Nghịch lý V.League: Thành công vẫn thay hết ngoại binh
Á quân vẫn thay máu
Trên thị trường chuyển nhượng V.League 2019, đương kim Á quân CLB TPHCM chính là đội bóng có những thương vụ mua bán kỳ lạ nhất. Kết thúc giai đoạn 1, thay vì thanh lý chân sút đang gặp chấn thương là Matías Jadue, họ tiếp tục giữ anh ở lại CLB dù không đăng ký thi đấu ở lượt về. Người phải ra đi lại chính là Joel Vinicius, tiền đạo đang cạnh tranh vị trí Vua phá lưới.
Ngày Vinicius ra đi, nhiều thông tin dấy lên về nguyên nhân anh không còn chỗ đứng ở CLB TP HCM. Người nói anh không thể hiện thái độ tập luyện tích cực, người cho rằng anh có hợp đồng béo bở hơn ở Thái Lan. Nhưng rốt cục, điểm đến tiếp theo của Vinicius lại chính là SLNA. Không rõ cầu thủ này có chăm chỉ hơn hồi còn ở TP HCM hay không, nhưng sự thực là anh vẫn nổ súng đều đặn trong màu áo SLNA.
Chia tay Vinicius, TP HCM mang về Ismahil Akinade, một tiền đạo có nhiều năm thi đấu ở châu Âu. Họ cũng đưa về thêm Victor Mansaray, cầu thủ từng thuộc biên chế Bình Dương. Bộ đôi tiền đạo này cùng trung vệ Louis Ewonde và chân sút nhập tịch Huỳnh Kesley chơi không tồi chút nào. Họ tạo thành bộ khung ổn định giúp TPHCM cạnh tranh quyết liệt chức vô địch với CLB Hà Nội.
Nhưng cuối cùng, cả 4 cầu thủ kể trên đều phải ra đi khi mùa giải kết thúc. Tương tự là HAGL, đội bóng vừa thông báo thanh lý hợp đồng với thủ môn Wieger Sietsma, trung vệ Kim Bong-jin và tiền đạo Felipe Martins. Sau 2 đội bóng trên, Thanh Hóa cũng chia tay Gramoz Kurtaj, Rimario Gordon và Errol Stevens. Còn đối với ngoại binh ở những CLB còn lại, số ngày họ còn gắn bó với CLB chủ quản chỉ còn đếm từng ngày.
De Souza có 21 lần chuyển nhượng trong 11 năm. |
Trường hợp của những ngoại binh thuộc CLB Thanh Hóa và HAGL có thể coi là cuộc chia ly được dự báo từ trước. Họ chơi không quá nổi bật, và đội bóng của họ cũng chỉ có thể trụ hạng trong gang tấc. Tuy nhiên, điều khó hiểu là ngay cả những cầu thủ giỏi giúp mang về thành tích tốt như tại CLB TP HCM cũng phải ra đi. Điều tương tự cũng xảy ra ở CLB Viettel, đội bóng thanh lý nhiều ngoại binh nhất trong giai đoạn giữa mùa giải.
Kết thúc giai đoạn 1 V.League 2019, Viettel chấm dứt hợp đồng với cả 3 cầu thủ Brazil trong biên chế của họ, bao gồm cả đương kim Vua phá lưới Joao Paulo de Souza. Lý do được BLĐ Viettel đưa ra là De Souza ghi nhiều bàn thắng, nhưng hầu hết do gặp may chứ không phải vì anh xuất sắc. Rời Viettel, De Souza đến Thai League 2 khoác áo Army United và ghi đến 10 bàn chỉ trong giai đoạn lượt về.
Nghịch lý ngoại binh giỏi nhưng bị thanh lý hợp đồng vẫn luôn tồn tại ở V.League suốt những năm qua. Trên thực tế, những ngoại binh xuất sắc nhất trong lịch sử V.League thường là những người có số phận long đong nhất. 10 năm chơi bóng ở Việt Nam, Amaobi lang bạt từ Nam Định đến Đà Nẵng, Bình Dương, Bình Định, Đồng Nai. Ở nơi nào anh cũng chẳng gắn bó quá 2 năm rồi tìm một bến đỗ mới, thậm chí là chính CLB trước đó từng thanh lý hợp đồng với anh.
