Derby Manchester và chuyện của những người chơi bóng

Thứ Sáu, 09/11/2018, 16:06
Derby thành Manchester, Man United có lợi thế tinh thần sau chiến thắng tại Turin trước Juventus nhưng không thể phủ nhận, họ thua kém đối thủ Man City rất nhiều, đặc biệt là những người "chơi bóng" thực sự ở hàng thủ.



Từ câu chuyện của Makelele 

Mùa Hè 2003, sau những thành công của Galacticos thế hệ Zidane, Claude Makelele được bán sang Chelsea với cái giá chưa được 20 triệu bảng Anh. Nhiều người đã sững sờ với sự chia tay ấy. 

Sững sờ hơn nữa khi chính chủ tịch Perez đã nói rằng “Chúng tôi chả việc gì phải nhớ Makelele. Anh ta thiếu kỹ thuật, thiếu tốc độ để dắt bóng vượt qua đối thủ. Anh ta cũng không biết chơi đầu, chuyền bóng không quá được 3 mét. 90% cống hiến của anh ta chỉ là lùi về hoặc giãn rộng sang hai biên để hỗ trợ phòng ngự. Sẽ có những cầu thủ trẻ đến đây và nhanh chóng để Makelele rơi vào quên lãng”.

Chủ tịch Real Madrid Florentino Perez 

Tuyên bố của Perez khiến nhiều người nói ông bạc. Thậm chí, có người còn cho rằng Perez quá ngạo mạn, chả biết gì về bóng đá và chẳng qua Makelele bị gạt khỏi Real chỉ vì anh có màu da đen và không điển trai kiểu galacticos. Những chê trách cho Perez có vẻ ngày càng đúng hơn khi Makelele đóng góp rất nhiều cho thành công của Chelsea dưới tay Mourinho. 

Còn Perez, xui xẻo cho ông là sau khi Makelele ra đi, chu kỳ thành công của Real cũng khép lại. Điều đó khiến người ta dễ quy đồng mẫu số về nguyên nhân mang tên tiền vệ người Pháp, nhất là khi anh đã có một World Cup 2006 chiến đấu lăn xả để đưa Les Bleus đến tận trận chung kết. 

Và cho tận đến bây giờ, nhiều người vẫn lôi lại câu chuyện ấy để chỉ trích Perez. Nhưng liệu Perez có điên rồ, ngạo mạn hay dốt nát như định kiến? Không, thật ra ông là chủ tịch vĩ đại nhất mà chúng ta từng biết trong lịch sử bóng đá đương đại, khi con mắt nhìn cầu thủ của ông là con mắt “tiên tri”.

Trong cuốn The Mixer của tác giả Micheal Cox có một đoạn mô tả thuộc tính của một tiền vệ phòng ngự rất đáng tham khảo rằng:“Trước kia, hình mẫu một tiền vệ phòng ngự chuẩn là phải có thể hình tốt, có tốc độ, tranh chấp tốt và “ơn trời, sẽ quá tuyệt vời” nếu anh ta có thêm kỹ năng chuyền bóng tốt”. \

Michael Cox dùng mô tả thuộc tính đó để nói về sự biến chuyển trong các đòi hỏi tối thiểu về một tiền vệ phòng ngự ở thời hiện đại so với quá khứ. Hôm nay, đòi hỏi về tiền vệ phòng ngự không còn gói gọn trong vài tiêu chuẩn như thế nữa mà đã thêm vào đó là khả năng điều phối bóng, chuyền bóng, phát động và thậm chí tổ chức một đợt tấn công nếu cần. 

Và nếu chúng ta so sánh Makelele với “truyền nhân” của anh là Kante, chúng ta sẽ thấy rằng Kante hơn Makelele một tầm đẳng cấp ở khả năng luân chuyển vị trí chứ không chỉ còn là một số Sáu cần mẫn cổ điển đơn thuần. Nói cách khác, Kante và Makelele chính là ví dụ cụ thể cho sự nâng cấp phiên bản của một tiền vệ phòng ngự chơi ở vị trí số Sáu.

