Bài học từ người Thái

Thứ Ba, 30/09/2014, 09:00
Những ai chứng kiến ĐT U.23 Thái Lan đá chung kết SEA Games 27 với Indonesia - trận đấu mà Thái giành chiến thắng với tỷ số 1-0 hẳn đều nhận thấy lối chơi rất hiện đại của đội bóng này. Đó là một lối chơi được xây dựng bằng những pha phối hợp ban bật trong đoạn ngắn, dựa trên một nền tảng thể lực sung mãn - lối chơi có phần giống với ĐTQG Thái thời đỉnh cao vào những năm 90 của thế kỷ XX. Có một điều trùng hợp giữa bóng đá Thái ở hai thời kỳ này đó là cái tên Kiatisak đều là cái tên chủ đạo.

Nếu ở những năm 90 của thế kỷ trước, Kiatisak với nụ cười tươi tắn trên môi đóng vai trò là tiền đạo mũi nhọn, là người khiến tất thảy các hàng phòng ngự Đông Nam Á đều sợ hãi thì bây giờ vẫn với nụ cười ấy, Kiatisak lại tạo dấu ấn mạnh mẽ trên cabin huấn luyện. Asiad năm 1998 trên sân Rajamangala tại thủ đô Bangkok, thế hệ của những Kiatisak, Dusit, Tawan đã tạo kỳ tích sau một trận tứ kết thắng Hàn Quốc, dù phải đá ít hơn Hàn Quốc 2 người, còn bây giờ thì Kiatisak lại dẫn dắt các cầu thủ trẻ Thái lần lượt vượt qua "ngọn núi" Trung Quốc, Jordan với cùng tỷ số 2-0 để lọt vào bán kết Asiad 17 trên đất Hàn Quốc.

Xem cái cách các học trò của Kiatisak tự tin cầm bóng, tổ chức tấn công trước những ông kẹ Đông Á (Trung Quốc) và Tây Á (Jordan) có cảm giác rằng đây là một đội bóng đã dạn dày trận mạc, chứ không phải là ĐT Olympic. Vậy thì điều gì đã giúp các cầu thủ Thái tạo cho người xem cảm giác này? Câu trả lời của Kiatisak: "Trong thành phần ĐT U.23 của chúng tôi có khá nhiều cầu thủ đang đá ở Thái League, trong màu áo các CLB Muangthong, Chonburi, BEC Tero. Mà đây là những đội bóng đều đã tiến rất sâu ở AFC Champions League, do vậy các cầu thủ không còn bỡ ngỡ khi phải đối đầu với những đội bóng hàng đầu châu lục nữa".

Nghe cái cách Kiatisak giải thích và nhìn vào những thành công mĩ mãn mà ông thầy này bước đầu tạo dựng với ĐT Olympic Thái Lan, không thể không liên tưởng đến thực tế bóng đá Việt Nam và trăn trở với hai vấn đề.

HLV Kiatisak đang tạo dấu ấn lớn lên ĐT Olympic Thái Lan. Ảnh: H.M.

Thứ nhất, ở góc độ cá nhân, những cầu thủ Việt Nam cùng thời với Kiatisak hiện đang ở đâu, và đã thực sự giúp ích gì cho sự phát triển của các ĐTQG Việt Nam? Công bằng mà nói thì thời cựu thầy Calisto còn tại vị, những người như Huỳnh Đức, Văn Sỹ cũng từng lên ĐT làm trợ lý, nhưng dường như mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở mức trợ lý và chấm hết. Cựu TTK VFF Ngô Lê Bằng từng có lần chua xót chia sẻ với chúng tôi: "Trong những lúc ĐTQG và ĐT U.23 QG khủng hoảng HLV trầm trọng, chúng tôi cậy nhờ đến họ thì họ đều không mặn mà". Đã có những ý kiến cho rằng cách làm việc của VFF khiến những ông thầy trẻ tuổi không muốn công hiến, nhưng nếu vậy thì hãy nhìn sang LĐBĐ Thái - một LĐ cũng tồn tại không ít những vấn đề (tới mức mà FIFA đã phải nhiều lần đe doạ can thiệp), vậy mà Kitatisak vẫn biết đứng lên trên hoàn cảnh để cống hiến đấy thôi.

Và thứ hai, đã có thời chúng ta cứ nghĩ V.League đứng trên Thái League, thậm chí là giải đấu số 1 Đông Nam Á - cái thời mà chính những cầu thủ Thái đã ồ ạt sang V.League đầu quân, và những cơ quan truyền thông thể thao của Thái cũng đã cử phóng viên sang V.League "nằm vùng". Nhưng bây giờ nhìn lại thì rõ ràng không phải vậy. Bây giờ, trong khi cầu thủ Thái có thể cứng cáp khoác áo ĐTQG và ĐT trẻ QG vì đã từng khoác áo các CLB Thái chinh chiến tại các giải đấu hàng đầu châu lục cấp CLB thì phần lớn các cầu thủ Việt Nam lại không có được cơ hội đó.

Rõ ràng, sự vùng dậy mạnh mẽ của người Thái sau một thời kỳ im ắng khiến chúng ta phải vắt tay lên trán mà suy nghĩ rất nhiều về cách làm bóng đá của mình!

Diệp Xưa
.
.
.