Bóng đá Việt Nam thời khủng hoảng kinh tế: Chợt nhớ ông Riedl!

Thứ Sáu, 20/07/2012, 10:50
CAND đã có bài phản ánh về một V.League nghèo rớt mồng tơi - hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế đã và đang diễn ra suốt thời gian qua. Trong bài viết này, chúng tôi không nói lại cái nghèo ai cũng thấy ấy, mà muốn đề cập tới một câu chuyện khác: nhìn vào cái nghèo mà bỗng nhớ lại cựu HLV trưởng ĐTVN Alfred Riedl với một câu nói bất hủ: “BĐVN đang xây nhà từ nóc”.
>> Bóng đá Việt Nam thời… nhạy cảm: “Loạn” thượng tầng!

Chuyện hai “cái nóc” 

Ông Riedl nói câu nói bất hủ trên  vào năm 1998 – thời điểm mà ĐTQG Việt Nam được VFF cùng các nhà tài trợ chăm chút bằng những chuyến tập huấn nước ngoài và cả những mức thưởng kếch xù trước đó chưa từng có. Hồi ấy khi lên tuyển, các cầu thủ không chỉ được “cái tiếng”, mà còn được cả “cái miếng”, nên mới có nghi án về việc một nhóm cầu thủ Thể Công giữ chân trong màu áo CLB để có thể “nổ” tới bến trong màu áo quốc gia.

Ông Riedl hồi ấy là HLV trưởng ĐTQG nhưng cũng không vì thế mà vui mừng, bởi  ông hiểu một nền bóng chỉ đổ dồn vào ĐTQG để gặt thành tích theo kiểu “ăn xổi”, thay vì có những đầu tư lớp lang, bài bản từ hệ thống các CLB sẽ không bao giờ trở thành một nền bóng tử tế, có khả năng phát triển lâu dài. Câu nói “xây nhà từ nóc” được hiểu theo hàm ý ấy, và cũng chính vì hàm ý ấy mà rất nhiều quan chức VFF tỏ ra không hài lòng với một “ông Tây” ăn nói vung miệng, thay vì phải ngó trước ngó sau như những ông thầy Việt.

Tuy nhiên, chỉ 2,3 năm sau câu nói ấy - khi những ông bầu đầu tiên đổ tiền vào làng bóng, rồi sau đó – khi cả một thế hệ những doanh nhân ồ ạt biến cuộc chơi V.League thành cuộc chơi của những kẻ nhà giàu thì cái cảm giác “BĐVN xây nhà từ nóc” đã nguôi ngoai rất nhiều. Bởi rõ ràng là đồng tiền doanh nghiệp đã giúp chế độ lương, thưởng ở CLB cao hơn  so với ĐTQG, và cũng chính đồng tiền doanh nghiệp đã khiến chất lượng các đội bóng cùng chất lượng các trận đấu ở V.League được đẩy cao hơn so với chính nó trước đây.

Thời kỳ này, thay vì những nghi án cầu thủ “giữ chân” ở CLB để đá tưng bừng cho ĐT thì lại xuất hiện những nghi án cầu thủ “giữ chân” trên tuyển, thậm chí tìm đủ mọi cách (từ con ốm, vợ đẻ cho tới…mất hộ chiếu…) để rút khỏi màu áo tuyển hòng đá hết ga, hết số cho CLB của mình. Sức sống V.League lúc này cao tới mức có những thời điểm không riêng gì những nhà lãnh đạo, mà chính các cơ quan truyền thông cũng tự tin nói rằng đây là giải đấu cấp  CLB hấp dẫn nhất ĐNA.

Song đến lúc này, khi mà nhiều đội bóng V.League vẫn đang nợ lương, nợ thưởng nợ cả tiền ăn, khi mà nhiều ông bầu V.League đã ngỏ ý sẵn sàng bán lại đội bóng để có thể giảm bớt gánh nặng kinh phí trong thời kỳ khủng hoảng, khi mà những bản hợp đồng bom tấn bỗng xì ra như bong bóng xà phòng thì một sự thật trần trụi đã hiện hình: Chúng ta vẫn đang xây nhà từ nóc, chỉ có điều cái nóc ấy khác đôi chút so với cái nóc trong câu nói của ông Riedl ngày xưa.

