Trò chơi 'khẩu chiến'

Chủ Nhật, 15/03/2015, 00:56
Trận lượt về vòng 1/8 Champions League năm nay giữa Chelsea và PSG đã xong xuôi, người thắng kẻ thua đã rõ ràng, nhưng khẩu chiến sau trận đấu vẫn không ngừng xuất hiện, và có cả những người vốn chẳng liên quan gì đến trận đấu cũng sẵn sàng lao vào khẩu chiến để thực hiện mục đích riêng. Bóng đá thời hiện đại là thế: quả bóng không chỉ lăn trên sân, mà còn lăn từ miệng con người.
>> Chúng tôi học 'chơi bẩn' từ Champions League

Ai cũng biết khi tham gia một chương trình bình luận trên truyền hình các cựu danh thủ Anh như Carragher và Souness đã không ngừng phê phán hành vi bao vây, gây áp lực lên trọng tài của các cầu thủ Chelsea sau tình huống Oscar va chạm với Ibrahimovic, khiến cầu thủ của PSG nhận thẻ đỏ rời sân. Cả hai đều cho rằng thời mình thi đấu, các đội bóng Anh không thể hiện những hành vi xấu xí, đáng khinh như thế.

Sau 24 giờ im lặng đội trưởng Chelsea John Terry đã lên tiếng: "Nếu gọi những hành vi của chúng tôi là chơi bẩn thì nhiều đội bóng khác cũng chơi bẩn y như thế".

HLV Pellegrini của Man City đã không còn là "nhà hiền triết" như người ta tưởng?.

Những tưởng tiếng nói chính thức từ Terry sẽ khiến câu chuyện dừng lại, nhưng không, "chuyên gia võ mồm" Jose Mourinho còn đáp trả kịch liệt hơn: "Thức ăn mà chúng ta đang ăn khiến chúng ta trở nên mau quên thì phải. Carragher mới chỉ nghỉ thi đấu 2 năm mà dường như đã quên sạch những gì mình từng thể hiện trên sân cỏ. Souness đã nghỉ thi đấu lâu hơn, nên có lẽ ông ta càng có lý do để quên".

Sau đó Mourinho cứ thế luận về cái gọi là "sự đố kỵ" của đàn ông nói chung và những người đàn ông đã hoặc đang tham gia vào cuộc chơi bóng đá nói riêng trước khi khẳng định: "Đố kỵ là thói xấu xa nhất của một người đàn ông, và với những người xấu xa như thế, hành động duy nhất bạn nên làm khi đối diện là hãy cười vào mặt họ". Chắc chắn cuộc khẩu chiến giữa Mourinho với những người đã "trót" phê phán thái độ ứng xử của Chelsea như Carragher hay Souness không dừng lại ở đây.

Nhưng điều đáng nói là không chỉ những người đã "treo nghề" như Carragher hay Souness, mà ngay cả một người đang hành nghề là HLV Pellegrini của CLB Manchester City cũng chộp cơ hội tham gia vào cuộc khẩu chiến này.

Hôm qua, Pellegrini trả lời phỏng vấn truyền thông Anh: "Có rất nhiều cầu thủ, HLV vẫn hay quây lấy trọng tài sau một tình huống nhạy cảm để tạo áp lực lên trọng tài, và ai đó bảo đấy là tâm lý chiến. Nhưng với Man City sẽ không bao giờ bạn thấy một kiểu "tâm lý chiến" như thế cả. Và cũng chẳng bao giờ bạn thấy chúng tôi tìm cách chỉ trích, hay đổ lỗi cho người khác khi thua cuộc".

Khi đứng trước câu hỏi: "Có phải ông đang ám chỉ đến những hành động của các cầu thủ Chelsea trong trận đấu với PSG hay không?", nhà cầm quân người Chile trả lời tỉnh queo: "Ồ không! Tôi đang nói về văn hoá ứng xử nói chung, chứ không nói cụ thể đến một đội bóng, một trường hợp nào".

Pellegrini nói thế, chứ thực bụng ông đang nhắm đến ai, và đang muốn "đá xoáy" ai là điều rõ như ban ngày. Cần nhắc lại rằng ở mùa giải năm ngoái, trong một trận đấu quan trọng giữa Man City và Chelsea, khi cầu thủ Chelsea ghi bàn đem lại chiến thắng quyết định ở phút bù giờ thì Mourinho đã chạy qua mặt Pellegrini, hướng về cabin huấn luyện của Man City để... ăn mừng, và ống kính truyền hình đã "bắt" được cái cảnh cau có, khó chịu trông thấy của Pellegrini. Và nữa: trong cuộc chạy đua tới ngôi vô địch giải Ngoại hạng Anh mùa này, Man City cũng đang thua Chelsea 5 điểm (lại đá nhiều hơn một trận), nên giờ là lúc Pellegrini muốn thầy trò Mourinho sa đà vào những cuộc chiến ngoài chuyên môn, để đánh mất sự tập trung hơn bao giờ hết.

Khi mới đến Anh làm việc, Pellegrini được đánh giá là người có một vẻ bề ngoài và một tính cách điềm đạm, nền nã chẳng khác gì một nhà truyền giáo. Nhưng đến thời điểm này thì có vẻ như "nhà truyền giáo" cũng đã bắt đầu nhận ra những lợi thế nhất định của trò chơi "khẩu chiến", nên không ngại chộp cơ hội tham gia trò chơi này.

Trong tâm điểm của trò chơi, có vẻ như thầy trò Chelsea đang nhận phải những bắn tỉa từ nhiều phía, với nhiều chiến thuật trực tiếp, gián tiếp khác nhau. Chờ xem họ có thoát khỏi trò chơi này được không?

Diệp Xưa
.
.
.