Cho lần đầu tiên tại ASIAD
- Thêm hi vọng cho điền kinh Việt Nam tại Asiad và Olympic
- Chưa thể khẳng định máy bay AirAsia đã rơi xuống biển
2 mục tiêu HCV trong một kỳ Đại hội
Những ngày đầu năm 2018, Bộ trưởng Bộ VH, TT& DL Nguyễn Ngọc Thiện đã đặt ra mục tiêu giành tối thiểu 3 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam tại ASIAD 2018 – Đại hội thể thao quan trọng nhất trong năm của Thể thao Việt Nam. Đây là mục tiêu khó với những người quản lý, điều hành Thể thao Việt Nam bởi lần gần nhất Việt Nam giành 3 HCV tại ASIAD diễn ra cách đây đã 12 năm.
Từ sau đó, Thể thao Việt Nam đều chỉ giành được 1 HCV tại ASIAD 2010 và ASIAD dù lực lượng được đánh giá là mạnh hơn, đồng đều hơn và mức đầu tư cũng lớn hơn rất nhiều so với giai đoạn trước 2006. Với những nhà quản lý và HLV Việt Nam, mục tiêu trên là thách thức cực lớn dù Thể thao Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong vài năm qua, trong đó rõ nhất là việc lần đầu giành ngôi vô địch ở Olympic (năm 2016, bởi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở môn Bắn súng).
Hoàn thành mục tiêu giành 3 HCV tại ASIAD 2018 đã khó nhưng giành được 1 HCV trong số này ở nhóm môn Olympic lại là thách thức khó không kém. Không ngẫu nhiên khi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) Trần Đức Phấn đã chia sẻ rằng, dù tấm mọi HCV tại ASIAD 2018 có giá trị như nhau nhưng sẽ là tuyệt vời hơn cả nếu Đoàn Thể thao Việt Nam giành được ít nhất 1 HCV ở nhóm môn Olympic.
“Mọi tấm HCV tại ASIAD đều có giá trị như nhau với các VĐV Việt Nam. Sẽ rất quý và đáng trân trọng nếu VĐV Việt Nam giành HCV ở những môn như Karatedo, Wushu hay sắp tới là cả Pencak Silat. Tuy nhiên, tấm HCV ở nhóm môn Olympic sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt, đánh dấu sự phát triển ở nhóm môn này của thể thao Việt Nam. Dù sao, Thể thao Việt Nam chưa từng lên ngôi vô địch ở nhóm môn này nên đây sẽ là thách thức không nhỏ” – ông Trần Đức Phấn nói.
Đấy là mục tiêu đã được Thể thao Việt Nam theo đuổi từ khi tham dự đấu trường ASIAD vào năm 1990 tại Trung Quốc. Trong hơn chục tấm HCV ở những kỳ ASIAD từ năm 1990 đến nay, không có tấm HCV ở nhóm môn Olympic. 2 tấm HCV môn Taekwondo của Trần Quang Hạ ở ASIAD 1994 và Hồ Nhất Thống ở ASIAD 1998 đều đến khi môn thi đấu này chưa có tên trong chương trình thi đấu của Olympic. Đến khi Taekwondo góp mặt ở Olympic thì các võ sĩ Việt Nam chỉ có thể chạm đến tấm Huy chương Bạc.
Tương tự vậy là trường hợp của các võ sĩ Karatedo. Từ năm 2002 đến 2010, các võ sĩ Karatedo Việt Nam giành đến 4 tấm HCV ở đấu trường ASIAD trong khi năm 2014 lại không có võ sĩ lên ngôi vô địch. Phải đến 2020, Karatedo mới được góp mặt ở Olympic. Thế nên cũng không thể coi là thể thao Việt Nam đã giành được HCV ở nhóm môn Olympic ở ASIAD.
Trong lần tham dự ASIAD gần đây nhất, thể thao Việt Nam cũng chỉ giành được 1 HCV bởi Dương Thúy Vi ở môn Wushu (không có tên trong chương trình thi đấu của Olympic). Còn trong lần này, 2 mục tiêu cùng được đặt ra (giành tối thiểu 3 HCV và 1 HCV trong số này thuộc nhóm môn Olympic) thực sự là bài toán không dễ giải.
VĐV Lê Tú Chinh được đầu tư mạnh mẽ cho ASIAD 2018. |
Đợi nhóm trọng điểm lên tiếng
Ngay lúc này, không nhiều VĐV Việt Nam có đến 50% cơ hội giành ngôi vô địch ở ASIAD 2018. Như tính toán của ông Trần Đức Phấn thì chỉ có khoảng 10 VĐV có thể đáp ứng nhiệm vụ giành 3 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong số này, quá nửa là số VĐV ở nhóm môn ngoài Olympic như Pencak Silat, Wushu và có thể là Karatedo khi môn này chưa chính thức góp mặt ở Olympic 2020.