Không khá hơn nhưng vẫn thay
Akinade và Mansaray chỉ ghi lần lượt 4 và 5 bàn cho TP HCM trong giai đoạn lượt về V.League 2019, kém hơn Vinicius (6 bàn). Trong số các ngoại binh mới đến V.League ở giai đoạn giữa mùa giải, chỉ có Bruno Cantanhede chơi thực sự ấn tượng.
Dù chỉ khoác áo Viettel trong nửa cuối mùa giải, chân sút từng thuộc biên chế Sao Paulo vẫn ghi số bàn thắng đủ để giúp anh chia sẻ ngôi Vua phá lưới với Omar. Tương tự Viettel, những CLB khác ở V.League luôn nườm nượp đón ngoại binh đến, rồi đẩy họ đi và thay bằng một lớp ngoại binh khác.
Trùng hợp thú vị là phần lớn cầu thủ ngoại đều được các CLB sử dụng theo kiểu chuyền tay nhau. Nếu một người chấm dứt hợp đồng với CLB ở V.League, sẽ có một đội bóng khác cũng tại Việt Nam đón nhận họ. Không ít người có số lần chuyển đội ở Việt Nam chẳng thua kém gì Amaobi hay Huỳnh Kesley. Sử dụng ngoại binh theo kiểu bình mới rượu cũ nên thành tích của các CLB V.League cũng chẳng khá hơn với những con người họ chiêu mộ. Viettel có Bruno vẫn chỉ loanh quanh ở giữa BXH chứ không thể nhắm đến tốp đầu.
Tuy nhiên, ví dụ tiêu biểu nhất là trường hợp của Sanna Khánh Hòa. Sau giai đoạn 1, họ đưa về Patiyo (35 tuổi) và cầu thủ nhập tịch Nguyễn Trung Đại Dương (33 tuổi). Dù vậy, CLB này vẫn không thể thoát khỏi vị trí cuối bảng và chấp nhận xuống hạng. Trừ trường hợp Zarour có thể cân nhắc giải nghệ ngay bây giờ vì tuổi đã cao, 3 người kia hoàn toàn có thể ngồi chơi xơi nước một thời gian trước khi đầu quân cho 1 CLB khác ở V.League.
Thực tế chứng minh cách tốt nhất để sử dụng một ngoại binh là sử dụng cầu thủ đó lâu dài. Trước khi đến Quảng Nam, Hoàng Vũ Samson có 10 năm đã có 8 năm thành công trong màu áo CLB Hà Nội. Chu kỳ thành công của Hải Phòng dưới thời HLV Trương Việt Hoàng cũng có được nhờ bộ khung ngoại binh Stevens - Fagan trên hàng tiền đạo, và Văn Phú đá trung vệ. Tuy nhiên, các CLB vẫn luôn bỏ qua điều này mà tiếp tục xoay vòng ngoại binh. Nguyên nhân được cho là "tiền phế", khoản tiền lót tay cầu thủ hứa chia cho ban lãnh đạo CLB mỗi khi ký hợp đồng mới.
11 năm chuyển nhượng 21 lần Joao Paulo de Souza có thể mất cơ hội cạnh tranh ngôi Vua phá lưới V.League vì chấm dứt sớm hợp đồng với Viettel, nhưng có lẽ anh cũng chẳng mặn mà với danh hiệu cá nhân đó. Kể từ khi chơi bóng chuyên nghiệp vào năm 2008 đến nay, De Souza đã chuyển CLB đến 21 lần. Trong năm 2013 và 2016 anh còn lập kỷ lục khoác áo ở 4 CLB khác nhau. Chưa bao giờ De Souza gắn bó với một đội bóng quá 1 năm rưỡi, nên anh cũng hiếm khi đá cho một CLB nổi 15 trận. Giai đoạn 2008-2016 là khoảng thời gian De Souza lang bạt qua 16 đội bóng ở hạng dưới Brazil, cùng 1 CLB tại giải VĐQG Bolivia. Đến năm 2017, De Souza được giới thiệu đến Thái Lan thi đấu. Tuy vậy anh vẫn chẳng bỏ được thói quen thích nay đây mai đó. 3 năm ở Đông Nam Á, De Souza đã khoác áo 3 CLB Thái Lan cùng nửa năm đầu quân cho CLB Viettel. Sẽ không có gì lạ nếu như năm tới anh tiếp tục đến khoác áo một đội bóng khác. |