Bóng đá nữ lo đường đến World cup

Thứ Tư, 24/04/2013, 09:46
Khi được hỏi về khả năng giành một suất tham dự World cup nữ 2015 của tuyển nữ Việt Nam, HLV Trần Vân Phát nói thẳng thắn: “Chúng ta có 50% cơ hội thành công và 50% còn lại phải nỗ lực, chứ không thể nghĩ rằng chiếc vé dự World cup đã ở trong tầm tay để mà tự phụ”.

Giành vé dự World cup nữ là một cuộc chiến thực sự, rất khốc liệt, mà ở đó đối thủ cũng rất quyết tâm. Vì thế, không cách gì khác là phải đầu tư nhiều hơn, chăm sóc tốt hơn những bóng hồng đang viết nên giấc mơ lớn đầu tiên cho bóng đá Việt Nam ở đấu trường thế giới.

Tránh lạc quan tếu

Đội tuyển bóng đá nữ quốc gia đã khởi động chiến dịch giành vé dự World cup bằng đợt tập huấn, trước khi bước vào tranh tài ở vòng loại Asian cup 2014. Tuyển nữ Việt Nam sẽ phải vượt qua vòng loại vào giữa tháng 5 này ở bảng đấu có các đối thủ Bahrain, Kyrgyzstan và Hồng Kông nếu muốn tiếp tục nuôi giấc mộng World cup nữ.

Sau khi vượt qua vòng bảng, tuyển nữ Việt Nam sẽ phải gặp 7 đội tuyển bóng đá nữ mạnh nhất châu lục, trong đó 4 “nữ đại gia” là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Australia đã được đặc cách. Nếu giành được vị trí thứ năm ở Asian cup nữ 2014, tuyển nữ Việt Nam sẽ có vé dự World cup.

Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam hiện nay chỉ gồm các đội tuyển Thái Lan, Myanmar và có thể là cả Đài Loan. Đây đều là những đối thủ ngang tầm và vừa sức với đội tuyển Việt Nam nên VFF rất hy vọng tuyển nữ sẽ sớm biến giấc mơ World cup của bóng đá Việt Nam thành hiện thực. Tuy nhiên, đó là những tính toán trên lý thuyết, thực tế lại không đơn giản như vậy.

Tuyển nữ Việt Nam vừa kết thúc chuyến tập huấn ở Tam Đảo để bước vào chiến dịch vòng loại Asian cup 2014. Ảnh: P.Ngọc.

HLV Trần Vân Phát thừa nhận khó khăn hiện tại của tuyển nữ là không biết gì về sự chuẩn bị của các đối thủ. Ngay cả các đội nằm cùng bảng với tuyển nữ Việt Nam ở vòng loại Asian cup 2014, thầy trò ông Trần Vân Phát cũng hết sức mù mờ. “Phải xếp nhất ở bảng đấu vòng loại, tuyển nữ Việt Nam mới có cơ hội chắc chắn góp mặt tại VCK nên không thể chủ quan”- ông Phát cho hay.

Lo lắng lớn nhất của ông Phát lúc này là Thái Lan, Myanmar, những đối thủ chính cạnh tranh vé dự World cup nữ với tuyển nữ Việt Nam đang có những chuẩn bị rất kĩ lưỡng. Cả hai đối thủ này đều tập trung đội tuyển nữ dài hạn, gửi đội tuyển đi tập huấn nước ngoài, trong khi các nữ tuyển thủ Việt Nam vừa mới kết thúc lượt đi giải VĐQG nữ khá mệt mỏi. Niềm hy vọng World cup của VFF cũng chỉ được cho đi tập huấn ở khu nghỉ mát Tam Đảo với những điều kiện tập luyện nghèo nàn.

Quá nhiều gánh nặng cho chị em

VFF từng nhiều lần hứa sẽ quan tâm nhiều hơn, đầu tư tốt hơn cho bóng đá nữ nhưng tất cả các cô gái chơi bóng vẫn còn phải chờ để những lời hứa ấy biến thành hiện thực. Khi các ông bầu ở Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tìm được 10 nhà bảo trợ cho bóng đá Việt Nam, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ từng nói: “Chúng tôi dự định trích 10 tỉ đồng đầu tư cho bóng đá nữ”, tuy nhiên thời điểm này khi các nhà bảo trợ lần lượt rút lui thì số tiền kếch xù kia cũng tan theo bong bóng.

Có một khoản ngân sách 8 tỉ đồng sẽ là số tiền VFF chắc chắn sẽ nhận được từ Tổng cục TDTT để đầu tư phát triển bóng đá trẻ và các đội tuyển quốc gia. Số tiền này VFF sẽ được nhận từ năm 2013 trở đi, tuy nhiên cơ quan đầu não của bóng đá Việt Nam đầu tư bao nhiêu tiền cho bóng đá nữ thì vẫn là câu hỏi.

Nhiều năm qua, bóng đá nữ không ít lần “cứu” VFF khi đội tuyển nam thất bát ở các kỳ SEA Games thì tuyển nữ vẫn thăng hoa và giành được HCV. Gần đây nhất ở SEA Games 25 tại Lào, tuyển U23 QG mất vàng đầy tiếc nuối thì các cô gái của tuyển nữ vẫn lên ngôi hậu thuyết phục.

Ở kỳ SEA Games 27 cuối năm nay, khi bóng đá nữ được tổ chức lại sau SEA Games 26 không được nước chủ nhà đưa vào chương trình thi đấu, tuyển nữ Việt Nam tiếp tục được đặt kỳ vọng lớn. Nhiều khả năng, tuyển nữ được giao chỉ tiêu bảo vệ ngôi hậu. Trong khi đó, tuyển U23 sẽ chỉ phải nhận chỉ tiêu có mặt ở chung kết. Rất nhiều lãnh đạo VFF vẫn thường than thở rằng: “Đừng bao giờ so sánh bóng đá nữ với bóng đá nam vì bóng đá nữ rất khó kiếm nhà tài trợ”.

Thế nhưng các cô gái đá bóng thì vẫn không thể không nghĩ. Họ âu lo cho tương lai sau khi chơi bóng, sau khi đã dành toàn bộ tuổi thanh xuân trên sân cỏ. Bóng đá với họ cũng giống như tình yêu nên điều họ trăn trở, thấp thỏm cũng chẳng khác gì khi nữ sĩ Xuân Quỳnh trăn trở về tình yêu trong đời: “Em lo âu trước xa tắp đường mình/Trái tim đập những điều không thể nói”. Chỉ mong là những nhà hoạch định tuơng lai cho bóng đá nước nhà giảm bớt gánh nặng và tăng thêm sự quan tâm để chị em phụ nữ đỡ tủi

Hải Minh
.
.
.