Còn trong nhóm môn Olympic, chỉ có số ít VĐV có thể đáp ứng nhiệm vụ giành HCV. Taekwondo, Bắn cung, Đua thuyền (Rowing và Canoeing), Xe đạp, Vật có VĐV đạt đến đẳng cấp hàng đầu châu lục nhưng khả năng giành HCV tại ASIAD 2018 vẫn đầy chông chênh. Còn trong nhóm 5 môn thể thao trọng điểm gồm Bắn súng, Bơi, Điền kinh, Cử tạ, Thể dục dụng cụ cũng chỉ có một số gương mặt mặt đáng chú ý.
Trong làng điền kinh đang sở hữu nhà vô địch nhảy xa châu Á Bùi Thị Thu Thảo. Thành tích trong 2 năm gần đây của Bùi Thị Thu Thảo luôn ổn định, giúp cô ở nhóm đầu châu lục. Thế nhưng, bản lĩnh của cô gái Hà Nội còn phải được thử thách nhiều hơn vì áp lực sẽ rất lớn với một ứng cử viên vô địch ở sân chơi ASIAD. Đã vậy, khoảng cách 10-15cm trong môn nhảy xa rất dễ bị san lấp nên chính Thu Thảo cũng không dám chắc về khả năng giành HCV ở ASIAD 2018. Cô gái người Ba Vì chỉ dám đặt mục tiêu thi đấu hết mình và hy vọng vào một chút may mắn để có thể lên ngôi vô địch.
Ngoài Bùi Thị Thu Thảo, điền kinh Việt Nam còn một số gương mặt sáng giá như Lê Tú Chinh, Nguyễn Thị Huyền, Quách Thị Lan… Tuy nhiên, Nguyễn Thị Huyền đã không còn tập luyện, thi đấu do chuẩn bị thực hiện thiên chức làm mẹ. Còn Lê Tú Chinh và Quách Thị Lan cũng chỉ trong nhóm 10-15 VĐV có thành tích tốt nhất tại châu lục.
Một gương mặt khác được kỳ vọng là Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng. Nhà vô địch Olympic 2016 này đang trải qua gia đoạn điều chỉnh về kỹ thuật bắn nên sự thành công hay thất bại vẫn bỏ ngỏ. Không ai dám chắc về khả năng giành HCV tại ASIAD 2018 của Hoàng Xuân Vinh dù anh đang vô địch Olympic. Thất bại của Hoàng Xuân Vinh ở SEA Games 29 năm 2017 chỉ 1 năm sau thành công tại Olympic 2016 đã cho thấy anh vẫn phải trông vào vận may để có thể lên ngôi vô địch ASIAD 2018.
Còn Nguyễn Thị Ánh Viên (Bơi), Thạch Kim Tuấn (Cử tạ), Lê Thanh Tùng (Thể dục dụng cụ) cũng không có nhiều cơ hội giành HCV ở ASIAD 2018 do ở những nội dung thi đấu của họ đều hội tụ những cao thủ trong nhóm đầu thế giới.
Rõ ràng, không dễ để thể thao Việt Nam sở hữu được tấm HCV tại ASIAD 2018 ở nhóm môn Olympic. Tuy vậy, đặt ra mục tiêu khó cũng là cách để thoát khỏi vòng an toàn về thành tích bởi nhờ đó, các thành viên trong Đoàn sẽ được tiếp thêm động lực để tạo nên những dấu mốc mới cho Thể thao Việt Nam.
Cô trò Nguyễn Thanh Hương – Lê Tú Chinh lên đường tu luyện tại Mỹ Ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, VĐV nữ số 1 cự ly ngắn trong môn Điền kinh của Việt Nam là Lê Tú Chinh và HLV Nguyễn Thanh Hương đã lên đường sang Mỹ tập huấn dài hạn trong một chương trình đầu tư đầy tham vọng của TP Hồ Chí Minh và Tổng cục TDTT. Việc tập huấn tại đây cũng nhắm thực hiện trọn vẹn mục tiêu lọt vào nhóm 3 VĐV đứng đầu tại ASIAD 2018 của Lê Tú Chinh. Rút kinh nghiệm từ những chuyến tập huấn dài hạn không thành công tại Mỹ của một số VĐV Việt Nam trước đây, quy trình quản lý dinh dưỡng, chế độ sinh hoạt của Lê Tú Chinh sẽ chặt chẽ hơn rất nhiều nhằm phát huy hết tố chất của cô. Minh Khuê |