Bóng đá Việt Nam và câu chuyện “đẽo cày giữa đường”

Thứ Ba, 25/12/2012, 09:42
Một quan chức của Tổng cục TDTT thừa nhận, nếu chúng ta không có một lộ trình cụ thể, thì cứ mãi làm theo kiểu ăn xổi. Ai đời, vừa thừa nhận đó là HLV tốt nhất từ trước tới nay, đã cho thôi việc sau một thất bại. Còn trường hợp mới nhất, chính VFF cũng nhận sai lầm của mình, nhưng vẫn cứ phải cho HLV nghỉ việc với lý do cần tìm người có khả năng hơn.
>> Nếu bắt buộc phải là thầy ngoại, hãy mời ngay Avramovic!

1. Chuyện kể, một người ngồi trên đường đẽo cày. Có người đi qua, trông thấy khuyên: “Ồ, cái tay cày to quá, khó cầm. Anh nên đẽo cho nó nhỏ hơn có được không?”. Anh thợ đẽo cày nghe theo, đẽo cái tay cày nhỏ đi. Một lát, một người khác đi qua lại bảo: “Ồ, cái ách cày to quá, khó vác. Anh nên đẽo nó nhỏ đi chút nữa”. Anh thợ cày nghe theo lại đẽo nhỏ đi... Cứ thế, người nào góp ý anh cũng đẽo lại, cuối cùng cái cày chỉ còn bằng cái đũa.

Câu chuyện “đẽo cày giữa đường” chỉ ngắn gọn như vậy, nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn và gặp không ít trong đời sống. Nó ám chỉ những người thiếu tính chủ động, quyết đoán, bản lĩnh trong công việc nên ai nói cũng gật, cũng cho là phải.

2. Bóng đá Việt Nam hơn 10 năm về trước chỉ lấy đích ngắm làm sao vượt qua được người Thái. Vì thế, bóng đá Việt Nam sẵn sàng học mọi thứ của người Thái chỉ để đánh bại người Thái. Sau khi đánh bại Thái Lan rồi, bóng đá Việt Nam gây dựng được chút bản sắc trong lối chơi, nhưng cách làm thì luôn thiếu kiên định.

Điển hình là sau thất bại tại AFF Cup 2010 và SEA Games 26, VFF nhìn sang Malaysia mà không khỏi ngưỡng mộ cách làm của đội bóng này. Từ giải quốc nội chỉ sử dụng cầu thủ nội, đến chuyện sử dụng HLV cũng là nội trên đội tuyển. Bóng đá Malaysia liên tiếp đoạt 2 chức vô địch AFF Cup và SEA Games, khiến bóng đá Việt Nam lại xoay theo hướng phải dùng HLV nội.

Còn nhớ hồi VFF ký hợp đồng với HLV Phan Thanh Hùng, tất cả những lời lẽ tốt đẹp nhất của những người ủng hộ trong đội ngũ lãnh đạo VFF, đều cho rằng cần phải học người Mã. Thế nhưng, chỉ sau 3 tháng cầm quân với thất bại ê chề tại AFF Cup, những người đó lại thừa nhận mình đã mắc sai lầm, lại tin rằng HLV ngoại phù hợp hơn với bóng đá Việt Nam.

Giờ thì nghe nói, VFF lại đang thích một HLV người Nhật, vì nền bóng đá của nước này đang phát triển nhất nhì châu Á. VFF cứ quay quắt tìm hết HLV này đến HLV khác, thậm chí có những HLV còn chưa thể hiện được chút tài năng nào vì mới làm được vài tháng, đã bị thay.

Bóng đá Việt Nam cần kiên định hơn về cách làm của mình. Ảnh: An Nhi.

ĐTQG đã vậy, cách làm ở giải trong nước cũng theo kiểu “nhảy sóng”. Cái cách mà VPF đề xuất phương án bổ sung đội U22 tham dự V.League, được cho là học tập theo cách làm của một số nước trong khu vực. Thế nhưng, sự áp dụng tới mức cẩu thả của VPF mà quên đi bản chất giữa bóng đá của Việt Nam và các nước.

Ở Malaysia hay Indonesia, đội tuyển U22 được thành lập từ sự đầu tư của Liên đoàn bóng đá, chứ không phải lấy quân từ các CLB như ở Việt Nam. Rất may là đề xuất của VPF đã bị bác bỏ, nếu không sẽ xảy ra biết bao rắc rối ở mùa giải tới. Sau câu chuyện U22, lại có thêm câu chuyện mùa giải 2013 không có đội xuống hạng. Như vậy chẳng khác nào sau hơn 10 năm lên chuyên nghiệp, V.League trở thành giải giao hữu.

Trước đó, VPF lại chuyển sang cách làm bóng đá giống người Nhật Bản, nhưng quên rằng ở ta, có quá nhiều những ông bầu đang ngồi trong VPF, thay vì chỉ là 1/3 như ở Nhật Bản.

Sau khi Singapore thành công tại AFF Cup vừa rồi, dám chắc VFF và VPF sẽ lại học tập cách làm của nước này. Rồi năm tới quay lại người Mã, người Indonesia...

3. Bóng đá Việt Nam không thiếu những câu chuyện về anh chàng “đẽo cày giữa đường” như thế, cả ở cấp CLB và ĐTQG. Một quan chức của Tổng cục TDTT thừa nhận, nếu chúng ta không có một lộ trình cụ thể, thì cứ mãi làm theo kiểu ăn xổi. Ai đời, vừa thừa nhận đó là HLV tốt nhất từ trước tới nay, đã cho thôi việc sau một thất bại. Còn trường hợp mới nhất, chính VFF cũng nhận sai lầm của mình, nhưng vẫn cứ phải cho HLV nghỉ việc với lý do cần tìm người có khả năng hơn.

Sau thành công của Singapore tại AFF Cup (đây là chức vô địch thứ 4), tất cả đều thấy HLV Avramovic được sự ủng hộ hết mình của LĐBĐ Singapore. Quan điểm của LĐBĐ nước này là "không tin thì không dùng, nhưng đã dùng thì phải tin'' nên đã giao toàn quyền cho ông Avramovic. Nếu bóng đá Việt Nam cũng có những sự tin tưởng như vậy, có lẽ giờ đã khác.

Tại vòng loại Asian Cup 2015 sắp tới, VFF sẽ sử dụng cầu thủ U22 làm nòng cốt cho ĐTVN. Không biết đội tuyển U22 thi đấu không thành công, VFF có thay đổi quan điểm không nhỉ?

An Nhi
.
.
.