5h ngày 15/6, Anh - Italia: Mục tiêu số 1 là... "không thua"

Thứ Bảy, 14/06/2014, 14:17
Tại tứ kết Euro 2 năm về trước, trên chấm luân lưu 11m, ĐT Anh đã gục ngã trước Italia. Bây giờ, trước trận ra quân tái ngộ Italia, thầy trò Roy Hodgson đã liên tiếp tập đá phạt đền. Vì sao?

Dĩ nhiên trận đấu giữa Anh - Italia ở vòng bảng World Cup vào rạng sáng mai không cần giải quyết thắng thua bằng đá phạt đền. Vậy nên cái cách ông Hodgson bắt các cầu thủ tập đá phạt đền có thể nhắm đến mục tiêu tâm lý hơn là mục tiêu chuyên môn. Ai cũng thấy người Anh đã run rẩy như thế nào trên chấm phạt đền 2 năm trước, và họ cũng đã run rẩy như thế nào trong các trận đánh lớn tại đấu trường World Cup. Bắt các học trò phải đối diện với những quả đá phạt 11m (mà trớ trêu là cầu thủ Anh đá hỏng rất nhiều) cũng chính là cách Hodgson giúp họ làm quen với những áp lực trong trận ra quân đầy khó khăn?

Mà với ĐT Anh bây giờ,  áp lực không chỉ đến từ đối thủ Italia, nó còn đến từ những chuyện rất ngoài bóng đá, như: khách sạn của họ  không sạch sẽ, tiện nghi như mong đợi, phòng thay đồ của họ tại SVĐ Arena da Amazonia - nơi diễn ra trận đấu cũng đang ngổn ngang bẩn thỉu đến khó tin. Một tập hợp những cầu thủ thuộc về một thế giới bóng đá xa hoa, sang trọng lại đang phải đối diện với một hiện thực cằn cỗi như vậy đấy! Nhưng biết đâu đấy, chính từ cái hiện thực cằn cỗi này - cái hiện thực khác rất nhiều so với những hiện thực  bóng bẩy mà họ đối diện trong các giải bóng đá lớn trước đây mà người Anh sẽ tạo ra đột biến?

Sẽ không bất ngờ nếu rạng sáng mai, Rooney không đá cắm mà lùi xuống đá dạt biên, bởi đấy vừa là cách giúp tiền đạo của M.U tránh khỏi sự theo đuổi sát sao của trung vệ đối phương, lại vừa giúp Sturridge có cơ hội phát sáng nơi tuyến đầu. Cũng sẽ không bất ngờ nếu Anh đá chậm chắc, thậm chí nghiêng về phòng thủ theo kiểu "cố không thua" trước khi chờ cơ hội ăn bàn đối thủ.

Rạng sáng mai, cả nước Anh dồn hy vọng vào Rooney.

Để thực hiện mục tiêu này, người Anh cần phải đặc biệt chú ý đến một cái tên: Pirlo! Mặc dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ, nhưng rõ ràng Pirlo vẫn là trái tim của người Italia. Anh chàng có thể thực hiện những cú đi bóng hoặc những đường chuyền xé nát hàng phòng ngự đối phương, từ đó giúp tiền đạo Balotelli dễ dàng lập công. Bên cạnh những nhân tố cá nhân như Pirlo, Balotelli, người Anh cũng phải hết sức cẩn trọng với những biến ảo chiến thuật của HLV trưởng Prandelli. Đã có những thống kê cho hay, dưới trào Prandelli, Italia thay đổi chiến thuật trong các trận đấu, thậm chí trong từng một trận đấu nhiều hơn bất cứ giai đoạn nào trước đây. Do vậy, "bắt bài" Italia không dễ, và tìm ra cách phá lưới Italia càng không dễ.

