Điền kinh: Đường tới Olympic 2020 còn nhiều gian nan

Thứ Ba, 18/02/2020, 08:41
Thành tích tại SEA Games 30 đã mở ra cơ hội góp mặt ở Olympic 2020 cho đội 4x400m hỗn hợp của điền kinh Việt Nam. Vấn đề giờ hoàn toàn nằm ở thầy trò của đội khi còn một cuộc đấu nữa vào tháng 6 để nâng cao thành tích, qua đó có thể được tham dự Olympic 2020.

Nội dung mới, cơ hội mới

Cách đây khoảng 3 năm, Liên đoàn Điền kinh thế giới đã quyết định đưa nội dung 4x400m hỗn hợp vào chương trình thi đấu quốc tế, trong đó có Olympic. Đây là nội dung thi đấu gồm 2 vận động viên (VĐV) nam, 2 VĐV nữ mỗi đội, thể hiện rõ sự cải cách về nội dung thi đấu, nhằm tăng sức hấp dẫn của điền kinh từ Liên đoàn Điền kinh thế giới.

Quyết định lập tức mở ra cơ hội cho nhiều nền điền kinh vốn mạnh về nội dung này. Đặc biệt, điền kinh Việt Nam còn nhìn thấy cả cơ hội ở việc gia tăng đơn vị phát triển các nội dung 400m. Lúc ấy, ông Dương Đức Thủy (hiện là chuyên viên quản lý bộ môn điền kinh của Tổng cục Thể dục thể thao) đã nhận định, việc xuất hiện nội dung 4x400m hỗn hợp sẽ khiến nhiều đơn vị đầu tư hơn cho nội dung 400m.

Nếu ít kinh phí, họ hoàn toàn có thể đầu tư chỉ cho tối thiểu 2 VĐV nam, 2 VĐV nữ là đủ người để tranh tài ở hầu hết nội dung thi đấu 400m tại giải đấu quốc gia. Trong khi đó, trước khi có nội dung hỗn hợp trên, nhiều nơi bắt buộc phải đầu tư cho 4 VĐV nam hoặc 4 VĐV nữ để còn thi đấu nội dung đồng đội bên cạnh nội dung cá nhân.

Còn ở cấp độ đội tuyển quốc gia, điền kinh Việt Nam cũng có thêm cơ hội dự Olympic 2020. Trước đây, điền kinh Việt Nam chỉ có thể trông vào suất dự Olympic ở nội dung cá nhân và không có cơ hội ở nội dung đồng đội. Đây là điều bình thường khi điền kinh Việt Nam không thể có đủ 4 VĐV có trình độ tương đương nhau để có thể đạt chuẩn tham dự nội dung đồng đội 400m tại Olympic. Nhưng khi nội dung hỗn hợp 4x400m được đưa vào chương trình thi đấu quốc tế, lập tức điền kinh Việt Nam nhìn thấy cơ hội.

Với thực lực của mình, điền kinh Việt Nam hoàn toàn có thể tìm được 2 VĐV nam, 2 VĐV nữ để tạo nên một đội hình mạnh so với nhiều đội tuyển khác. Điều này lại càng có ý nghĩa khi chuẩn tham dự Olympic 2020 của nội dung cá nhân 400m và 400m rào nữ - được xem là thế mạnh của điền kinh Việt Nam, đã nâng lên đáng kể so với chuẩn tham dự Olympic 2016 – nơi Nguyễn Thị Huyền đã giành vé dự tranh ở cả nội dung 400m và 400m hỗn hợp. Điều đó đồng nghĩa cơ hội giành vé cá nhân nội dung 400m và 400m rào nữ tham dự Olympic 2020 của điền kinh Việt Nam đang vơi đi nhiều.

Hiện tại thành tích của hai VĐV 400m nữ hàng đầu Việt Nam là Quách Thị Lan và Nguyễn Thị Huyền đều rất xa chuẩn tham dự Olympic 2020 ở nội dung 400m và 400m rào. Đơn cử, ở nội dung 400m rào, thành tích giúp  Quách Thị Lan lên ngôi vô địch tại Giải điền kinh vô địch châu Á 2019 là 56 giây 10 trong khi chuẩn tham dự Olympic 2020 là 55 giây 40. Nguyễn Thị Huyền lại chỉ đạt thành tích 56 giây 90 tại SEA Games 30 năm 2019. Thành tích này giúp Nguyễn Thị Huyền giành Huy chương vàng SEA Games 30 nhưng lại rất xa chuẩn tham dự Olympic 2020.

