Manchester City: Sự điên rồ của “đại gia”

Thứ Năm, 13/11/2014, 09:39
Manchester City đã vươn mình trở thành một đại gia, nhưng cùng với những thành công trong vài năm qua, chính họ cũng đã biến mình thành một kẻ “điên rồ” trong thế giới bóng đá hiện đại.

1.Không ai phủ nhận Man City đang là một quyền lực tại Vương quốc Anh. Nhưng ngay ở sức mạnh của họ cũng đáng để bàn tới. Có rất nhiều nghiên cứu đưa ra những kết luận khác nhau về con số, nhưng mẫu số chung đều kết luận rằng, Man City đang được nuôi dưỡng bằng rất nhiều tiền. Số tiền ấy lớn đến mức, nó giống như một nguồn năng lượng sống, mà giả sử vào một ngày nào đó, quỹ tiền không còn được bơm dồi dào, Man City sẽ chẳng khác gì con bệnh bị rút ống thở.

Mối nguy hiểm của một CLB sống bằng tiền đầu tư của một tập đoàn kinh tế đã được khẳng định từ lâu, khi hàng loạt CLB lớn ở nước Anh bị phá sản, trong số đó có những đội bóng như Leeds Utd, Porstmouth… Thế nhưng, sự sống dựa vào khối tài sản bên ngoài nước Anh vẫn trở thành trào lưu, trong đó Man City đang là kẻ “sống dựa” điển hình. Nếu tính từ ngày nhận được đầu tư của tập đoàn tài chính Abu Dhabi vào năm 2008, Man City đã được “bơm” khoảng 1,3 tỷ bảng Anh để ném vào các khoản cải tạo sân vận động, xây các cơ sở hạ tầng, chuyển nhượng mua bán cầu thủ, trả lương cho hàng loạt ngôi sao… Số tiền khổng lồ ấy nếu chia ra thì mỗi năm Man City tiêu tốn cỡ trên 200 triệu bảng. Và những gì họ nhận lại chỉ là 2 danh hiệu vô địch giải Ngoại hạng Anh trong vòng 3 năm qua. Nghe qua thì đó là thành công rực rỡ, thậm chí có thể gọi họ là “nhà thống trị Premier League”, nhưng thực tế không hẳn vậy.

Man City vô địch nhưng chưa thực sự thống trị Premier League.

Man City cho đến nay vẫn chưa tạo dựng được vị thế của kẻ thống trị, mà vẫn rơi vào cảnh thấp thỏm, phập phù, và chỉ có thể đứng trên đỉnh khi các đối thủ khác khủng hoảng. Và điều quan trọng hơn, tầm vóc của đội bóng chỉ thay đổi khi tiền được bơm vào đều đặn với số lượng lớn. Hai mùa giải Man City vô địch (2012 và 2014) là những mùa giải Man City đầu tư gần 200 triệu bảng tiền chuyển nhượng. Năm nay Man City chi tiêu ít hơn, lập tức họ không chiếm được thế thượng phong trước Chelsea được trang bị tiền khá “đầy đặn”.

2.Một thống kê tài chính của tập đoàn Arabian business đã đưa ra công bố gây sốc cho bất cứ ai xem nó. Thật ra, thống kê này đã được lường trước, nhưng khó có ai nghĩ rằng Man City lại sống dựa vào nguồn tài chính khủng khiếp đến thế. Kể từ khi tập đoàn đầu tư tài chính Abu Dhabi rót tiền vào Man City năm 2008, họ đã kiếm được tổng cộng 441 điểm tại giải Ngoại hạng Anh. Tương ứng với con số đó, Abu Dahbi đã chi ra tới 483 triệu bảng chỉ để đội bóng mua ngôi sao mới (đã trừ tiền bán cầu thủ và chưa tính tiền lương trả cho họ, với con số còn cao hơn gấp nhiều lần). Như vậy, tính ra mỗi điểm của Man City có được ở Premier League, họ phải trả tới trên 1 triệu bảng. Con số này cao gần gấp đôi so với đội chi nhiều thứ 2 là Chelsea, một đại gia không thiếu tiền khác ở Anh. Trong quãng thời gian đó, Chelsea có tới 461 điểm (tức là cao hơn Man City), nhưng chỉ phải trả 276 triệu bảng, trung bình mỗi điểm của họ chỉ đáng giá khoảng 598.000 bảng. CLB có khả năng đầu tư hiệu quả nhất không phải Man Utd, Liverpool hay Arsenal mà là Everton, khi họ giành được 369 điểm và chỉ tốn có 29 triệu bảng (trung bình 78.000 bảng mỗi điểm).

Trong danh sách này, dù chi nhiều nhất nhưng Man City chỉ là CLB giành được nhiều điểm thứ 3 sau Man Utd (497 điểm, trung bình 281,1 triệu bảng/điểm) và Chelsea (461 điểm). Khi ấy, thật khó nói rằng Man City đang thực sự là một quyền lực ở giải Ngoại hạng Anh. Mức chi của Man City là con số cao nhất trong lịch sử bóng đá thế giới, số điểm họ giành được tính trung bình trên tiền đầu tư cũng là cao kỉ lục, kể cả khi so sánh với các đội bóng lừng danh khác như Bayern Munich, Barcelona hay Real Madrid.

3.Bóng đá thế giới hiện tại được quyết định phần lớn nhờ tiền bạc. Kể cả một giải đấu không kinh doanh lợi nhuận cá thể như Bundesliga (các CLB là sở hữu công, không chấp nhận đầu tư bên ngoài) cũng cần có tiền để phát triển. Ví dụ rõ nhất là Bayern Munich. Thế nhưng, ngốn tiền kiểu Man City lại là “độc nhất”. Một câu hỏi rất thực tế được đặt ra là: nếu như một ngày các ông chủ Ả rập chán bóng đá, không thấy lợi nhuận và hiệu ứng thương mại, họ rút khỏi CLB, hoặc hạn chế đầu tư, Man City liệu có thể sống mạnh mẽ, khỏe khoắn như bây giờ?

Bóng đá Anh không chỉ cần danh hiệu mà quan trọng nhiều hơn đến hình ảnh thương mại, được xây dựng qua thành tích mà họ đạt được. Hay nói cách khác, hiệu quả kinh doanh đang là yếu tố hàng đầu để duy trì sức hút cũng như nguồn vốn nuôi sống CLB. Nếu cứ chỉ loanh quanh với Premier League mà không thể đặt dấu ấn ở Champions League, sẽ là không đủ. Còn nhớ cách đây vài năm, ông chủ Abramovich của Chelsea đã có lúc muốn rời khỏi CLB này vì đầu tư mãi mà không đoạt được chức vô địch Champions League. Nhưng may mắn làm sao, năm 2012, Chelsea bất ngờ đăng quang ở giải đấu lớn nhất châu Âu, và Abramovich lại có “hứng” để đầu tư tiếp. Cũng như Man City, nếu họ không thể bứt lên để đạt những danh vọng mới trong thời điểm này, rất có thể họ sẽ bị… rút ống thở.

Chưa biết tương lai ra sao, nhưng ít nhất thì trước mắt Man City vẫn đang tạo ra một sự “lũng đoạn” trong khả năng đầu tư tài chính: mỗi điểm số tại Premier League của họ có giá trên 1 triệu bảng!

Lê Giang
.
.
.