Đòi hỏi về vị trí trong bóng đá đã thay đổi rất nhiều 

Kể lại câu chuyện về Chủ tịch Perez và Makelele để chúng ta hiểu rằng, bóng đá đã và đang thay đổi rất nhiều. Theo như Roberto Mancini, trong một phỏng vấn cách đây đã lâu, để trả lời câu hỏi “chiến thuật trong bóng đá sẽ phát triển theo xu thế nào?”, ông đã trả lời đơn giản rằng “sẽ thiên về xu hướng phát triển cá nhân cầu thủ hơn. Sẽ đòi hỏi cầu thủ phải kỹ thuật hơn, khôn ngoan hơn, biết thay đổi mình để phù hợp với các đòi hỏi cụ thể của HLV hơn nữa”. Và điều Mancini nói đã đúng. Hôm nay, ngoài câu chuyện của vị trí tiền vệ phòng ngự, những đòi hỏi cải thiện, nâng cấp ở các vị trí khác cũng ngặt nghèo hơn. Điển hình là ở vị trí thủ môn và trung vệ, hai vị trí vốn dĩ chúng ta chỉ nghĩ nhiệm vụ là “phòng ngự” hoàn toàn.

Hãy nhớ lại việc Pep Guardiola đã cư xử thế nào với Joe Hart khi ông mới tới Man City. Nhiều người đã nói Guardiola sai lầm, quá khắt khe hoặc có thiên kiến riêng với thủ thành người Anh. Nhưng hôm nay Pep cho thấy ông đã đúng. Hart không những không tiến bộ hơn mà còn cùn mòn đi dù anh có đủ cơ hội khoác áo các đội bóng mạnh sau Man City. Dễ hiểu, Hart là một thủ thành kiểu cũ trong khi bóng đá hiện đại đòi hỏi thủ môn phải biết chơi bóng thực sự để có thể là một nguồn phát động khi cần.

Smalling trong một pha tranh chấp 

Sau trận Man United thua West Ham 1-3, Mourinho đã không tiếc lời trách cứ các hậu vệ của mình. Ông cho rằng họ không đủ kỹ năng để “chơi bóng”. Và điều Mourinho nói là hoàn toàn đúng. 

Thực sự, ở Man United hiện nay, ngoài những vấn đề ở trung tâm hàng tiền vệ, thứ mà đội bóng ấy đang thiếu chính là những hậu vệ có khả năng phát động tốt. Thực sự, ở hàng thủ của Man United, ngoài Ashley Young, Luke Shaw, không có cầu thủ nào có khả năng phát động cả. 

Bi kịch hơn nữa, trong số các trung vệ mà Mourinho có trong tay không có một ai là dạng trung vệ chơi bóng (ball playing defender) đúng nghĩa. Họ có thể mạnh trong đánh chặn, tranh chấp tay đôi nhưng ở khâu chuyền bóng, họ quá non kém so với các đối thủ lớn. 

Hãy nhìn lại trận thắng của Man United ở Turin giữa tuần qua, chúng ta sẽ nhận ra rằng thực tế về thế trận, Man United không thắng Juventus. Có thể hàng thủ Juventus mắc lỗi, thậm chí đá phản lưới nhà để thua ngược lại 1-2 nhưng chính pha phát động tấn công của Bonucci là thứ mà Man United đang thiếu, rất thiếu. 

Ở pha bóng đó, Bonucci có thể chuyền an toàn ra biên phải hoặc đưa bóng vào giữa sân cho đồng đội. Nhưng anh ta ý thức được Ronaldo đang ở vị trí nào, xu hướng di chuyển ra sao và anh ta đã tung đường chuyền đón hướng di chuyển ấy rất chuẩn xác. Trong khi đó, cũng trong trận đó, Smalling và Lindelof chỉ có tổng cộng 5 đường mở bóng dài cả trận, một con số khiêm tốn vô cùng.

