Brazil "chết" đau tại Olympic 2012: Phải không, lời nguyền của Chúa?

Thứ Hai, 13/08/2012, 10:45
24 giờ trước trận chung kết bóng đá nam Olympic năm nay, người Brazil rất tự tin vào một chiếc HCV lần đầu tiên trong lịch sử. Không chỉ vì đối thủ của họ là một Mexico bị đánh giá là dưới và rất dưới, mà còn vì "Chúa đang đứng bên cạnh chúng tôi" - tuyên bố của Neymar. Nhưng nghiệt thay, sau 90+2 phút chung kết giàu cảm xúc thì nước mắt Brazil lại rơi bởi chính một… lời nguyền màu vàng xanh, một lời nguyền của Chúa.

Ở những giây cuối cùng của trận đấu, khi tỷ số vừa được rút ngắn xuống 1-2, và khi cú căng ngang từ biên phải đưa quả bóng đúng tầm bật nhảy Oscar thì cơ hội cân bằng cách biệt đã đến với Brazil. Nhưng trong cái cơ hội cứu rỗi cuối cùng ấy, quả bóng từ đầu của Oscar lại bay vọt xà, khiến Oscar sau đó ôm mặt nằm sân ngay lập tức. Chỉ một tích tắc sau đó, ông trọng tài thổi hồi còi mãn cuộc, và ống kính truyền hình lập tức cận cảnh Neymar gục mặt xuống thảm cỏ.

Lúc ấy, cảm giác như cả một sức nặng ngàn cân đang đè lên cầu thủ tài hoa, sáng giá này. Và lúc ấy nhiều đồng đội của Neymar cũng khóc. Khóc vì không thắng được lời nguyền của một nền bóng đá đã từng 5 lần vô địch thế giới nhưng lại chưa một lần gặt được HCV bóng đá Olympic. Và khóc vì có lẽ không thể tin rằng mình lại thua một cách tức tưởi - một cách kỳ lạ - một cách định mệnh đến như thế.

Ở trận đấu quan trọng này, khi đồng hồ thi đấu mới chỉ trôi đến giây thứ 30 (chứ chưa qua 1 phút đầu tiên) thì một đường chuyền về bất cẩn của hậu vệ Rafael đã khiến Peralta của Mexico dễ dàng cướp bóng ghi bàn. Hơn 70 phút sau lại là Peralta trong một nỗ lực bật nhảy đánh đầu đã đưa quả bóng nằm gọn trong mành lưới đối phương. Bị dẫn 1 bàn, rồi dẫn 2 bàn, Brazil đã thay tất cả số lượng người có thể, và đã làm tất cả để dồn một hỏa lực tấn công khủng khiếp về phía đối phương. Nhưng một phần, cầu thủ Mexico phòng ngự chặt chẽ, không hoảng loạn, một phần các chân sút Brazil trong một ngày như bị "ma ám" đã không còn là chính mình. Thế nên hàng tá cơ hội được bày ra nhưng rốt cuộc Brazil chỉ có được một bàn duy nhất, rút gọn tỷ số xuống 1-2 do công của Hulk - cầu thủ mới vào sân thay người.

Trong lịch sử Olympic, cho đến trước trận chung kết năm nay, Brazil đã từng 2 lần lọt vào chung kết bóng đá nam, nhưng hết thua Pháp lại đến thua Liên Xô cũ - những đội bóng hùng mạnh ở thời điểm đó. Nhưng lần này thì Brazil không thua những đội bóng tiếng tăm, hùng mạnh như thế, mà lại thua "kèo dưới" Mexico trong một trận đấu mà cả thế giới đã tin rằng họ có thể chiến thắng dễ dàng.

http://ed.cand.com.vn/Uploaded_CSTC/phuonglien/6_cau2574-450.jpg
Cầu thủ Brazil (trái) đã bị Mexico bất ngờ “đánh gục”.

Vì sao Brazil thua? Vì những sai lầm cá nhân trong một trận đấu đã xuất hiện quá nhiều chăng? Có thể, vì chính những sai lầm như thế đã tạo cơ hội cho Mexico ăn bàn. Vì thiếu một chút may mắn trong những pha dứt điểm và trong cả những quyết định của trọng tài chăng? Cũng có thể, vì những yếu tố như thế đã xuất hiện ít nhiều trong 90 phút bóng lăn! Nhưng có một chi tiết, một hình ảnh đặc biệt gây chú ý, đó là ở những phút cuối trận, hai cầu thủ Brazil đã lao vào hục hặc nhau, và nếu không có sự can thiệp kịp thời của trọng tài thì tình trạng "gà nhà đánh nhau" đã xảy ra ngay trước thanh thiên bạch nhật.

Chi tiết này chứng tỏ Brazil năm nay chỉ là tập hợp của những cầu thủ tiếng tăm, giàu giá trị, chứ không phải là một tập thể có giá trị? Nó khác hẳn so với một Mexico mà nếu xét về từng con người, từng vị trí thì đều là những cái tên vô danh, nhưng khi những cái tên vô danh ấy ghép lại với nhau, đồng cam cộng khổ với nhau, cùng quyết đấu với nhau thì đấy lại là một tập thể mạnh mẽ đến lạ lùng.

Vậy là trong lịch sử tồn tại của nền bóng đá hùng mạnh nhất thế giới cho đến lúc này vẫn chưa có được, dù chỉ là một tấm HCV bóng đá Olympic. Tất cả là do một lời nguyền vàng - xanh, một lời nguyền của Chúa, hay do những cái TÔI quá lớn đã đánh gục một cái TA cần phải có của bất cứ một tập thể chiến thắng nào?

Nỗi buồn châu Âu - Dấu ấn châu Á

Có một sự thực đáng buồn là cho tới vòng bán kết bóng đá nam Olympic London năm nay không còn một đội bóng châu Âu nào góp mặt. Những đội bóng châu Âu được kỳ vọng có nhiều khả năng đoạt HCV như Olympic Tây Ban Nha thậm chí đã bị loại ngay sau vòng đấu bảng. Ngược lại bóng đá châu Á lần đầu tiên có tới 2 đội ở vòng bán kết (Nhật Bản, Hàn Quốc), mặc dù cả hai đội sau đó đều thua nhưng những gì họ thể hiện từ đầu giải đều khiến thế giới phải khâm phục về sự vươn lên của  một châu lục bóng đá từ lâu đã bị xếp vào "vùng trũng" của thế giới.

Việc Olympic Mexico lần đầu tiên lọt vào chung kết và lần đầu tiên gặt HCV Olympic cũng là một dấu ấn chứng tỏ sự tiến bộ của bóng đá Bắc Mỹ năm nay.

Tuy nhiên từ những thay đổi căn bản ở trận địa bóng đá Olympic cho đến những thay đổi (có thể có) ở trận địa World Cup lại là cả một chặng đường dài, bởi có một sự thực là những nền bóng đá lớn vốn có "truyền thống" không quá coi trọng sân chơi Olympic vốn chỉ dành cho những cầu thủ dưới tuổi 23.

Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.