Khi “gạo, tiền” được sử dụng đúng chỗ

Thứ Ba, 27/06/2017, 08:40
Bảng xếp hạng quần vợt nhà nghề nam thế giới vào ngày 26-6-2017 đã chứng kiến bước tiến nhanh chóng của tay vợt Trịnh Linh Giang khi tăng liền 306 bậc để xếp hạng 1.332 thế giới. Thứ hạng này chẳng đáng chú ý trong làng quần vợt thế giới nhưng lại làm rõ câu chuyện không cũ trong làng thể thao Việt Nam rằng khó có thể hy vọng nâng chất vận động viên nếu không đầu tư cho họ thi đấu quốc tế.

”Lên đời” từ những chuyến thi đấu quốc tế

Trong làng thể thao Việt Nam hiện nay, trường hợp tay vợt bóng bàn Nguyễn Anh Tú (Hà Nội) là điển hình về việc lấy thi đấu quốc tế làm bàn đạp nâng cao trình độ. Cách đây vài năm, Nguyễn Anh Tú vẫn chỉ là tay vợt có tiềm năng và chưa bộc lộ khả năng tranh chấp ngôi vô địch quốc gia. Nếu chỉ tập huấn ở trong nước, tay vợt này khó vươn xa. Đơn giản vì mặt bằng trình độ bóng bàn Việt Nam không đủ để giúp một tay vợt trẻ vươn tầm Đông Nam Á.

Trong bối cảnh ấy, định hướng đầu tư tiếp theo cho tay vợt này được Câu lạc bộ Bóng bàn Hà Nội (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội) đặt ra trong đó chú trọng đến tập huấn và thi đấu liên tục ở nước ngoài. Như Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bóng bàn Hà Nội Nguyễn Nam Hải từng lý giải thì chỉ có những giải đấu ở những nền bóng bàn hàng đầu thế giới mới giúp vận động viên bóng bàn Việt Nam nhanh chóng tiến bộ. Chính những sân chơi đó mới mang lại nhiều bài học, trải nghiệm cho vận động viên.

Chính đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia hiện tại cũng đi theo mô hình này. Tháng trước, đội đã bắt đầu có chuyến tập huấn tại Học viện thể thao Thượng Hải (Trung Quốc) trong một tháng rưỡi. Khi được phía bạn hỏi về nguyện vọng khi tập huấn tại đây thì huấn luyện viên trưởng Bùi Xuân Hà đã bày tỏ mong muốn Học viên tạo điều kiện cho vận động viên đội tuyển được thi đấu tại các giải đấu ở Trung Quốc trong đội hình của Học viện.

Nguyện vọng này được chấp nhận và đó có thể coi là thành công ban đầu của chuyến tập huấn. Huấn luyện viên Bùi Xuân Hà đã chia sẻ rằng, những cuộc đấu tại một nền bóng bàn hàng đầu thế giới sẽ làm tăng giá trị những cuộc tập huấn. Vì thế, ông đặt không ít hy vọng vào chuyến tập huấn lần này và hy vọng các học trò tiến bộ nhanh chóng.

Trường hợp của tay vợt Trịnh Linh Giang cũng bắt nguồn từ những việc liên tục tham dự những giải đấu quốc tế, dù chỉ là cấp độ Futures (thấp nhất trong làng quần vợt nhà nghề thế giới). Được đánh giá là không kém Lý Hoàng Nam nhưng do ít có cơ hội thi đấu quốc tế nên trình độ của Trịnh Linh Giang chựng lại. Cập bến quần vợt Bình Dương trong gần 2 năm qua, Trịnh Linh Giang được tạo điều kiện thi đấu quốc tế liên tục.

Lý Hoàng Nam nhận giải thưởng vô địch giải Thái Lan F3 Futures.

Anh nhận nhiều thất bại nhưng chính những trải nghiệm liên tục ở các sân chơi cấp độ Futures đã giúp Trịnh Linh Giang tiến bộ dựa trên nền tảng đã được gây dựng từ khi còn thi đấu cho quần vợt Hà Nội. Vài tháng qua, Trịnh Linh Giang đã tích lũy được điểm số trên bảng xếp hạng quần vợt nam nhà nghề thế giới.

