European Super League: "Mâm riêng" của người giàu

Thứ Ba, 20/04/2021, 08:29
Bóng đá thế giới có thể vĩnh viễn thay đổi sau sự ra đời của European Super League, giải đấu của những “đại gia” máu mặt nhất làng túc cầu giáo. FIFA, UEFA và tất cả các liên đoàn thành viên đang làm mọi điều có thể, bao gồm cả đe dọa trừng phạt, để ngăn không cho giải đấu “ly khai” ra đời.

Vậy, European Super League là kết quả của cuộc bắt tay giữa những gã nhà giàu ích kỷ, hay là quy luật tất yếu phải chấp nhận của nền “kinh tế bóng đá” đặt lợi nhuận lên cao nhất?

European Super League là một dạng “khởi nghiệp”

Hai năm trước, HLV Juergen Klopp đã từng phân tích sự bất khả thi của một giải đấu quy tụ tất cả các đội bóng mạnh nhất châu Âu dưới góc độ chuyên môn. “Tôi không thấy thú vị gì khi có những trận đấu tầm cỡ như Liverpool gặp Real Madrid diễn ra hàng tuần, trong vòng nhiều năm liên tục. Champions League, với cách vận hành như hiện tại, là tuyệt vời rồi. Europa League cũng thế. Bạn không thể biết trước đối thủ của mình ở mùa giải tới là ai, điều đó tạo nên sức hấp dẫn không gì so sánh được!” – chiến lược gia người Đức chia sẻ.

Bây giờ, Liverpool của Klopp cùng 5 đội bóng Anh khác gồm MU, Man City, Arsenal, Tottenham, Chelsea nằm trong nhóm 12 CLB “cốt cán” của European Super League. Viễn cảnh mà nhà cầm quân người Đức từng coi là “nhàm chán” sắp sửa diễn ra. European Super League sẽ thi đấu theo “mô hình Thụy Sỹ” với 20 đội chia làm 2 bảng, đá vòng tròn hàng tuần để chọn ra các đội vào vòng knock-out (3 đội dẫn đầu mỗi bảng, các đội xếp thứ 4 và thứ 5 đá play-off chọn 2 suất còn lại).

European Super League được xem là đối thủ trực tiếp của UEFA Champions League. “Đau” cho UEFA ở chỗ, họ vừa đưa ra kế hoạch cải tổ Champions League từ 32 đội lên 36 đội với số trận tăng từ 125 lên 225. Tất nhiên, chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin là người tức giận nhất trước thông báo ra đời của European Super League.

Nhìn vào phản ứng của FIFA, UEFA, các liên đoàn bóng đá và nhiều HLV, cầu thủ; người ta dễ có cảm giác rằng European Super League là một thứ gì đó rất “xấu xa”, đáng “tẩy chay”. Gary Neville, người yêu MU như máu thịt, thậm chí còn đòi “trừ điểm, phạt tiền, cho xuống hạng” đội bóng cũ của mình khi thấy “Quỷ đỏ” có tên trong số những đội bóng thành lập European Super League.

Nhưng trên thực tế, European Super League là một sản phẩm hoàn toàn không “tội lỗi” gì cả. Nó đã được ấp ủ từ rất lâu, khi những gã nhà giàu bắt đầu cảm thấy khó chịu vì phải chia miếng bánh khổng lồ cho các đội bóng nhỏ hơn. Họ muốn tự lập ra một giải đấu, kinh doanh một cách độc lập với các tổ chức quản lý bóng đá và nhận về đầy đủ những giá trị kinh tế mà chính thương hiệu của họ tạo ra.

European Super League vì thế, có thể xem là một dự án “khởi nghiệp” của các đội bóng tham gia.

Champions League sẽ không còn những trận đối đầu kinh điển trong tương lai?

UEFA sẽ làm mọi cách để ngăn cản

6 tỷ USD, đó là giá trị ước tính của European Super League. Các CLB tham dự giải đấu mới sẽ tạo lên cuộc cách mạng trong việc kiếm lợi nhuận từ bóng đá. Tuy nhiên, họ sẽ phải đối đầu với UEFA trong một cuộc chiến chắc chắn vô cùng quyết liệt.

Mục đích của UEFA có lẽ cũng chẳng liên quan nhiều đến “nguyên tắc cơ bản về đoàn kết, hòa nhập, liêm chính và phân phối tài chính công bằng” mà Liên đoàn bóng đá thế giới FIFA nhắc đến trong tuyên bố phản đối European Super League. Đơn giản, UEFA sợ European Super League ra đời sẽ khiến Champions League chỉ còn là giải đấu hạng hai.

12 đội bóng “cốt cán” trong danh sách đồng ý tham gia giải đấu “ly khai” đã có tổng cộng 40 lần đăng quang ở Cúp C1/ Champions League trong 66 mùa giải. Thiếu họ, giải đấu được xem là “danh giá nhất thế giới” chắc chắn không còn sức hút như trước, đồng nghĩa với các khoản doanh thu từ bán vé, quảng cáo, bản quyền truyền hình và dịch vụ liên quan giảm đi trông thấy.

UEFA tăng số đội tham dự Champions League cũng chính là để tăng nguồn thu từ giải đấu, đặc biệt sau một thời gian nền kinh tế bóng đá bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch COVID-19 (Theo ước tính của  FIFA, doanh thu bóng đá trên toàn cầu trong năm 2020 sụt giảm tới xấp xỉ 12 tỷ euro, riêng UEFA là khoảng 2 tỷ euro). Tuy nhiên, số đội và trận đấu tăng lên nhưng phần ăn chia lợi nhuận lại không tăng tỷ lệ thuận với điều này, đây chính là một trong số những lý do khiến nhiều đội bóng hàng đầu châu Âu quyết định bỏ Champions League để đá Super League.Dĩ nhiên, vì sự tế nhị trong cách thức ăn chia “miếng bánh lợi nhuận”, UEFA buộc phải “nhân danh” cho nhiều lợi ích bị đánh mất bởi sự ra đời của European Super League để chống lại giải đấu này. 

Dẫu vậy, có một sự thật là rất nhiều đội bóng nhỏ sẽ mất đi cơ hội “đổi đời” vì sự tồn tại European Super League. Giá trị kinh tế mà một CLB nhỏ đến từ những quốc gia có nền bóng đá chưa phát triển có thể nhận được khi “bốc trúng” lá thăm may mắn được chạm trán với những đối thủ cỡ như Real Madrid hay MU ở Champions League, là rất đáng kể với các CLB đó.

Nhưng phải sòng phẳng rằng, các đội bóng lớn không có trách nhiệm phải đảm bảo tài chính cho các CLB nhỏ hơn. Trong bóng đá hiện đại, các CLB không khác gì những tập đoàn kinh tế lớn và việc tối ưu hóa lợi nhuận là mục tiêu tối thượng.

Cuộc chiến giữa UEFA và European Super League chắc chắn sẽ còn rất quyết liệt. FIFA, trong một nỗ lực hòa giải, đã yêu cầu hai bên ngồi xuống đối thoại. Nhưng quả thật khi đã động đến chuyện tiền nong, chẳng ai lại không bảo vệ tối đa quyền lợi của mình!

Đơn Ca
.
.
.