Từ pha phạm lỗi rùng rợn của Sầm Ngọc Đức: Những thói xấu khó bỏ?

Thứ Hai, 26/06/2017, 08:28
Ngay vòng đấu đầu tiên lượt về V.League 2017 (chiều thứ Bảy tuần qua), nỗi ám ảnh bạo lực đã trở về sau pha bỏ bóng, song phi cả hai chân về phía đối phương của cầu thủ Sầm Ngọc Đức, CLB Hà Nội.


Nạn nhân của Sầm Ngọc Đức nghiệt ngã thay lại là hậu vệ Anh Hùng (Hải Phòng). Nghiệt ngã ở chỗ 3 năm trước, khi còn khoác áo CLB An Giang thì Anh Hùng cũng từng bị cầu thủ Trần Đình Đồng bỏ bóng, song phi thẳng vào chân, dẫn đến gãy chân, phải nhập viện ngay lập tức. Trao đổi với báo giới, Anh Hùng cho biết sau pha bóng mang tính triệt hạ của Sầm Ngọc Đức, nỗi ám ảnh 3 năm trước đã trở về, khiến anh mất ngủ cả đêm.

"Ngay sau pha vào bóng đó, tôi thấy chân mình tê buốt, và tôi đã nghĩ đến việc có thể lại gãy chân lần nữa. Cảm giác lúc đó thật kinh khủng" - Anh Hùng bảo. Rồi anh lý giải thêm, tình huống bóng diễn ra rất bình thường, không có gì nguy hiểm, nên không hiểu tại sao phải nhận một pha vào bóng khủng khiếp đến như vậy.

Về phần mình, Sầm Ngọc Đức sau đó cũng chia sẻ trên trang facebook cá nhân: "Bây giờ có nói gì cũng vô nghĩa cho tất cả những gì đã xảy ra. Chỉ muốn gửi lời xin lỗi đến ban huấn luyện, anh em trong đội và đặc biệt là lời xin lỗi đến người đồng nghiệp Trần Anh Hùng".

Sầm Ngọc Đức bị đuổi khỏi sân sau pha phạm lỗi.

Ba năm trước, sau khi thực hiện một pha song phi tương tự, làm gãy chân Anh Hùng, cầu thủ Trần Đình Đồng của Sông Lam từng thực hiện lời xin lỗi tương tự. Hơn một năm trước, sau khi cũng song phi làm gãy chân cầu thủ Anh Khoa (Đà Nẵng), dẫn đến việc nạn nhân phải cay đắng giải nghệ, một cầu thủ Sông Lam khác là Quế Ngọc Hải cũng tỏ ra rất mực ăn năn. Và bây giờ là Sầm Ngọc Đức - một cầu thủ đang khoác áo CLB Hà Nội nhưng có gốc gác Nghệ An, từng trưởng thành ở lò đào tạo VST - Nghệ An.

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, Sông Lam Nghệ An từng nổi tiếng là một đội bóng chém đinh chặt sắt. Cầu thủ Sông Lam thời đó đá rắn tới độ rất nhiều đội bóng không dám giành chiến thắng mỗi khi phải làm khách ở sân Vinh. Những cầu thủ chủ chốt thế hệ này sau khi giải nghệ phần lớn đều đảm trách công tác huấn luyện các lứa trẻ Sông Lam hoặc các lò đào tạo khác ở Nghe An.

Khách quan mà nói thì sau lứa Hữu Thắng, Quang Trường, Phi Hùng... Sông Lam đã tạo ra những lứa cầu thủ kỹ thuật như Văn Quyến, Công Vinh, Tuấn Tài..., nhưng không hiểu tại sao một vài cầu thủ gốc Sông Lam thi  thoảng lại tạo ra những pha bỏ bóng, song phi thẳng vào chân đối thủ.

Không chỉ những Trần Đình Đồng, Quế Ngọc Hải, Sầm Ngọc Đức... ngay cả một tiền vệ gốc Nghệ An được đánh giá là có lối thi đấu thông minh như Nguyễn Trọng Hoàng cũng được xếp vào danh sách này. Và không chỉ ở sân chơi quốc nội, khi khoác áo Đội tuyển Việt Nam đá AFF Suzuki Cup 2016 hẳn hoi, Trọng Hoàng cũng không ngại song phi vào chân một cầu thủ Indonesia ở trận bán kết lượt đi.

Đấy là tình huống mà ai cũng tin chắc Trọng Hoàng sẽ "ăn" thẻ đỏ và Việt Nam mất người, nhưng trong một khoảnh khắc dễ tính đến kỳ lạ, ông trọng tài điều khiển trận đấu đó chỉ rút ra thẻ vàng, trong sự phản đối quyết liệt của cầu thủ Indonesia.

