Italia ở EURO 2021: Không ngôi sao, không vấn đề!

Thứ Ba, 06/07/2021, 09:49
Theo lẽ thường, mọi đội tuyển ở giải đấu lớn cần có một vài ngôi sao dẫn dắt cả đội. Thế nhưng Italia đang trở thành trường hợp đặc biệt, khi họ vẫn đang băng băng tiến về đích mà không có một thủ lĩnh đích thực nào trên sân.


Ngày mới nắng lên

3 năm trước là quãng thời gian đen tối bậc nhất lịch sử của nền bóng đá Italia. Quy luật 12 năm lọt vào chung kết World Cup của họ bị chặn đứng khi đội bóng thiên thanh không vượt qua nổi vòng đấu loại. Không cần đến Zlatan Ibrahimovic trong đội hình, Thụy Điển vẫn có thể vượt qua Italia sau 2 lượt trận bằng lối đá khoa học và chặt chẽ.

Gian Piero Ventura lập tức ra đi với kết quả bẽ bàng đó. Italia lâm vào cảnh không có thuyền trưởng đích thực suốt nửa năm cho đến khi Roberto Mancini được bổ nhiệm. Tất cả đều ái ngại với lựa chọn của LĐBĐ Italia. Tại sao lại là Mancini, HLV không có thành tích gì trên bản đồ bóng đá quốc tế kể từ ngày bị Man City sa thải hè 2013? Italia sẽ đi đến đâu với một đội hình không có ngôi sao như thế?

Đội tuyển Italia không phụ thuộc vào một ngôi sao nào.

Chẳng được trông mong nhiều, nhưng những gì Mancini làm được lúc này đã vượt quá kỳ vọng. Khởi đầu không thực sự ấn tượng, dù vậy, Italia của Mancini cứ thế lừng lững tiến về phía trước. Chuỗi thành tích bất bại cùng mạch toàn thắng ở EURO 2021 đến thời điểm này là dấu mốc vô tiền khoáng hậu của Italia, cũng như HLV Mancini. Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ, Xứ Wales, Áo, và cả Bỉ đã bại dưới tay họ.

Màn trình diễn của Italia tại EURO năm nay khiến mọi cựu danh thủ đều phải trầm trồ thán phục. Huyền thoại Franco Baresi nhận xét Italia, từ một đối thủ vô danh không nằm trong danh sách ứng cử viên vô địch, đã trở thành tâm điểm giải đấu. Gần như không đội tuyển nào có thể đánh bại họ lúc này. Quan trọng hơn, Italia giờ đây không chỉ biết phòng ngự. Họ sở hữu lối chơi ấn tượng với những cầu thủ giàu kỹ thuật.

Nhưng điểm khác biệt lớn nhất, từ góc nhìn của Baresi, là việc họ đang thắng như chẻ tre mà không cần bất kỳ thủ lĩnh nào trên sân. Tâm điểm những trận đấu của ĐT Italia không xoay quanh Chiellini hay Bonucci, mà tập trung vào những người chưa được đánh giá đúng tầm (Jorginho), hoặc mới chỉ ở mức tiềm năng (Chiesa, Barella...). Ai cũng chơi ấn tượng và thật khó để chọn ra một người có tầm ảnh hưởng lên phần còn lại.

Trong quá khứ, lối chơi của Italia thường dựa trên một vài ngôi sao đẳng cấp thế giới như Gianni Rivera, Roberto Baggio hoặc Francesco Totti. Điều đó không còn hiện hữu ở thời điểm hiện tại, khi Chiesa hay Insigne rõ ràng không thể sánh ngang những người đàn anh trong quá khứ. Nhưng điều đó không có nghĩa là Italia kém cỏi. Mỗi người một nhiệm vụ, cầu thủ Italia ai ai cũng quan trọng và giá trị. Vì thế họ càng trở nên khó lường hơn.

Điều đó được thể hiện rõ nhất trong chiến thắng trước ĐT Áo ở vòng 1/8. Italia gần như không thể áp đặt thế trận lên đối phương suốt thời gian thi đấu chính thức lẫn trong hiệp phụ. Khác biệt đến từ 2 cầu thủ vào sân thay người, Chiesa và Pessina. Nhìn Chiesa mắm môi mắm lợi đỡ bóng rồi sút tung lưới đối phương, ta có thể chắc chắn anh không phải một cầu thủ quá khéo léo. Nhưng anh vẫn thành công, vì tinh thần trách nhiệm của một cá nhân trong tập thể.

Thứ "thấy mà không thấy"

Câu chuyện của Italia tại EURO năm nay có nhiều điểm chung với Bồ Đào Nha 5 năm trước. Đội quân dưới thời HLV Fernando Santos thuở đó dù sở hữu siêu sao Cristiano Ronaldo, nhưng CR7 cũng chỉ là một mắt xích trong thành công của toàn đội. Ronaldo chỉ đóng góp 3 bàn ở giải đấu đó, bằng với Nani, người đã bước sang sườn dốc bên kia sự nghiệp từ lâu. Đến khi Ronaldo buộc phải sớm rời sân ở trận chung kết, Bồ Đào Nha vẫn chơi kiên cường và vô địch.

Ở chiều ngược lại, nhiều đội bóng xuất sắc xoay quanh một cá nhân không ít lần phải sớm rời cuộc chơi ở World Cup và EURO. Người Italia hiểu rõ điều đó. Franco Baresi hào hoa 12 năm liền khoác áo tuyển Italia vẫn trắng tay khi giải nghệ, Paolo Maldini cũng vậy. Điều quan trọng làm nên thành công của một đội tuyển không hẳn là đẳng cấp của ngôi sao xuất sắc nhất, mà ở những người xoay quanh anh ta nữa.

Trình độ của những cầu thủ làm nền cho một ngôi sao là thứ có thể nhìn thấy rất rõ, nhưng chúng ta lại thường ít để ý. Tất cả đều dồn sự tập trung vào ngôi sao sáng nhất khiến những người đồng đội của anh ta bị lu mờ dù họ cũng xuất sắc không kém. Đó là lý do vì sao Modric của năm 2018 không thể giúp Croatia đánh bại ĐT Pháp, dù anh là cầu thủ xuất sắc nhất giải. Trường hợp tương tự cũng xảy đến với Messi ở World Cup 2014.

Trận tứ kết EURO giữa Italia và Bỉ là minh chứng rõ nhất cho việc một đội bóng không thể thành công nếu phụ thuộc vào một vài ngôi sao. Kevin de Bruyne vẫn chơi hay như thường lệ trong màu áo ĐT Bỉ, nhưng những người xung quanh anh như Doku hay Lukaku lại không thể sánh bằng. Cú sút đập người hậu vệ đối phương dù chỉ cách khung thành 3 mét của Lukaku cho thấy điều đó.

Đã qua rất lâu rồi cái thời một ngôi sao trở thành nhân tố quyết định thành bại của một giải đấu lớn. Suy cho cùng, bóng đá vẫn là cuộc chơi của tập thể với những mắt xích đồng đều cả về trình độ lẫn đẳng cấp. Italia đang sở hữu điều đó với những cầu thủ giỏi ở cả 3 tuyến, không phụ thuộc vào ngôi sao nào, và điều đó khiến lối chơi của họ càng trở nên biến ảo hơn.

An Khánh
.
.
.