Điền kinh đủ nội dung thi đấu ở SEA Games 2019:

Không chỉ là câu chuyện ở một môn

Thứ Sáu, 24/05/2019, 09:06
Những nhà quản lý, huấn luyện viên và nhiều vận động viên điền kinh Việt Nam từng thắc thỏm suốt thời gian dài trước thông tin nước chủ nhà SEA Games 30 năm 2019 cắt giảm nội dung thi đấu. Nhưng sau những động thái mạnh mẽ và cứng rắn từ nhiều phía, điền kinh đã có đủ nội dung thi đấu cần thiết tại SEA Games 30. Đương nhiên, điền kinh cũng như các nhà quản lý thể thao Việt Nam hài lòng hơn cả.

Thành bại một phần tại điền kinh

SEA Games lần thứ 30 được dự báo là kỳ SEA Games khó khăn nhất với Đoàn Thể thao Việt Nam trong cả chục năm gần đây. Mục tiêu giành vị trí thứ ba toàn đoàn ở kỳ SEA Games này không còn trong tầm với của thể thao Việt Nam như một số kỳ trước đó. Ngoài Thái Lan, Philippines hầu như chắc chắn giành hai vị trí dẫn đầu, những đoàn còn lại như Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Singapore phải tranh vị trí thứ Ba toàn đoàn.

Thực tế, nếu chương trình thi đấu của SEA Games ổn định thì các nhà quản lý thể thao Việt Nam đã không rơi vào cảnh thắc thỏm như trên. Còn hiện tại, người trong cuộc vẫn phải chấp nhận nghịch lý mỗi kỳ SEA Games một chương trình thi đấu, kể cả những môn trong chương trình thi đấu của Olympic và ASIAD. Nếu cứ như công bố ban đầu của Ban Tổ chức SEA Games 30 vào tháng 12-2018 về số nội dung thi đấu của môn điền kinh thì Đoàn Thể thao Việt Nam sẽ chịu thiệt đáng kể.

Theo đó, những 8 nội dung gồm nhảy xa nữ, nhảy cao nữ, 5.000m nam - nữ, 10.000m nam – nữ, đi bộ nam - nữ đều không trong chương trình thi đấu. Điều này đồng nghĩa với việc điền kinh Việt Nam sẽ mất cơ hội giành khoảng 3-4 Huy chương vàng (HCV). Đáng chú ý, trong những nội dung này có cả nhảy xa nữ - nội dung mà điền kinh Việt Nam giành HCV ở ASIAD năm 2018 bởi vận động viên Bùi Thị Thu Thảo (Hà Nội).

Chuyện một nhà đương kim vô địch ASIAD ở môn cơ bản nhất của Olympic là điền kinh không có cơ hội thi đấu tại SEA Games ngay sau đó một năm bởi nội dung đó không trong chương trình thi đấu được xem là khó tin.

Ngay trước Tết Nguyên đán 2019, khi gặp báo giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn không giấu sự lo ngại về khả năng hoàn thành chỉ tiêu xếp thứ ba toàn đoàn ở SEA Games lần thứ 30 của đoàn Việt Nam do một loạt môn bị cắt giảm nội dung thi đấu trong đó có điền kinh. Theo ông Trần Đức Phấn, chỉ có cách bày tỏ quan điểm thẳng thắn với Ban Tổ chức SEA Games 30 thì mới có thể thay đổi tình hình.

Những nước tham dự SEA Games lần thứ 30 lên tiếng nên nhảy xa nữ và nhảy cao nữ sớm được đưa trở lại chương trình thi đấu. Dù vậy, vẫn còn 6 nội dung thi đấu khác ngoài cuộc chơi. Vì vậy, Liên đoàn điền kinh châu Á (AAA) và các đoàn khác phải tiếp tục phản ứng, gây sức ép.

Vận động viên Nguyễn Thị Thanh Phúc lại có cơ hội giành huy chương ở SEA Games 30.