Những pha truy cản đối thủ bằng cách song phi thẳng hai chân vào ống đồng đối thủ phải chăng đã trở thành một thói quen khó bỏ - một thói quen được "nuôi dưỡng" từ ngày còn bập bẹ học bóng đá của một bộ phận cầu thủ này? (một bộ phận chứ không phải tất cả).

Nếu những Trần Đình Đồng, Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng...chưa đủ tạo nên những căn cứ thuyết phục cho giả thiết này thì có thể kể tới một cầu thủ trẻ, thuộc lứa U.19 Việt Nam vào năm 2014: trung vệ Hoàng Văn Khánh. Khi khoác áo Đội tuyển U.19 Việt Nam đá giải tứ hùng quốc tế trên sân Thống Nhất (TP Hồ Chí Minh), trung vệ Sông Lam này cũng từng đá gãy chân một cầu thủ U.19 của CLB Tottenham (Anh). Sau đó phó chủ tịch VFF, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã đề nghị đuổi Văn Khánh khỏi đội U.19 Quốc gia. Rất may Hoàng Văn Khánh đã đứng dậy và hiện giờ đang dần dần cho thấy một gương mặt khác.

Vơi tất cả những logic sâu xa đó, bây giờ có lẽ trách những cầu thủ làm gãy chân đồng nghiệp chỉ là hiện tượng. Điều đáng chú ý có lẽ nằm ở những thói quen mà những cầu thủ này đã quen khi còn là... những cầu thủ trẻ.

Nếu không phạt nặng, thì...

Năm 2014, sau khi đá gãy chân Anh Hùng, Trần Đình Đồng đã bị đình chỉ thi đấu tới hết năm - một án phạt mà nói như chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng là: "Hy vọng tất cả các cầu thủ khác phải nhìn vào đó mà tự rút kinh nghiệm cho mình". Hai năm trước, khi đá gãy chân Anh Khoa, Quế Ngọc Hải vừa phải đền bù mọi chi phí chữa bệnh cho cầu thủ người Đà Nẵng, vừa bị treo 6 tháng.

Lần này mặc dù Sầm Ngọc Đức chưa làm gãy chân Anh Hùng nhưng rõ ràng hành vi vào bóng của Sầm Ngọc Đức là rất khó chấp nhận. Càng khó chấp nhận hơn khi sau đó, hàng loạt cầu thủ CLB Hà Nội đã quây kín trọng tài gây sức ép, để trọng tài không rút ra thẻ đỏ.

Chắc chắn ban tổ chức V.League phải gửi đầy đủ hồ sơ với đầy đủ các chi tiết phạm lỗi của Sầm Ngọc Đức lẫn cách phản ứng khó coi của các cầu thủ CLB Hà Nội tới Ban Kỷ luật. Và nếu lần này những người nắm gia pháp của bóng đá Việt Nam không đưa ra một án phạt thích đáng thì chắc chắn chuyện cầu thủ đá ẩu, đá láo, đá gãy chân đồng nghiệp sẽ còn tiếp tục diễn ra.                                      

Đến cổ động viên Hà Nội cũng phản ứng

"Tôi là cổ động viên Hà Nội, nhưng tôi cũng muốn phạt Sầm Ngọc Đức thật nặng, tình huống quá nguy hiểm. Đội nhà đang dẫn bàn mà lại đi đá quá láo. Nếu cần thiết có thể cấm thi đấu vĩnh viễn", "Tuyển thủ Quốc gia mà có những pha như vậy thì không chấp nhận nổi, cứ treo giò vài trận cho nhớ. Chỉ 1 giây thôi cũng đủ huỷ hoại sự nghiệp của người ta rồi đấy", "Không hiểu tư cách đạo đức nghề nghiệp ở đâu nữa.

Cảm thấy thất vọng với những cầu thủ như thế này"..., đó là những ý kiến xuất hiện trên các diễn đàn bóng đá hoặc các trang báo mạng, phản ứng dữ dội pha vào bóng rợn tóc gáy của Sầm Ngọc Đức. Nên nhớ hậu AFF Suzuki Cup 2016, khi Đội tuyển Việt Nam của thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng để lại một hình ảnh xấu xí về phong cách thi đấu Tổng cục TDTT đề nghị VFF phải nghiêm trị những cầu thủ đá láo, đá ẩu ở V.League.

Do vậy nếu VFF, vì một lý do nào đó bỏ qua hoặc chỉ phạt chiếu lệ Sầm Ngọc Đức chắc chắn sẽ bị Tổng cục TDTT tuýt còi.                                                                           

Tuấn Thành - Ngọc Anh

Diệp Xưa
.
.
.