Man City đang vượt trội Man United 

Ở khía cạnh này, Man City, đối thủ của Man United ở trận derby chủ nhật này đang sở hữu những hậu vệ chơi bóng rất tốt. Nếu nhìn vào con số thống kê, ở trận Man City thắng Tottenham trên sân khách, cặp Laporte - Stones có tới 18 cú mở bóng dài mang tính chất phát động. Pep Guardiola luôn xây dựng đội bóng của mình với những con người như thế ở tuyến hậu vệ. 

Dễ hiểu, ông muốn đội bóng xây dựng lối chơi từ tuyến dưới (build from back). Và Mourinho, dẫu rằng ông không chủ trương xây dựng lối chơi giống Pep nhưng ông cũng cần những hậu vệ hiện đại với đôi chân chuyền bóng chuẩn xác. Lý do rất đơn giản, Mourinho có 1 điểm tương đồng với Pep trong triết lý bóng đá dù về tổng thể, cả hai khác biệt nhau xa, thậm chí còn có phần đối nghịch nhau.

Laporte, quân bài của Pep Guardiola 

Pep có một chủ trương mà ông theo đuổi là “phản công lại từ các đợt phản công” (counter off the counter). Đội bóng của Pep luôn săn bóng ngay khi mới mất bóng và khi đối thủ tổ chức phản công, nếu đội bóng của Pep đoạt lại được bóng, họ sẽ phải dàn xếp và tổ chức một đợt phản công lại bằng tốc độ và kỹ thuật để chớp lấy cơ hội mang tính tình thế. 

Còn Mourinho lại coi phòng thủ chắc chắn là yêu cầu hàng đầu nhưng khi đoạt bóng phải phản công nhanh bằng những đường bóng tốc độ và chuẩn xác. Với Mourinho, ở không gian 30 mét trước mặt khung thành đội nhà, đội bóng phải tổ chức chặt chẽ, bóp nghẹt mọi không gian phát triển bóng của đối thủ, buộc họ chuyền quanh quẩn hoặc chuyền về. 

Sau đó, khi đội bóng của Mourinho đoạt đuợc bóng, việc phản công phải được tổ chức trong vòng 1 hoặc 2 giây. Đó chính là vũ khí hữu hiệu nhất của triết lý Mourinho xuyên suốt những đội bóng mà ông từng huấn luyện.

Lindelof trong trận thắng Juventus

Và cả 2 lối chơi “phản công từ các đợt phản công” của Pep cùng phòng ngự chắc chắn, phản công chuẩn xác của Mourinho đều đòi hỏi những hậu vệ phải có kỹ năng chơi bóng thực sự. 

Hãy hình dung điều gì sẽ xảy ra nếu trung vệ của Pep hoặc Mourinho đoạt bóng từ cầu thủ sáng tạo đối thủ và không thể đáp ứng yêu cầu phản công nhanh mà HLV đề ra? Và điều đó đang xảy ra ở Man United trong khi ở Man City, Pep đã hoàn thiện hàng thủ của mình từ mùa giải trước, khi Aymeric Laporte góp mặt.

Laporte trong một lần tham gia tấn công 

Nhắc đến đây, chắc chúng ta sẽ quay lại với câu nói “thường xuyên” suốt cả năm qua. Đó là “Ai là người đưa Bailly và Lindelof về? Không phải là Mourinho sao?”. Vẻ ngoài thì như thế nhưng thực sự, câu chuyện ở Man United hôm nay vẫn còn rất bí ẩn. 

Song, với triết lý, các đòi hỏi dành cho cầu thủ, lịch sử sử dụng với những Ricardo Carvalho, Lucio, Varane, chúng ta có thể nghĩ rằng người tuyển trạch chính ở Man United không phải là Mourinho. Và hãy nhớ, ở thời kỳ thứ hai của ông tại Chelsea. ông cũng không còn là người quyết định chọn ai để mua sắm nữa. Vậy thì có nên đặt ra câu hỏi: “Ai đã đưa đá cuội cho Mourinho và sau đó đòi ông chế biến món omlette?”.

Hà Quang Minh
.
.
.