Trước trận đấu, hàng loạt cầu thủ Italia đã lên tiếng coi thường ĐT Anh. Nói như "gã điên" Balotelli thì: "Trong khi chúng tôi có rất nhiều cầu thủ đã từng vô địch World Cup thì các cầu thủ Anh thậm chí không hiểu cảm giác đá tứ kết một kỳ World Cup là như thế nào". Còn nói như thủ thành Buffon thì: "Chúng tôi mạnh hơn bất cứ đội bóng nào ở bảng đấu này. Chắc chắn chúng tôi sẽ thắng Anh để sớm giành vé vào vòng trong".  Nếu căn cứ vào những phát biểu mạnh miệng này, dễ có cảm giác Italia sẽ tấn công, sẽ đánh phủ đầu và sẽ nhanh chóng buộc người Anh bị cuốn theo lối đá của mình.

Nhưng thực ra trong một cuộc ra quân ở một bảng đấu được mệnh danh là bảng tử thần, mọi sự mạo hiểm đều sẽ khiến các đội bóng phải trả giá cao. Thế nên có lẽ cũng giống như Anh, mục tiêu không thua mới là mục tiêu người Italia đặt lên hàng đầu.

Vì những lý do như vậy, thật khó kỳ vọng đây sẽ là một trận cầu mở. Thành thử, một tỷ số hòa, thậm chí là hòa tiêu cực, hòa không bàn thắng rất dễ xảy ra.

Có khi thua lại tốt?

"Ông trọng tài thật kỳ quặc. Ông ta đối xử với Brazil một kiểu và đối xử với cầu thủ của tôi theo một kiểu hoàn toàn khác" - đấy là những gì mà HLV Kovac của Croatia phát biểu sau trận khai mạc World Cup rạng sáng qua. Mọi thứ bắt nguồn từ tình huống trọng tài thổi 11m Croatia ở đầu hiệp 2 (tình huống mà  học trò của Kovac chỉ chạm nhẹ vào người Fred), giúp Neymar nâng tỷ số 2-1 cho chủ nhà. Thực tế thì ông trọng tài người Nhật Bản không sai luật khi thổi còi, nhưng "ngôn ngữ ngoài luật" mà phần lớn các trọng tài vẫn hay áp dụng cho chúng ta một cảm giác: Nếu đây không phải là tình huống có lợi cho Brazil, có thể sẽ chẳng có quả phạt đền nào cả.

Bóng đá là thế, có những khi luật lệ được áp dụng một cách khô cứng, lại có khi được áp dụng một cách mềm mại - mà khô cứng hay mềm mại thì trọng tài đều có lý của trọng tài.

Nhưng tại sao phải cận cảnh cái sự khô cứng, mềm mại này nhiều đến thế? À, tại vì cùng cú vung chân hụt nhưng lạ bất ngờ đưa quả bóng vào mép lưới của Neymar ở giữa hiệp 1, giúp Brazil cân bằng tỷ số 1-1 thì nó chính là 2 điểm nhấn, hai bước ngoặt của trận đấu.

Cái bước ngoặt đẩy Croatia từ chỗ dẫn bàn trước đến chỗ thua ngược. Cái bước ngoặt khiến Brazil từ chỗ đang bị dồn ép về tâm lý bỗng được giải tỏa rất nhiều áp lực. Có nhìn hình ảnh cơ trưởng Scolari ăn mừng 2 bàn thắng sau 2 tình huống này cứ như thể đội nhà vừa đoạt cúp mới hiểu rằng cái áp lực kia đã ám ảnh họ, tra tấn họ đến đấu.

Và nếu cứ vin vào lý do áp lực thì kể cũng có thể thông cảm cho kiểu chiến thắng không đẹp, không nhuyễn (thắng bằng những tình huống) của chủ nhà. Nhưng cũng phải thấy rằng Croatia thực chất cũng chỉ là một đối thủ tầm tầm. Mấy bữa tới đây, gặp những đối thủ mạnh mẽ hơn, áp lực với mình là khủng khiếp hơn, liệu Brazil chỉ có thể trông chờ vào những khoảnh khắc tỏa sáng cá nhân như thế này nữa không?

Rạng sáng qua, xem cái cách Brazil lội ngược dòng để thắng 3-1 và giành 3 điểm, hẳn nhiều người sẽ lấn cấn bởi cái suy nghĩ: Có khi họ cứ thua, cứ đẩy mình vào cửa "tử" để vỡ ra tất cả biết đâu lại tốt hơn?

Phan Đăng

Hiếu Hà
.
.
.