Bóng đá khác bóng bầu dục

Chủ Nhật, 06/07/2014, 16:10
Ngày 16/6, khi World Cup vừa khai mạc và Đội tuyển Mỹ ra quân, trên website của Kênh Truyền hình 11alive tại Mỹ, xuất hiện một bài viết với tiêu đề: “Nếu đội tuyển Mỹ ghi bàn tại giải năm nay, họ sẽ chỉ ghi bàn theo một cách: Đá phạt”.

Tất nhiên đó chỉ là một tiêu đề cường điệu (dù Mỹ suýt gỡ hòa trong trận gặp Bỉ bằng một pha đá phạt thật). Bài viết phân tích rằng, đá phạt là một thứ mà các đội bóng “chiếu dưới” có thể trông chờ trong mọi hoàn cảnh. Và đó là thứ không quá khó để luyện tập. Họ chỉ ra tên tuổi số một trong làng “đá phạt” thế giới là HLV Tony Pulis. Ông đã đưa Stoke City trở thành một vật cản khó chịu của Premier League chỉ nhờ tình huống cố định. Di sản của Pulis để lại mạnh tới mức đến khi ông ra đi, mùa trước Stoke vẫn ghi đến 47% trong tổng số bàn thắng bằng bóng chết.

Ai cũng hiểu, đá phạt là một phương pháp đơn giản để ghi bàn. Nhưng nếu đơn giản, tại sao người ta không dồn toàn lực để dạy cầu thủ tấn công và phòng ngự trong các tình huống bóng chết, biến các đội bóng mình dẫn dắt trở thành “điển hình bóng chết”?

Kênh truyền hình Mỹ đem câu hỏi ấy đến cho Bobby Clark, cựu HLV trưởng Đội tuyển New Zealand (một đội yếu). Ông trả lời: “Bởi vì quá phụ thuộc vào đá phạt sẽ khiến bóng đá giống như bóng bầu dục. Bóng đá là môn thể thao chuyển động. Nếu chỉ sống nhờ đá phạt thì chẳng ai xem nó nữa”.

Nghĩa là khán giả có thể hiểu rằng đá phạt, cho dù có dễ hơn bóng sống, sẽ không bao giờ trở thành phương pháp ghi bàn chủ đạo của bóng đá.

Sẽ chỉ có một hoặc vài Tony Pulis mà thôi!

Đức Hoàng
.
.
.