Phía sau lời xin lỗi của VPF

Thứ Năm, 12/05/2016, 15:09
VPF đã có công văn xin lỗi CLB Sông Lam Nghệ An sau sự cố trọng tài Hà Anh Chiến tưởng tượng ra một quả 11 trên sân Thanh Hoá, khiến Sông Lam đánh mất chiến thắng vào phút chót.


Phía sau lời xin lỗi, không khó "ngửi" ra trạng thái đau đầu, thậm chí là phảng phất hơi hướng bất lực của VPF ở mùa giải năm nay.

Nói đến chuyện xin lỗi, dân làng bóng chưa quên cuối mùa giải năm ngoái, Quế Ngọc Hải đã phải xin lỗi lên, xin lỗi xuống Anh Khoa - người mà Hải đá gãy chân trong trận Sông Lam - Đà Nẵng trên sân Vinh.

Thoạt tiên lời xin lỗi này không được cha Anh Khoa chấp nhận, vì nói theo cách của ông thì: "Rất có thể cậu ấy đã phá hỏng cả cuộc đời bóng đá của con tôi", nhưng rồi với tâm lý "đánh người quay đi, không đánh người quay lại", rốt cuộc các bên cũng đã ngồi lại với nhau, giải quyết ổn thoả vấn đề.

Sự cố trọng tài sân Thanh Hoá sẽ làm "vỡ" ra nhiều vấn đề tế nhị của V.League năm nay. Ảnh: H.M.

Điều đáng nói là ngay cả khi Quế Ngọc Hải đã xin lỗi, đã đền bù (toàn bộ chi phí chữa bệnh của Anh Khoa) thì một bản án nặng tay vẫn được ban Kỷ luật VFF đưa ra. Phải đến vòng 4 V.League năm nay, Quế Ngọc Hải mới có thể trở lại sau khi được giảm án.

Trao đổi cùng báo giới, Quế Ngọc Hải nói rất thật: "Đấy là một nỗi ám ảnh lớn chưa từng thấy kể từ ngày tôi đi đá bóng. Tôi thật sự hiểu rõ lỗi lầm của mình, và rất mong được gia đình Anh Khoa thực tâm tha thứ".

Vẫn chủ đề xin lỗi, có một chi tiết cần nhắc lại, đó là sau khi gieo sầu cho Sông Lam, tạo ra một cơn phẫn uất không chỉ của riêng Sông Lam, mà của tất cả những khán giả chân chính nói chung, trọng tài Hà Anh Chiến cũng đã thừa nhận sai lầm và gửi lời xin lỗi tới "nạn nhân".

Việc xin lỗi mới chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm.

Nhưng sau lời xin lỗi này, Hà Anh Chiến vẫn bị Ban Trọng tài treo còi đến hết lượt đi V.League, và những thông tin mới nhất cho hay có rất nhiều khả năng án phạt sẽ được VFF nâng lên mức "treo còi vĩnh viễn". Trưởng Ban Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi nói rằng, trong trường hợp này, trọng tài Hà Anh Chiến sẽ mất tên khỏi V.League, giải hạng Nhất, và chỉ được xem xét cho làm việc ở những giải mang tính phong trào, nghiệp dư - nếu cá nhân vẫn có nhu cầu.

Nhưng có lẽ, ngay cả khi ông Chiến có nhu cầu thì cũng chẳng một BTC nào dám để một ông trọng tài có thể "tưởng tượng 11m trắng trợn" như thế tham gia vào giải đấu của mình. Có nghĩa, nhận thấy lỗi và xin lỗi rồi thì "cửa" tiếp tục công việc trọng tài với Hà Anh Chiến vẫn gần như đóng sập.

Còn với VPF thì sao? Có lẽ, đây là lần đầu tiên VPF phải gửi lời xin lỗi một CLB bằng giấy trắng mực đen. Những người hiểu thời cuộc nhận định rằng nhiều khả năng chính VPF đã nhìn ra quá nhiều bất thường, và không chỉ là sự bất thường đơn thuần về mặt chuyên môn của trọng tài Hà Anh Chiến trong trận đấu này.

Cũng không riêng gì cá nhân Hà Anh Chiến, trước đó, trọng tài Nguyễn Đức Vũ cũng có những cái sai chết người, gián tiếp giúp chủ nhà Thanh Hoá hưởng lợi trong trận thắng Hoàng Anh Gia Lai 2-1, tạo nên một tâm lý phổ biến trong làng bóng lúc này: đó là tâm lý rất ngại và rất sợ khi phải đến sân Thanh Hoá làm khách.

Xử nặng một ông trọng tài và thành thực gửi lời xin lỗi đến "nạn nhân" là những tín hiệu rất đáng hoan nghênh của Ban trọng tài QG và VPF, nhưng đấy mới chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Phải làm sao giải quyết ngọn ngành hàng loạt bất cập, hàng loạt góc khuất liên quan đến cái tâm lý đang phổ biến nêu trên, đấy mới là điều mà người xem trông đợi.

Như đã nói ở phần đầu bài viết, Quế Ngọc Hải xin lỗi xong, vẫn phải nhận án nặng, "tội đồ" Hà Anh Chiến xin lỗi xong cũng phải đối diện với nguy cơ đánh mất sự nghiệp cầm còn, còn với VPF, rất hy vọng là xin lỗi xong, VPF sẽ không gói câu chuyện lại, coi như mọi thứ thế là chấm hết

Hy vọng thế!/

Dấu hỏi về tính độc lập tương đối của VPF

Năm 2012, khi đấu mạnh với VFF để thành lập VPF, trực tiếp đứng ra tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp Quốc gia, cựu bầu, cựu PCT Nguyễn Đức Kiên muốn tạo ra một tính độc lập tương đối với VFF - cái điều kiện quan trọng giúp VPF có thể tấn công vào hàng loạt nhiễu nhương của đời sống bóng đá, từ đó hy vọng có thể tổ chức giải theo một kết cấu - một văn hoá hoàn toàn mới. 

Quả nhiên là cái mới đã được thể hiện, và công tác tổ chức, điều hành giải có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Nhưng kể từ khi bầu Kiên xộ khám (vì những vấn đề kinh doanh, không liên quan gì tới bóng đá), VPF dần dần đánh mất đi tính độc lập tương đối của mình.

Giải năm ngoái, khi một nhân vật lâu năm ở VFF là ông Nguyễn Minh Ngọc được "cơ cấu" sang VPF đảm nhiệm vị trí trưởng giải, và ông Nguyễn Minh Ngọc vẫn tại vị cho đến lúc này thì đã có rất nhiều câu hỏi đặt ra: Rốt cách cách tổ chức, điều hành giải rồi có quay về với cái "văn hoá VFF" trước đây?

Hiện tại ở VPF vẫn có những người giàu tâm huyết, và muốn mang một hơi thở mới vào tổ chức này, điển hình như ông tân Tổng giám đốc Cao Văn Chóng. Chỉ sợ những người như thế là quá ít, quá lẻ loi?

Ngọc Anh  

Diệp Xưa
.
.
.