Trong khi đó, trên bảng xếp hạng hiện tại của Liên đoàn Điền kinh thế giới, đội 4x400m hỗn hợp Việt Nam đang xếp hạng 17. Còn theo điều lệ của Liên đoàn Điền kinh thế giới, sẽ chọn 16 đội tham dự Olympic 2020.

Đội tuyển 4x400m hỗn hợp giành ngôi vô địch SEA Games 30.

Không còn nhiều cơ hội

Thoạt nghe, tưởng như đội tuyển 4x400m hỗn hợp Việt Nam đã tiệm cận nhóm đoạt vé tham dự Olympic 2020. Ông Dương Đức Thủy, chuyên viên quản lý bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao) phân tích: “Trong 16 đội này, đương nhiên sẽ có 8 đội đứng đầu tại Giải điền kinh vô địch thế giới năm 2019. Theo kết quả trên, 8 đội đã giành vé góp mặt ở nội dung trên tại Olympic 2020 là Mỹ, Jamaica, Bahrain, Anh, Ba Lan, Brazil, Ấn Độ, Bỉ. Nếu 8 đội này đều thuộc nhóm 16 đội hàng đầu thế giới nội dung 4x400m hỗn hợp  trên bảng xếp hạng của Liên đoàn Điền kinh thế giới thì cơ hội sẽ nhiều hơn với điền kinh Việt Nam”.

Điều đó cũng có nghĩa, nếu có đội nào trong 8 đội đã giành vé dự Olympic 2020 không thuộc nhóm 16 đội hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng của Liên đoàn Điền kinh thế giới thì cơ hội của đội tuyển Việt Nam sẽ ít hơn. Cũng may, cả 8 đội trên đều thuộc nhóm 16 đội hàng đầu thế giới nên đội tuyển Việt Nam vẫn còn nhiều cơ hội.

Thành tích tốt nhất của đội tuyển 4x400m hỗn hợp Việt Nam là 3 phút 19 giây 50, đang kém gần 1 giây so với đội xếp hạng 16 thế giới . Theo ông Dương Đức Thủy, với nội dung tiếp sức 4x400m, hoàn toàn có thể cải thiện thông số này. Nhưng cũng phải tính đến tình huống là các chân chạy Việt Nam tiến bộ thì đối thủ cũng tiến bộ. Ở đây đối thủ không chỉ là đội xếp trên mà còn là đội xếp dưới, có thể vượt qua đội tuyển Việt Nam để vào nhóm giành vé dự Olympic 2020.

Cũng vì vậy, vấn đề hoàn toàn thuộc về đội tuyển điền kinh Việt Nam. Ngay từ đầu năm 2020, những VĐV có khả năng tranh chấp vé tham dự Olympic 2020 đã được tập trung trong đó có đội 4x400m hỗn hợp. Những chân chạy chủ chốt của đội như Quách Thị Lan và Trần Nhật Hoàng vẫn đang gặp vấn đề với chấn thương dù mức độ không nghiêm trọng. Còn việc đi tập huấn nước ngoài trong thời gian này cũng không thể thực hiện do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19. Thế nên càng cần đến nỗ lực và ý chí của vận động viên trong đội. Cơ hội của đội cũng chỉ trông vào giải đấu quốc tế vào tháng 6 tới (dự kiến ở Trung Quốc).

Ở đó, nếu cải thiện được thành tích thì có hy vọng dự Olympic 2020. Còn nếu thành tích không thay đổi so với SEA Games 30 hoặc chưa đạt mức 3 phút 18 giây 77, mức thành tích của đội Nhật Bản – xếp thứ 16 thế giới thì điền kinh Việt Nam sẽ phải chia tay giấc mơ tham dự Olympic 2020 ở nội dung này.

Trông đợi thêm vào đi bộ

Ngoài đội tuyển 4x400m hỗn hợp, hy vọng tham dự Olympic 2020 của điền kinh Việt Nam đang được đặt vào các VĐV đi bộ. Hiện tại, hy vọng số 1 của điền kinh Việt Nam ở nội dung đi bộ là VĐV Phạm Thị Thu Trang.  Tại Olympic 2016, điền kinh Việt Nam cũng giành 1 suất tham dự ở nội dung đi bộ nam (Nguyễn Thành Ngưng).

Minh Khuê

Minh Hà
.
.
.