Lối đi riêng của bóng rổ chuyên nghiệp

Chủ Nhật, 19/05/2019, 09:15
Chiều 18-5, mùa giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam (VBA) năm 2019 chính thức khởi động với trận đấu đầu tiên của loạt trận giao hữu trước mùa giữa ThangLong Warriors với Danang Dragons ở Nhà thi đấu quận Tây Hồ (Hà Nội). Diễn ra vỏn vẹn trong hơn 4 tháng nhưng đến lúc này giải đấu đã tạo thành thương hiệu riêng có.

Giai đoạn chuẩn bị yên ả

Trong năm không có Đại hội Thể thao toàn quốc, công tác chuẩn bị của giải đấu trở nên “sóng yên bể lặng” hơn. Trong khi đó, giai đoạn chuẩn bị mùa giải năm 2018  thực sự khiến nhà tổ chức đau đầu. Khi ấy, ngành thể thao Cần Thơ muốn các cầu thủ có trong danh sách thi đấu tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018 phải được thi đấu cùng một đội ở giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam. Nhưng việc bốc thăm chọn người của các đội đã hoàn tất, không thể thay đổi. Thế mới có chuyện ngành thể thao Cần Thơ đặt thẳng vấn đề với các cầu thủ đang có hợp đồng với ngành rằng phải chọn VBA hoặc đơn vị chủ quản.

Cuối cùng một số cầu thủ quyết định dứt áo rời khỏi ngành thể thao Cần Thơ trong đó nổi tiếng nhất là Tô Quang Trung (thi đấu cho Thang Long Warriors). Họ quyết định gắn bó với các đội bóng ở VBA để được thi đấu trong môi trường giàu tính cạnh tranh. Tất nhiên, VBA cũng phải trải qua giai đoạn khó khăn khi vướng vào những việc không đáng có.

Nhưng đến mùa giải này, đã không còn những câu chuyện tương tự. Không có Đại hội Thể thao toàn quốc nên các cầu thủ đang có hợp đồng với các Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT thoải mái góp mặt ở các đội tham dự VBA 2019. Kỳ tuyển quân của VBA 2019 chỉ còn là những cuộc chia tay và cập bến thuần túy mang tính chuyên môn.

Không có ồn ào, không có tranh cãi, chỉ có chuyện đi ở đẫm nước mắt và đầy kỳ vọng. Điều đó đương nhiên tác động tích cực đến giải đấu. Rõ nhất trong số này là câu chuyện của cầu thủ kỳ cựu Nguyễn Thành Đạt – người đã gắn bó với Hanoi Buffaloes từ năm 2016 đến 2018.

Gắn bó với đội từ ngày đầu nhưng rồi từ định hướng phát triển mới của câu lạc bộ, Nguyễn Thành Đạt không có tên trong danh sách cầu thủ cần bảo vệ - không để các câu lạc bộ khác chọn lựa ở vòng tuyển chọn cuối cùng của mùa giải 2019, của Hanoi Buffaloes. Lập tức, đội bóng khác của thủ đô là ThangLong Warriors đã chọn ngay Nguyễn Thành Đạt. Và thế là Nguyễn Thành Đạt đến một đội bóng kình địch với Hanoi Buffaloes suốt 2 mùa giải qua.

Nguyễn Thành Đạt tiếp tục là cầu thủ gây chú ý ở giải bóng rổ chuyên nghiệp Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, một công thần của ThangLong Warriors là Tô Quang Trung lại chuyển đến Hanoi Buffaloes. Chỉ riêng điều này đã khiến người hâm mộ thủ đô thêm chờ đợi những cuộc đối đầu giữa hai đội bóng cùng thành phố đầy duyên nợ này. Đương nhiên, thương hiệu của giải đấu sẽ được đẩy lên.

Vấn đề khác được quan tâm là về số đội tham dự mùa giải bóng rổ chuyên nghiệp này. Từ 5 đội ở mùa giải 2016, giải tăng lên 6 đội từ năm 2017 và trong tính toán của các nhà tổ chức trước đây, hoàn toàn có thể nâng quy mô giải đấu với khoảng 8 đội. Những địa phương như Khánh Hòa, Hải Phòng từng được nhắm đến để xây dựng các đội bóng tham dự VBA. Nhưng nói dễ, làm khó.