Và một tư duy “ăn xổi”

Nếu như gần 15 năm trước, “cái nóc” trong cách nói của Reidl ám chỉ đến việc cả một nền bóng đá chỉ dồn sự quan tâm của mình cho ĐTQG để mong có thành tích thì bây giờ “cái nóc” cần phải hiểu theo nghĩa: ngay cả khi đã đầu tư, nâng cấp các CLB thì chúng ta cũng chỉ xây dựng được những giá trị ảo mà thôi.

Đấy là cái ảo của những khoản lương, thưởng không ngừng gia tăng trên thị trường chuyển nhượng. Đấy là cái ảo về thành tích của những đội bóng vô địch nhờ sức mạnh đồng tiền và những mối quan hệ chứ không hẳn nhờ sự phát triển căn cơ. Và đấy còn là cái ảo trong chính những cảm xúc bóng đá của truyền thông, người hâm mộ - những thứ cảm xúc tồn tại ký sinh trên cái lớp ngoài bóng nhoáng của một V.League bội thực tiền.

Hậu quả là bây giờ, khi tiền hết thì những sự thăng hoa giả tạo rồi cũng hết. V.League bỗng quay trở về thời kỳ nghèo khó như trước khi các ông bầu nhập cuộc. V.League vẫn chưa thể lấy mỡ nó rán nó, nghĩa là vẫn chưa thể tự sống bằng tiền quảng cáo, tiền bán vé, tiền bản quyền truyền hình. Và nguy hiểm nhất, V.League vẫn chưa thể sản sinh ra  những đội bóng có cấu trúc bền vững với các tuyến đào tạo cầu thủ trẻ thực sự lớp lang. 

“Cái nóc” trong chiến lược phát triển ĐTQG mà ông Reidl từng nói ngày trước và “cái nóc” trong công cuộc đầu tư, phát triển V.League gần chục năm qua có những sự khác nhau cơ bản về cấp độ và mức độ, nhưng chúng lại cùng gặp nhau ở một điểm: TƯ DUY ĂN XỔI. Nếu như sự “ăn xổi” của các doanh nhân – các ông chủ của phần lớn các CLB V.League hiện nay là điều có thể tưởng tượng được (bởi với các doanh nhân dù ngoài miệng có nói là “yêu bóng đá” bao nhiêu chăng nữa thì với họ, vấn đề “đầu tiên” bao giờ cũng là vấn đề lợi nhuận, trong đó có cả lợi nhuận về vật chất lẫn những lợi nhuận về thương hiệu) thì sự “ăn xổi” hoặc “im lặng trước sự ăn xổi” của những người quản lý, điều hành nền bóng đá là một điều cực kỳ đáng trách.

http://cand.com.vn/Uploaded_CANDONLINE/phuonglien/11_cau2550-450.jpg
Câu nói “BĐVN đang xây nhà từ nóc” của ông Reidl hơn 10 năm trước vẫn còn nguyên giá trị. Ảnh: Quang Minh.

Có thể tin chắc rằng với trình độ và nhãn quan đặc biệt của mình, những nhà điều hành bóng đá thừa tỉnh táo để nhận ra sự “ăn xổi” của các ông bầu, nhưng suốt những năm qua họ gần như không có một chính sách hữu hiệu nào để chống lại, thậm chí là tiết chế sự “ăn xổi” nguy hiểm đó.

Chẳng hạn như khi các ông bầu đua nhau vung tiền mua –bán cầu thủ, những nhà quản lý hoàn toàn có thể đặt ra một mức giá trần để ngăn chặn các ông bầu “phá giá”, hay khi các ông bầu mua – bán – sang – nhượng các CLB như mua – bán một mớ rau, người ta cũng hoàn toàn có thể đề ra những chính sách thông minh ngăn chặn những sự mua – bán dị thường này. Vậy thì tại sao họ không làm như thế? Chẳng nhẽ lại bảo, làm như thế sao được khi mà cho tới trước khi một nhóm các ông bầu vùng dậy để thành lập VPF thì giữa những nhà điều hành, quản lý nền bóng đá với các ông bầu đã tồn tại một mối quan hệ khăng khít, và chưa biết chừng từ mối quan hệ khăng khít đó chính họ đã “ăn xổi” cũng nên.

Bỗng viển vông suy nghĩ nếu lúc này ông Reidl còn ở Việt Nam có lẽ ông vẫn sẽ nói câu “BĐVN đang xây nhà từ nóc”, và ông còn phải nói thêm: “Nhưng ngay cả cái nóc cũng đâu có đẹp đẽ gì”?! 

