Đại hội thể thao toàn quốc năm 2018: Không còn thế độc tôn
Thay nhau nắm giữ ngôi đầu
Từ trước đến nay, cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh luôn đầu tư, phát triển nhiều hơn hẳn về số môn thể thao thành tích cao so với các địa phương, ngành khác. Ngôi vị dẫn đầu Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc đương nhiên cũng chỉ là cuộc ganh đua giữa hai đơn vị vốn đóng góp nhiều vận động viên và huy chương nhất cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại nhiều kỳ Đại hội Thể thao quốc tế.
Trong 3 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc đầu tiên, TP Hồ Chí Minh dễ dàng chiếm ngôi đầu. Còn trong 4 kỳ Đại hội TDTT toàn quốc gần đây, Hà Nội đều dẫn đầu. Riêng kỳ Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, Hà Nội đã cầm chắc ngôi đầu từ khi Đại hội chưa diễn ra. Lúc ấy, dù chưa tính số huy chương SEA Games được quy đổi ra huy chương của Đại hội TDTT toàn quốc, Hà Nội cũng có thể tự tin giành ngôi đầu nhờ có nhiều môn đang dẫn đầu toàn quốc.
Trong khi đó, thể thao TP Hồ Chí Minh đang gây dựng lại lực lượng sau thời gian dài sa sút nên hầu như không có cơ hội cạnh tranh ngôi đầu.
Với những nhà quản lý thể thao Hà Nội, giành ngôi đầu tại Đại hội TDTT (nay là Đại hội Thể thao toàn quốc) như việc đương nhiên. Mức đầu tư cho thể thao thành tích cao Hà Nội luôn trong nhóm đầu cả nước. Nhờ đó, Hà Nội mới có hệ thống trên 30 môn thể thao thành tích cao với mức đầu tư cả trăm tỷ đồng/ năm, cũng như có hệ thống cơ sở vật chất phục vụ tập luyện quy mô lớn nhất cả nước.
Đến nay, mô hình trường Văn hóa – Thể thao trong quần thể khu nhà ở, tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Hà Nội vẫn là hình mẫu để nhiều địa phương học tập, mơ ước. Ngoài ra, chưa địa phương nào trên cả nước có hệ thống Nhà thi đấu dày đặc như Hà Nội.
Vì thế, khi An Giang không còn đáp ứng điều kiện đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 (không đủ cơ sở vật chất) thì Hà Nội đã được tính đến đầu tiên trong các địa phương có thể thay thế đăng cai.
Kỳ thủ Trần Tuấn Minh được hy vọng sẽ giành ngôi vô địch cho thể thao Hà Nội tại Đại hội Thể thao toàn quốc năm 2018. |
Sẽ là cuộc so kè gay cấn
Cho đến những ngày cuối năm 2017, khi cân đong đo đếm về khả năng giành ngôi đầu tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII năm 2018, những nhà quản lý thể thao Hà Nội không khỏi lo lắng. Sự xuất hiện của môn lặn, vốn không có trong dự thảo Đề án tổ chức Đại hội Thể thao toàn quốc, đã khiến khả năng cạnh tranh ngôi đầu Đại hội của TP Hồ Chí Minh tăng lên rõ rệt.
Đây là môn thế mạnh của thể thao TP Hồ Chí Minh trong khi hiện là điểm yếu của thể thao Hà Nội. Môn này từng phát triển mạnh ở Hà Nội nhưng rồi đã đánh mất vị thế.
Cho nên, ngay từ bây giờ, những nhà quản lý thể thao Hà Nội đã nói rằng thể thao Hà Nội sẽ phải gom từng tấm HCV để khẳng định ngôi đầu thay vì thong dong như một số kỳ Đại hội gần đây. Ngay cả việc giao kế hoạch, chỉ tiêu cho từng bộ môn của thể thao Hà Nội tại Đại hội Thể thao Thủ đô cũng chặt chẽ và theo hướng tăng huy chương so với đề xuất của các bộ môn.
Tất cả cũng xuất phát từ thực tế của một số môn mũi nhọn trước đây của thể thao Hà Nội giờ lại sa sút đáng kể. Bơi, lặn, canoeing, đá cầu trong nhiều năm từng là thế mạnh của thể thao Hà Nội, nhưng nay không còn trong nhóm dẫn đầu cả nước. Muốn đưa những môn này trở lại vị thế trước đây cũng khó bởi sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức, kinh phí đầu tư.
Trong khi đó, thể thao TP Hồ Chí Minh cũng vươn lên mạnh mẽ ở chính những môn mũi nhọn trước đây của Hà Nội như cử tạ, wushu, bắn súng, thể dục dụng cụ... Điều đó sẽ khiến cách biệt về huy chương giữa hai đoàn bị thu hẹp đáng kể. Còn những môn như bơi, lặn, võ cổ truyền, vovinam, nội dung quyền của môn taekwondo, thể dục aerobic, judo, thể hình… đang trội hơn so với đoàn Hà Nội nên sẽ tác động đáng kể đến thứ hạng toàn đoàn của thể thao Hà Nội với TP Hồ Chí Minh.
Còn thể thao Hà Nội chỉ trông vào một số môn thế mạnh như wushu, pencak silat, bắn cung, kiếm quốc tế, vật… để hy vọng tạo nên sự đột phá trên bảng xếp hạng toàn đoàn. Những môn khác như taekwondo, karatedo, cử tạ, boxing nữ, cầu lông, bóng ném, bi sắt, bowling, thể dục dụng cụ, bóng bàn… chỉ có thể ngang ngửa hoặc nhỉnh hơn so với thể thao TP Hồ Chí Minh và một số đoàn khác. Những nhà quản lý thể thao Hà Nội cũng đang tính đến hàng loạt phương án đầu tư, tập huấn để nâng chất đội ngũ vận động viên.
Bên cạnh đó, họ cũng hy vọng rằng, chế độ tiền thưởng được áp dụng từ cuối năm ngoái sẽ giúp huấn luyện viên, vận động viên giàu động lực hơn.
Gần một năm nữa, Đại hội Thể thao toàn quốc – nơi đánh giá sự phát triển, hiệu quả đầu tư cho thể thao thành tích của một địa phương theo chu kỳ 4 năm/ lần sẽ diễn ra ngay tại Hà Nội. Cả hai đơn vị hàng đầu như đã nói ở trên sẽ còn gần một năm chuẩn bị nước rút cho tham vọng lật đổ và hy vọng giữ vững vị thế. Ngay từ bây giờ, cuộc so kè giữa hai đơn vị mạnh là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã được chờ đợi.