Liên đoàn điền kinh châu Á đã có văn bản khuyến cáo Ban Tổ chức SEA Games 30 về việc cần thiết bổ sung đầy đủ các nội dung theo thông lệ, nếu không thì sẽ không chấp thuận tổ chức môn điền kinh tại SEA Games 30 năm 2019. Rõ ràng, sức ép từ phía Liên đoàn điền kinh châu Á đã có hiệu quả khi gần đây, Ban Tổ chức SEA Games lần thứ 30 chấp nhận đưa 6 nội dung thi đấu 5.000m, 10.000m, đi bộ nam nữ vào chương trình thi đấu. Như thế, môn điền kinh tại SEA Games lần thứ 30 đã đủ 48 nội dung thi đấu. Lúc này, điền kinh Việt Nam không còn lo lắng mất vị thế chỉ vì bị cắt giảm nội dung thi đấu.

Khả năng đóng góp 17 Huy chương vàng cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games tới lại được đặt ra. Trong khi đó, những vận đông viên tưởng không có cơ hội thi đấu ở SEA Games tới như Nguyễn Thị Thanh Phúc, Nguyễn Thành Ngưng (đi bộ) lại có điều kiện bổ sung huy chương vào bộ sưu tập và không phải đứng ngoài cuộc chơi SEA Games vì lý do khách quan. Như thế, khả năng giành vị trí thứ ba toàn đoàn của thể thao Việt Nam ở SEA Games lần thứ 30 cũng tăng đáng kể.

Bao giờ được như điền kinh?

Chuyện điền kinh đủ nội dung thi đấu ở SEA Games lần thứ 30 sau khi nhiều đoàn tham dự cũng như Liên đoàn điền kinh châu Á có ý kiến xem ra hiếm với nhiều môn khác. Với đặc thù của SEA Games nên số nội dung thi đấu ở nhiều môn luôn bất ổn. Điều đó khiến các đoàn tham dự lâm vào thế khó.

Rõ nhất là ở môn bi sắt. Người trong cuộc không khỏi ngậm ngùi khi hay tin SEA Games 30 sẽ chỉ có 4 nội dung thi đấu trong khi ở kỳ SEA Games 29 có tới 11 nội dung, còn ở SEA Games 28 là 7 nội dung.

Với việc SEA Games 30 chỉ có 4 nội dung thi đấu, bi sắt Việt Nam hầu như không có cơ hội giành Huy chương vàng do Thái Lan được dự báo sẽ giành đủ ngôi vô địch ở các nội dung tham dự. Không kể, sự cạnh tranh từ Campuchia cũng đáng kể. Chính vì vậy, ngay từ bây giờ, những nhà quản lý, huấn luyện viên bi sắt Việt Nam chỉ dám đặt mục tiêu giành huy chương cho các vận động viên nhà.

Ở môn Pencak Silat, hàng loạt nội dung đối kháng thế mạnh ở hạng cân nặng của Việt Nam cũng không trong chương trình thi đấu của SEA Games 30.

Nếu các đoàn tham dự đều có ý kiến về việc nước chủ nhà đặt ra số nội dung thi đấu không theo căn cứ thuyết phục nào thì vấn đề còn ở phản ứng của các Liên đoàn thể thao châu lục. Rõ ràng, câu chuyện ở môn điền kinh trở nên trọn vẹn khi Liên đoàn điền kinh châu Á lên tiếng. Quan trọng là Liên đoàn này đủ mạnh, đủ uy với từng nền thể thao quốc gia.Trong khi đó, nhiều môn tại SEA Games tới không phát triển tại Philippines nên vai trò của Liên đoàn thể thao châu lục các môn này cũng mờ nhạt, ít sức nặng hơn so với điền kinh.

Tuy nhiên, cái gốc vẫn phải là các nền thể thao ở Đông Nam Á cùng tìm được tiếng nói chung để tìm ra một khung ổn định về số môn, nội dung thi đấu của SEA Games. Nếu không, người trong cuộc sẽ còn mãi thắc thỏm trước mỗi kỳ công bố chương trình thi đấu SEA Games rồi mướt mải đề nghị nước chủ nhà thay đổi quyết định.

Lần đầu tiên có 48 nội dung thi đấu điền kinh

SEA Games 30 sẽ là kỳ SEA Games đầu tiên có tới 48 nội dung thi đấu. 2 nội dung lần đầu xuất hiện ở SEA Games là chạy hỗn hợp nam nữ 4x100m, 4x400m. Ngoài ra nội dung đi bộ nữ cũng thay đổi về cự ly trong đó thay vì thi đấu cự ly 20km như thường lệ, các vận động viên sẽ thi đấu ở cự ly 10km. Đây được xem là thử thách cho các vận động viên đi bộ nữ Việt Nam.

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.