Gần nhất, chiến thắng lần đầu tiên trước Lý Hoàng Nam (tại giải Thái Lan F2 Futures) đã giúp Trịnh Linh Giang lần đầu góp mặt ở tứ kết một giải đấu quốc tế. Nhờ vậy, anh mới tăng 306 bậc vươn lên xếp hạng 1.332 thế giới. Đây cũng là thứ hạng thế giới tốt nhất từ trước đến nay của Trịnh Linh Giang.

Phải có “đất diễn” 

Còn nhiều trường hợp khác trong làng thể thao Việt Nam được thi đấu quốc tế liên tục nên bứt phá ngoạn mục về trình độ đẳng cấp. Vấn đề phụ thuộc vào định hướng đầu tư của những nhà quản lý cũng như chính điều kiện của đơn vị chủ quản.

Trường hợp của Trịnh Linh Giang tại Hà Nội trước đây là điển hình. Đơn vị chủ quản là cơ quan nhà nước nên mọi chi phí đều phải dưa trên quy định về ngân sách. Thế nên, đơn vị chủ quản chỉ có thể đưa Trịnh Linh Giang đi tập huấn nước ngoài nhưng để đăng ký cho anh tham dự các giải quốc tế lại khó khăn vì lúc này, anh chưa có thứ hạng quốc tế. Muốn tham dự lại cần phải có vé đặc cách.

Nhưng đây là chuyện ngoài tầm với của quần vợt Hà Nội bởi Hà Nội lại thiếu những giải quốc tế để có thể trao đổi vé đặc cách với những giải quốc tế khác. Muốn tổ chức giải quốc tế tại Hà Nội lại phải mời được doanh nghiệp hỗ trợ tiền giải thưởng bởi kinh phí nhà nước chỉ lo được phần cứng như sân bãi, hậu cần, trọng tài...

Trong khi đó, rất khó khăn để tìm được doanh nghiệp hỗ trợ tổ chức giải quốc tế ở Hà Nội. Cái vòng luẩn quẩn ấy cũng là một trong những lý do để Trịnh Linh Giang đến với quần vợt Bình Dương – nơi có hệ thống giải quốc tế Futures hàng năm và có mối quan hệ đủ để đem lại vé đặc cách dự giải quốc tế ở nước khác cho vận động viên nhà.

Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp kinh phí của đơn vị chủ quản phải lo cho cả dàn vận động viên thay vì dồn cho 1-2 vận động viên để họ được thi đấu quốc tế liên tục. Vì vậy, biết rằng thi đấu quốc tế liên tục sẽ tốt cho vận động viên nhưng họ cũng chỉ có thể thực hiện cầm chừng.

Đôi lúc, cái khó bó cái khôn khiến những nhà quản lý, nhất là các trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, thành gặp khó khi muốn giữ quân hay nâng cao trình độ cho vận động viên. Thế nên mới cần sự xã hội hóa sâu rộng hơn, nhà quản lý đủ tầm cũng như quan hệ quốc tế để tạo điều kiện tốt nhất cho vận động viên phát huy hết khả năng, “lột xác” về chuyên môn.

Lý Hoàng Nam tạm lùi bước, chờ đột phá về thứ hạng

Cũng trên bảng xếp hạng quần vợt nam nhà nghề thế giới ngày 26-6-2017, Lý Hoàng Nam giảm 8 bậc để xuống hạng 537 nội dung đơn nam do để thua chính Trịnh Linh Giang tại giải Thái Lan F2 Futures.

Tuy nhiên, vào tuần tới, khi Hiệp hội Quần vợt nhà nghề thế giới cập nhật thành tích vô địch giải Thái Lan F3 Futures hồi cuối tuần qua, Lý Hoàng Nam sẽ lần đầu tiên có mặt trong nhóm 500 tay vợt hàng đầu thế giới – hoàn thành mục tiêu được đặt ra cách đây gần 2 năm.

Minh Nhật
.
.
.