Không dễ gây dựng một đội bóng rổ theo mô hình chuyên nghiệp nếu không có nền tảng nhất định về con người, tiềm lực tài chính, phong trào ở địa phương. Còn nếu chạy theo số lượng thì chất lượng, thương hiệu của giải đấu sẽ bị ảnh hưởng. Những nhà tổ chức hiểu như vậy nên vẫn chấp nhận một giải đấu với 6 đội nhưng có tính cạnh tranh cao và luôn trong tầm kiểm soát còn hơn là một giải đấu có nhiều đội hơn nhưng “nhạt” cả chất lẫn xây dựng hình ảnh.

Cơ hội để chứng tỏ

Từ 3 mùa giải gần đây, lý do khiến VBA hấp dẫn chính là mô hình thể thao giải trí mà nhà tổ chức theo đuổi. Khi VBA ra đời cũng là lúc người người hâm mộ thực sự hiểu rõ hơn về cách làm thể thao chuyên nghiệp có xen cài yếu tố giải trí. Thực tế, các nhà tổ chức không sáng tạo quá nhiều mà chỉ áp dụng mô hình đã thành công ở nhiều nền thể thao khác.

Để làm được điều đó còn cần nguồn tài chính lớn và đến lúc này, nhà tổ chức vẫn chưa thể khẳng định đã sinh lời trong khâu tổ chức. Nhưng rồi giải đấu vẫn được tổ chức, khi đã có những hiệu ứng tích cực như việc nhiều người tìm đến với bóng rổ hơn, giới trẻ coi việc đi xem VBA là một thú vui và VBA đã có những thần tượng để kéo khán giả đến kín nhà thi đấu. Xét cho cùng, đấy là yếu tố quan trọng để các nhà tổ chức cân đối được thu chi, đưa giải đấu trở thành sân chơi có thể sinh lợi thay vì phải bù lỗ.

Đến trước mùa giải này, những kỳ vọng vào một giải đấu mới lại được đề cập. Như ông Trần Chu Sa - Giám đốc điều hành của giải đấu khẳng định: “VBA năm nay sẽ là một mùa giải mới lạ và hấp dẫn hơn khi chính người hâm mộ mới là tâm điểm của mỗi trận đấu. Người hâm mộ chính là nền tảng để giúp giải đấu phát triển đến thời điểm hiện tại và tiếp tục đạt những bước tiến mới trong tương lai.

Người hâm mộ cũng chính là sức mạnh giúp các đội bóng thi đấu mạnh mẽ hơn trong mỗi trận đấu; thôi thúc sự ủng hộ của những nhà tài trợ và giúp giải đấu không ngừng tiến bộ hơn. Và người hâm mộ đã giúp bóng rổ Việt Nam được quan tâm và phát triển mạnh mẽ rộng khắp”. Không phải ngẫu nhiên khi đại diện nhà tổ chức nói ra điều này. Đến mùa giải trước, nhờ hiệu ứng từ số khán giả tăng dần đều trên khán đài và qua truyền hình, giải đấu mới có doanh nghiệp chấp nhận gắn tên với tên giải đấu.

Cũng theo ông Trần Chu Sa, những nhà tổ chức VBA sẽ hướng đến việc xây dựng một nền văn hóa độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều bạn trẻ yêu bóng rổ hơn và tiếp tục giữ chân các khán giả trung thành trước đó. Đương nhiên, mô hình ứng dụng thể thao giải trí sẽ được phát huy tối đa.

Đấy là điểm cộng của VBA so với nhiều giải đấu ở Việt Nam để biến  bóng rổ từ môn thi đấu ít được quan tâm trở thành một trong những môn thời thượng. Nhiều người hâm mộ, nhất là giới trẻ tìm đến VBA khi giải đấu đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn cũng như giàu tính giải trí với âm nhạc, giao lưu, tương tác.

Câu chuyện của VBA cũng là câu chuyện của nhiều giải đấu khác ở Việt Nam. Một bên muốn và dám thay đổi nên bước đầu gặt hái thành quả. Một bên vẫn còn dùng dằng, chưa thể thoát khỏi cách làm cũ. Vì thế, nếu mô hình của VBA có thể lan tỏa ở nhiều giải đấu khác thì hứa hẹn mang đến hiệu ứng tích cực cho thể thao Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là ai làm và có dám làm hay không?

Minh Hà
.
.
.