V.League dưới "cú đấm" thầy ngoại
Đầu tiên là cú đấm của ông Petrovic với "hung thần" Omar - người vừa thực hiện một pha bóng phản cảm trên sân cỏ, vừa có những biểu hiện khiêu khích phản văn hoá với các khán giả sân Nha Trang sau khi phải nhận thẻ đỏ rời sân. Trong khi rất nhiều thành viên FLC Thanh Hoá tỏ ra bình thản với hành động của Omar thì ông Petrovic rõ ràng không chịu nổi.
Ông bỏ khu huấn luyện, chạy theo Omar khi đó đang tiến vào đường hầm sân Nha Trang và thực hiện một cú đấm vào lưng cầu thủ này - một cú đấm với một thái đội tức giận không giấu đi đâu được. Nhiều thành viên trong Ban huấn luyện FLC Thanh Hoá khi ấy nhìn theo ông Petrovic với thái độ bất ngờ.
HLV Petrovic rất tức giận với thái độ ứng xử thiếu văn hoá của học trò Omar. Ảnh: H.M. |
Ở đây, hãy thử đặt câu hỏi: Nếu ngồi trên ghế thuyền trưởng FLC Thanh Hoá không phải là một HLV gạo cội, đến từ châu Âu như ông Petrovic thì điều gì sẽ xảy ra? Một chuyên gia bóng đá trả lời chúng tôi: "Thì như ở Đội tuyển Việt Nam vừa rồi đấy! Có thể sẽ là những phàn nàn về việc trọng tài đã quá nặng tay, thay vì nhìn thẳng vào những lỗi lầm của các học trò".
Thực tế thì chẳng phải đợi tới những diễn biến vừa qua của Đội tuyển Việt Nam ở AFF Suzuki Cup - khi chúng ta phải liên tục nhận các thẻ vàng, thẻ đỏ, và khi ông HLV trưởng luôn tìm cách nhận lỗi về mình để giữ một "bầu trời bình yên" cho các học trò trước công luận, ở V.League những mùa vừa qua, người ta không lạ với việc các HLV thậm chí còn đứng lên bao che, bảo vệ cho những hành vi xấu chơi của các học trò.
Khi Trần Đình Đồng đá gãy chân Anh Hùng (An Giang), và Quế Ngọc Hải đá gãy chân Anh Khoa (Đà Nẵng), dẫn tới việc phải nhận những án phạt thích đáng từ Ban Kỷ luật VFF thì một vài thành viên của CLB Sông Lam Nghệ An còn lên tiếng trách Ban Kỷ luật nặng tay. Rõ ràng là cùng một sự việc nhưng thái độ của những ông thầy ngoại như Petrovic với những ông thầy nội người Việt - những người đã sống với môi trường V.League, và quen với hơi thở V.League từ ngày còn xỏ giày ra sân đá bóng là rất khác nhau.
Trước khi thực hiện một cú đấm trực tiếp vào hành vi bạo lực, phản văn hoá của cậu học trò, đội trưởng Omar, HLV Petrovic còn "đấm" V.League ở một phương diện khác khi công khai nhận xét: Tôi thấy ở đây các đội bóng, các cầu thủ chỉ chăm chăm phá bóng, chứ không chú ý tổ chức bóng và chơi bóng.
Trong khi đó, HLV người Pháp - Alain Fiard thì "đấm" rằng: Các đội bóng V.League dựa quá nhiều vào ngoại binh. Khi có bóng các hậu vệ cứ thế phất dài lên trên cho các tiền đạo ngoại xử lý, mà bỏ qua hàng tiền vệ. Hai cú đấm này diễn ra với những biểu hiện ngôn ngữ khác nhau nhưng xét về bản chất thì rất giống nhau: V.League là một giải đấu nghèo nàn về chất lượng.
Tất nhiên không phải tất cả các đội bóng đều chăm chăm phá bóng và chăm chăm dồn mọi đường bóng vào các tiền đạo ngoại, bởi vẫn có những đội cố gắng cầm bóng, tổ chức lối chơi nhỏ, nhuyễn, mà CLB Hà Nội hay CLB Than Quảng Ninh là hai dẫn chứng điển hình. Nhưng rõ ràng là một, hai điểm sáng về chiến thuật không cứu nổi một V.League mà dưới mắt của các ông thầy ngoại, đến từ những nền bóng đá chuyên nghiệp thì đấy là một giải đấu rất thiếu tính cống hiến.
Chắc chắn là VFF và VPF không thể bỏ qua những cú đấm của Petrovic và Alain Fiard, nếu không muốn nói là phải nhìn thẳng vào đó để hy vọng tìm ra liều kháng sinh chữa bệnh.
Có thật chúng ta giỏi kỹ thuật? Thời còn cầm quân Đội tuyển Việt Nam, HLV trưởng người Nhật - Toshiya Miura đã liên tục đặt ra câu hỏi không khác gì một phản đề ấy. Theo ông Miura, người Việt Nam cứ tự nghĩ là cầu thủ Việt Nam giàu kỹ thuật, nhưng so với những đội bóng lớn ở châu Á, thậm chí kể cả với những đội bóng trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, chưa chắc chúng ta đã trội hơn. Đã thế, ông Miura và một đồng hương của ông Miura khi ấy là Trưởng ban tổ chức V.League Tanaka Koji còn chỉ ra điểm chết về thể lực của các cầu thủ. Bằng chứng là một cầu thủ V.League chỉ chạy trung bình mỗi trận 5,6km, trong khi con số này ở các cầu thủ châu Á nói chung phải là 10km. Tiếc là kể từ ngày Trưởng giải Tanaka Koji mãn nhiệm, Ban tổ chức giải đấu này không có (hoặc có nhưng không công bố?) những chỉ số mang tính khoa học cao như vậy để có thể xác quyết một cách chắc chắn xem rốt cuộc hiện tại trình độ kỹ thuật, thể lực của các cầu thủ V.League đang ở mức độ nào. Ngọc Anh |