Bình Dương về nước, chính Lee Nguyễn cũng đã từng giải đáp câu hỏi này, trong đó nhấn mạnh tới việc ở V.League, các cầu thủ đá quá rắn và quá tiểu xảo. Mới đây thì trưởng BTC V.League Tanaka Koji đã đưa ra một thống kê giật mình: trong khi mỗi cầu thủ châu Á chạy bình quân mỗi trận vào khoảng 10km thì ở V.League, con số này chỉ là 5,7km, và nguyên nhân của sự khác biệt nằm ở chỗ: các trận đấu V.League đã diễn ra những pha va chạm, dẫn đến những tình huống bóng chết tràn lan.

Rõ ràng là từ những "thông tin màu hồng" về Lee Nguyễn chúng ta một lần nữa lại phải nhìn lại về thực trạng V.League hiện nay. Và càng nhìn thì càng thấy lo khi biết rằng ở mùa V.League tới đây, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đang có ý định đôn lứa cầu thủ "gà nòi" U.19 lên đá V.League cùng đội một!

Tuấn Thành

Diệp Xưa
.
.
.