Bóng đá TP HCM sẽ trở thành… vùng trắng?

Đầu mùa giải năm nay, hai đội bóng TP HCM tham gia sân chơi V.League là Sài Gòn Xuân Thành và Navibank Sài Gòn đã từng được nhìn nhận là một trong những ƯCV nặng ký cho chức vô địch V.League, và quả thực nửa đầu giai đoạn lượt đi, SG.XT với một đội hình 6 “Tây” (3 Tây xịn, 3 Tây nhập tịch) đã có lúc một mình một ngựa dẫn đầu cuộc chơi. Nhưng tới thời điểm này, trong khi SG.XT càng đá càng rơi khỏi tốp đầu thì Navibank Sài Gòn thậm chí còn nằm trong nhóm có…nguy cơ xuống hạng.

Tuy nhiên cuộc khủng hoảng chuyên môn không đáng lo bằng cuộc khủng hoảng kinh tế, khi mà thời gian này giới bóng đá râm ran thông tin rằng lãnh đạo N.SG sẽ sớm rút khỏi bóng đá sau mùa giải còn SG.XT có thể sẽ chuyển địa bàn hoạt động để giảm…chi phí đầu tư.

Hiện tại các ông bầu của cả hai đội này đều giữ một sự im lặng tuyệt đối với báo giới, nhưng chính những nhà làm chuyên môn của bóng đá TP HCM cũng tin rằng những tin đồn trên hoàn toàn có thể xảy ra. Nếu đúng vậy thì cuộc khủng hoàng kinh tế sẽ khiến bóng đá TP HCM trở thành một vùng trắng đúng nghĩa trên bản đồ bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Ngoại trừ hai đội bóng đang tham gia V.League, TP HCM còn có CLB TPHCM (đội bóng có tiền thân là Cảng Sài Gòn lẫy lừng một thủa) đang chơi ở giải hạng Nhất, nhưng hiện nay đội bóng này nghèo tới mức cầu thủ vẫn đang bị nợ, lương thưởng triền miên. Trước đó, chủ đầu tư đội bóng này thậm chí còn phải bán đi liên tiếp 2 chiếc xế hộp để có tiền cho cầu thủ sống qua ngày.

Ngọc Anh

Bóng đá Hải Phòng lại được “cứu” nhờ việc mua - bán - sang - nhượng?

Với việc đang đứng bét bảng V.League, và không cho thấy bất cứ dấu hiệu tiến bộ nào sau giai đoạn nghỉ Euro, việc Vicem Hải Phòng xuống hạng sau mùa giải được xem như một điều tất yếu. Nhưng lại có thông tin hậu trường cho hay ngay cả khi xuống hạng, Hải Phòng vẫn sẽ góp mặt ở V.League mùa sau nhờ mua suất chơi chuyên nghiệp của các đội bóng khác.

Cách đây không lâu, khi ông bầu Đỗ Quang Hiển bất ngờ xuất hiện trong một trận đấu của Hải Phòng trên sân Lạch Tray, nhiều thông tin phát đi từ Hải Phòng cho hay đội bóng này sẽ mua suất chơi chuyên nghiệp của CLB Hà Nội thuộc quyền quản lý của bầu Hiển – đội bóng hiện nay đang dẫn đầu giải hạng Nhất, và cấp chắc vé lên hạng. Tuy nhiên mới đây lại có thông tin rằng với việc nhiều ông bầu V.League muốn rút sau mùa này thì Hải Phòng không việc gì phải mua suất của một đội bóng… sắp lên hạng, mà có thể đàng hoàng mua suất của một số đội bóng V.League hiện thời.

Trong cuộc trao đổi với chúng tôi ngày hôm qua, một chuyên gia bóng đá rất hiểu bóng đá Hải Phòng nói với chúng tôi: “Trước cuộc khủng hoảng kinh tế, người Hải Phòng lo khi đi mua sẽ không có ai bán, nhưng bây giờ thì ngược lại những người đi bán lại đang lo về việc có quá nhiều người bán mà lại quá ít người muốn mua?”.

BĐVN thời khủng hoàng kinh tế chuyện mua – bán các đội bóng chẳng nhẽ lại diễn ra dễ dàng, trắng trợn như mua – bán một món đồ giữa chợ trời thế sao?

Diệp Xưa

Phan Đăng
.
.
.