Ban kỷ luật VFF có chùn tay?

Thứ Năm, 08/04/2010, 11:23
Mùi khét của những đôi chân bạc triệu, bạc tỷ chạm nhau chan chát, mặc trái bóng có nằm trong tầm với hay không; mùi khét của những chiếc thẻ được trọng tài rút ra nhiều đến mức phát nóng vì ma sát.
>> V.League vòng 7: Bạo lực lan tràn

Vòng đấu thứ 7 V.League có tới 37 thẻ vàng được rút ra, trung bình 5,28 thẻ/trận. Số thẻ đỏ là 4, trung bình 0,57 thẻ/trận. Đây là con số cao nhất sau 7 vòng đấu và cao hơn cả con số trung bình của cả mùa giải 2009.

Ở sân Vinh chiều 2/4, đội bóng sông Hàn ngã ngựa tới 0-5 trước chủ nhà SLNA. Người hâm mộ sốc vì ĐKVĐ SHB Đà Nẵng thua đậm nhưng cũng sốc vì thứ bóng đá có mùi két lẹt của bạo lực ấy. Ông trọng tài chính cấp FIFA Võ Minh Trí đã phải tung 10 đòn "nhất dương chỉ" (rút thẻ) để khắc chế những cái đầu nóng thích kungfu hơn đá bóng của cầu thủ hai đội. Và nếu mạnh tay hơn, ít nhất sẽ có người phải sớm "hạ đài".

"Không ai xúi họ đá thô bạo, sự quyết liệt của các cầu thủ đến từ ý thức áp lực sẽ đè nặng nếu tiếp tục không giành chiến thắng". Cách giải thích này của "Gia Cát Lượng" Nguyễn Hồng Thanh về lối đá rắn của SLNA xem ra chưa thoả đáng, bởi chiến thắng như thế sẽ đồng nghĩa với cổ suý cho bóng đá "chặt chém".

Cũng ở vòng 7, muộn hơn hai ngày, trận đấu giữa chủ nhà XM Hải Phòng với Hà Nội T&T còn khiến người xem lạnh gáy, tổ trọng tài điều khiển cũng… lạnh gáy.

7 thẻ vàng và 2 thẻ đỏ (một trực tiếp, một vì hai thẻ vàng) đã được trọng tài chính Nguyễn Trọng Thư rút ra. Và nếu không vì nhiều sự tác động khác nhau được ông Thư lường trước, thì có lẽ số thẻ này còn tăng nữa, người rời sân không phải chỉ là Trọng Nghĩa, Sỹ Cường.

Ít nhất có tới hai tình huống đội trưởng của XM Hải Phòng Leandro đánh muội cầu thủ Hà Nội T&T nhưng vẫn được trọng tài Nguyễn Trọng Thư bỏ qua. Cái sự "buộc phải bỏ qua" của ông Thư đến từ lý do cầu thủ của XM Hải Phòng đã nhận thẻ vàng trước đó vì lỗi phản ứng. Song nhiều người hiểu rằng, trong bối cảnh "chảo lửa" Lạch Tray đang ngồn ngộn nộ khí, ông Thư không dại gì làm khó mình nếu quyết đuổi số 18 của XM Hải Phòng ra sân.

Pha vào bóng nguy hiểm của Trọng Hoàng, SLNA trước thủ môn Văn Hạng của SHB Đà Nẵng.

Bắt "nương tay" như vậy nhưng sau khi cắt còi kết thúc trận đấu, ông Thư và các cộng sự vẫn chưa thể yên tâm rời sân bởi hàng nghìn CĐV Hải Phòng còn nán lại với những lời lẽ không đẹp, thậm chí cả những lời đe dọa hướng về phía ông.

"Tôi được nhiều trọng tài phản ánh mỗi lần đến sân Lạch Tray, việc họ nghĩ tới là điều hành sao cho an toàn để ra về. Trọng tài có thể sẽ làm mạnh tay hơn nữa trong trận đấu giữa XM Hải Phòng và Hà Nội T&T cuối tuần qua nhưng cũng rất có thể sẽ đẩy trận đấu vào thế vỡ" - Chủ tịch Hội đồng trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi khẳng định.

Rõ ràng vấn nạn bạo lực sân cỏ đang gia tăng ở V.League với rất nhiều lý do khác nhau như: Hệ lụy của áp lực từ tiền thưởng, thành tích, sự thiếu giáo dục ở nội tại các CLB hay nhận thức của mỗi cầu thủ… Nhưng có một lý do quan trọng hơn cả là nhận thức của BTC giải.

Những công cụ răn đe từ Ban kỷ luật VFF xem ra chưa đủ mạnh để giảm nhiệt các sân "nóng" trong khi cầu thủ mỗi ngày một "nhờn thẻ" với trọng tài. Ở đây chưa vội nói đến các án phạt của Ban kỷ luật mà là việc làm thế nào để tăng tính quyết liệt nhưng an toàn cho trọng tài. Đây cũng là cách gần nhất, nhanh nhất giúp sân chơi V.League bớt đi mùi khét lẹt

Nhật Nam
.
.
.