Nhật Bản và những thiệt hại vô cùng lớn từ dịch COVID-19
Khởi đầu mới
Vào thứ Năm tuần trước, chính phủ Nhật Bản miễn cưỡng thông qua chiến dịch "Khởi đầu mới cho Tokyo 2020". Họ phải làm lại toàn bộ kế hoạch di chuyển, thi đấu, kết quả vòng loại, booking khách sạn và phòng vé cho một kỳ Thế vận hội lần đầu tổ chức vào năm lẻ. Đây là biến cố chưa từng có tiền lệ trong lịch sử các kỳ Olympic.
Ở đầu thế kỷ 20, Olympic đã phải hủy 3 lần vì hai cuộc chiến tranh thế giới. Dù vậy, các nhà tổ chức giải đấu chưa bao giờ bị đặt vào trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan như Nhật Bản hiện tại. Ban đầu những nhà tổ chức dự kiến thu nhỏ quy mô giải đấu, hoặc tổ chức mà không có khán giả. Nhưng cuối cùng họ phải đồng ý lùi Olympic lại 1 năm.
Bên cạnh việc phải nhận chỉ trích dữ dội từ các quốc gia thành viên, tình hình phức tạp của dịch COVID-19 trên toàn thế giới đã khiến Olympic phải diễn ra muộn hơn so với kế hoạch. Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) không đời nào hủy sự kiện này vì thiệt hại kinh tế to lớn nó gây ra, nhưng điều đó không có nghĩa lùi lại 1 năm là tốt.
Ông Toshiro Muto, Giám đốc điều hành đăng cai Olympic Tokyo cho biết phía Nhật Bản đã chuẩn bị tươm tất từ việc thuê sân vận động, nhà thi đấu đến toàn bộ đội ngũ nhân viên, tình nguyện viên cho chiến dịch. Việc phải lùi lại một năm cũng có nghĩa chi phí cho những phần việc nói trên bị đội lên gấp đôi, chưa kể khoản bồi thường do phá vỡ hợp đồng.
Cuối năm ngoái, Nhật Bản cho biết họ đã chi ra tổng cộng 12,35 tỷ USD cho Olympic Tokyo. Các nhà tài trợ và đơn vị phát sóng cũng ném vào hàng tỷ đô la với kỳ vọng sinh lời vào mùa thu năm nay. Giờ đây họ phải ngồi chờ số tiền đó chưa biết có sinh lời hay không trong năm tới. Không ít khách sạn, nhà nghỉ phải hủy đơn đặt trước từ khách hàng.
Việc Olympic bị hoãn 1 năm cũng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả tranh cử của ông Abe trong thời gian tới. Vài năm qua, ông và nội các đã nhắm đến con đường kích cầu nền kinh tế Nhật Bản qua những giải đấu thể thao mang tầm cỡ quốc tế. Năm ngoái họ đã thành công với World Cup bóng bầu dục, nhưng lại phải chịu thiệt hại nặng nề với Olympic năm nay theo cách chẳng ai có thể nghĩ tới.
Olympic Tokyo đang có nguy cơ trở thành khoản đầu tư lỗ kỷ lục vì phải lùi lại 1 năm. |
Tất cả vì Olympic
Kế hoạch của Nhật Bản với Olympic có thể buộc phải thay đổi, nhưng mục tiêu thì không. Nội các với ông Abe là người đứng đầu đã quyết định mọi hoạt động của quốc gia từ nay đến năm 2021 sẽ tập trung cho Olympic. Trong trường hợp cần thiết, kỳ bầu cử tháng 10 năm sau tại Nhật Bản cũng có thể phải dời lại. Từ việc tưởng chừng chắc thắng, Olympic giờ đây trở thành phiên chợ được ăn cả ngã về không của ông Abe.
Một vấn đề khác đặt ra cho Nhật Bản là Olympic không phải giải đấu duy nhất phải dời lịch vì dịch COVID-19. Tại châu Âu, EURO 2020 cũng được chuyển sang tổ chức vào năm tiếp theo. Còn tại chính Nhật Bản, giải bơi lội vô địch thế giới dự kiến tổ chức vào cuối tháng 7-2021 vẫn chưa biết sẽ diễn ra khi nào vì trùng với Olympic. Bên kia bờ Thái Bình Dương, Mỹ cũng loay hoay với kế hoạch lùi lịch giải VĐTG thể dục dụng cụ diễn ra đầu tháng 8-2021.
Trước động thái cứng rắn từ IOC, nhà tổ chức hai giải đấu nói trên đã đồng ý chuyển thời điểm tổ chức để không giẫm chân Olympic. Trong kịch bản xấu nhất, giải VĐTG thể dục dụng cụ 2021 có thể sẽ phải lùi sang tận năm 2022. Tình cảnh tương tự cũng xảy đến với World Cup bóng bầu dục nữ. Ban đầu sự kiện này được ấn định diễn ra trong tháng 9 và tháng 10-2021, nhưng nó có thể phải lùi lại chí ít vài tháng vì quá sát Olympic.
Nói cách khác, việc lùi tổ chức Olympic lại 1 năm sẽ kéo theo một cuộc hoãn hủy dây chuyền. Hàng loạt giải đấu, sự kiện thể thao lớn khác phải nhường chỗ cho Tokyo theo cách không hề mong muốn. Những đơn vị quảng cáo, hàng không và dịch vụ du lịch hẳn không thích chuyện này chút nào khi kế hoạch họ sắp xếp trước vài năm bỗng dưng đảo lộn trong nháy mắt.
Về lý thuyết, việc lùi Olympic sang năm 2021 sẽ có lợi cho các VĐV vì họ có thêm 1 năm chuẩn bị cả về thể chất lẫn tinh thần, nhưng thực tế hoàn toàn ngược lại. Không ít VĐV khẳng định họ đã tập luyện theo kế hoạch để đạt điểm rơi phong độ vào Olympic Tokyo, và không hề tính tới việc giải đấu phải kéo dài sang năm sau. Việc liên tục tập chay mà không được tham dự sự kiện chính thức nào cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mục tiêu giành huy chương của họ.
Một nhân vật thuộc Liên đoàn Bóng chuyền Mỹ cho biết IOC vừa đúng lại vừa sai khi cho phép các VĐV đã giành suất đến Olympic Tokyo 2020 được bảo lưu kết quả đến năm 2021. Thành tích của một kình ngư, một chân chạy có thể thay đổi một trời một vực trong vòng 1 năm. Một VĐV đạt chuẩn Olympic năm nay có thể sa sút thậm tệ trong năm sau và ngược lại. Cách làm của IOC có thể làm giảm chất lượng chuyên môn Olympic và bỏ sót những nhân tài.
Giáo sư Richard Sheehan của Trường Kinh doanh Mendoza (Đại học Notre Dame) còn mang đến một góc nhìn khác về tác động xấu từ việc Olympic phải dời sang năm 2021. Không ít VĐV lớn tuổi đã lên kế hoạch giải nghệ ở Olympic Tokyo, thế nên việc giải đấu lùi lại 1 năm có thể trở thành nỗi ác mộng. Giấc mơ tỏa sáng ở kỳ Olympic cuối cùng nhiều khả năng sẽ thành màn chia tay trong thất bại ê chề.