Bầu Đức, bầu Thắng từ V.League đến SV.League

Thứ Năm, 09/01/2020, 06:22
Bầu Đức, bầu Thắng cùng nhiều ông bầu khác đã cùng tham gia bảo trợ cho giải bóng đá cho sinh viên với tên gọi SV.League. Điều khiến cho nhiều người nhớ lại sân chơi V.League một thời cũng sôi động nhờ các ông bầu.


Năm 2011, bầu Kiên từng tạo ra “cú đấm thép” nhắm thẳng vào VFF tại Hội nghị tổng kết mùa giải V.League khi nêu ra những vấn đề bất cập của giải đấu này. Đó cũng là thời điểm mà bóng đá Việt Nam ở thời kỳ cực thịnh của các ông bầu.

Các doanh nghiệp bắt tay vào làm bóng đá khiến cho sân chơi V.League hấp dẫn hơn nhưng cũng rối ren hơn. Thậm chí, bầu Kiên còn tuyên bố trước hội nghị tổng kết, đã có đến 7 ông bầu khác đòi rời bỏ cuộc chơi để tổ chức một giải bóng đá cho riêng mình,  “sạch” hơn V.League.

Các ông bầu chung tay ở giải sinh viên. Ảnh: SVLeague

Sau ngọn cờ của bầu Kiên, đã có một cuộc hội thảo bàn tròn được tổ chức với sự góp mặt của các ông bầu đình đám nhất của bóng đá Việt Nam lúc bấy giờ. Đó cũng là hình ảnh cho thấy khi các ông bầu quyết tâm làm bóng đá, họ không chỉ dành tiền bạc mà cả tâm sức và thời gian để cống hiến.

Kết quả của màn công kích trực diện ấy là sự ra đời của Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF). Đây cũng là tâm huyết của các ông bầu với tham vọng mang đến cho V.League một diện mạo mới. Cái đích cao nhất chính là việc giúp các câu lạc bộ kiếm tiền từ bóng đá. Chủ tịch HĐQT VPF lúc đó chính là bầu Thắng của Đồng Tâm Long An.

Bên cạnh những rối ren nhất định thì cũng cần phải thừa nhận rằng, sự lên ngôi của các ông bầu thời điểm đó khiến cho đời sống bóng đá trở nên sôi động. Đặc biệt,  những cuộc cạnh tranh giữa các đội bóng cũng sòng phẳng hơn khi mỗi đội bóng đều đại diện cho thế lực của một ông bầu. Sự ra đời của VPF cũng khiến cho V.League có đường hướng phát triển một cách chuyên nghiệp hơn.

Thế nhưng, sau khi bầu Kiên dính vào vòng lao lý, VPF đã không thể đi theo đúng lộ trình đã vạch ra từ đầu. Bầu Thắng, bầu Đức cũng dần rút lui khỏi những vị trí quản lý bóng đá ở cả VFF và VPF. Trong khi những ông bầu khác cũng lần lượt rút khỏi bóng đá theo những cách khác nhau.

Bây giờ bầu Đức chỉ duy trì HAGL để đá V.League “cho vui” chứ không còn tham vọng vô địch. Còn bầu Thắng cũng rút dần khỏi bóng đá khi Long An xuống hạng và chìm sâu vào khủng hoảng. Cuộc chiến “Gạch –Gỗ” năm nào cũng chỉ còn trong quá khứ một thời V.League ở giai đoạn sôi động nhất.

Nhìn lại giải đấu số 1 quốc gia hiện tại chỉ còn bầu Hiển là ông bầu có thế lực nhất. Sau 10 năm Hà Nội lên chơi V.League, bầu Hiển đã có đến 5 chức vô địch với riêng đội bóng này. Đó là còn chưa kể đến 2 chức vô địch của Đà Nẵng và 1 chức vô địch của Quảng Nam. Những đội bóng được cho là liên quan đến bầu Hiển.

Có những ý kiến nhận định rằng, V.Legue hiện tại chỉ còn là câu chuyện của bầu Hiển và phần còn lại. Bởi thời đại của các ông bầu làm bóng đá một cách căn cơ, bài bản đã không còn nhiều. Thế nên, đây được xem là một giai đoạn mà bóng đá không còn bị thao túng của nhiều ông bầu như trước nữa mà chỉ tập trung vào số lượng ít và rải đều ra các đội bóng khác nhau.

V.League cần thêm những người có tâm, có tầm như bầu Đức, bầu Thắng để cuộc chơi chuyên nghiệp không quá nhàm chán. Điều này có thể mang đến nhiều hệ lụy, quan trọng nhất là sự phát triển của cả nền bóng đá.

Mới đây, bầu Đức, bầu Thắng và 6 ông bầu khác đang khiến tất cả phải chú ý khi tham gia bảo trợ cho giải bóng đá sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM mở rộng SV.League. Theo đó, các doanh nhân sẽ cùng bốc thăm để chọn ra các trường Đại học do mình làm... “ông bầu”.

Các đội bóng sinh viên tham dự giải đấu sẽ hoạt động theo mô hình chuyên nghiệp, có cơ sở vật chất riêng phục vụ cho việc tập luyện và được huấn luyện viên chuyên nghiệp dẫn dắt.

Như bầu Thắng chia sẻ thì: “Với những người làm bóng đá nhiều năm như chúng tôi, tất cả khởi nguồn từ việc được cống hiến. Chúng tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để phát triển phong trào bóng đá sinh viên, lan tỏa tinh thần rèn luyện, nâng cao ý thức tập luyện thể dục thể thao trong giới trẻ”.

Nhìn diện mạo mới của SV.League nhiều người tiếc cho V.League. Nếu như sân chơi chuyên nghiệp của chúng ta có sự xuất hiện của đồng  loạt 8 ông bầu đang đầu tư cho bóng đá sinh viên, có thể V.League sẽ rất đáng chờ đợi. Hy vọng, đây cũng là một ý tưởng mới có thể mở ra những cơ hội cho bóng đá Việt Nam từ môi trường học đường.

Cầu thủ Việt và công nghệ VAR ở giải U23 Châu Á 2020

Công nghệ VAR sẽ được sử dụng ở tất cả 32 trận đấu của vòng chung kết U23 Châu Á 2020. Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn, Trưởng Ban điều hành giải cho biết: “Việc áp dụng VAR tuân thủ theo các hướng dẫn và quy định của FIFA nên các nguyên tắc cơ bản của hệ thống VAR đều được AFC phổ biến tới các đội tuyển trước khi tham gia vào các giải đấu có áp dụng VAR. Ví dụ như tại VCK U23 châu Á 2020 thì ngay trong sáng nay AFC đã cử đại diện tới các đội tuyển tham dự để phố biến cho BLH và các cầu thủ nắm rõ các nội dung liên quan đến VAR, đặc biệt là các trường hợp trong phạm vi áp dụng VAR.

Về phía VFF, Ban trọng tài cũng đã duy trì công tác phổ biến, cập nhật các nội dung mới về luật thi đấu cho các đội tuyển, qua đó giúp cho BHL và các cầu thủ nắm vững và vận dụng linh hoạt trong quá trình thi đấu, tránh mắc phải những lỗi không đáng có. Khi công nghệ VAR được áp dụng, các cầu thủ cũng cần phải có nhận thức rõ hơn về trách nhiệm phải tuân thủ luật, tôn trọng đối phương và tôn trọng các quyết định của trọng tài. Đó cũng tinh thần chuyên nghiệp trong thi đấu mà VFF đang cố gắng bồi dưỡng cho các thế hệ cầu thủ của Việt Nam”. (H.H)

Hưng Hà
.
.
.