Bóng đá đồng bằng sông Cửu Long giải hạng Nhất cũng không trụ nổi!

Thứ Năm, 22/10/2020, 08:38
Giải hạng Nhất quốc gia 2020 đang đi đến những vòng đấu cuối. Đây là giai đoạn căng thẳng nhất khi số phận các đội có thể chỉ được quyết định chỉ bằng một khoảnh khắc.

Đáng chú ý trong nhóm những đội cuối bảng có đến 3 đội bóng thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là Cần Thơ, Đồng Tháp và Long An.

Số phận nghiệt ngã

Đồng Tháp và Long An đang là hai đội bóng phải cạnh tranh quyết liệt để thoát khỏi “cửa tử”. XSKT Cần Thơ cũng chỉ đứng ngay trên hai vị trí đội sổ. Giải hạng Nhất 2020 thực sự là cột mốc đáng buồn đánh dấu sự sa sút không phanh của các đội bóng miền Tây.

Đồng Tháp có lẽ là cái tên gây tiếc nuối nhất. Đội bóng xứ bưng biền từng có thời gian làm mưa làm gió ở sân chơi V.League, là cái nôi sản sinh ra những hảo thủ kiệt xuất một thời như Trần Công Minh, Huỳnh Quốc Cường nhưng đã sa sút không phanh thời gian qua. Đội bóng có biệt danh “Đàn cò vàng” từng hai lần vô địch quốc gia các năm 1989 và 1996 nhưng bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng khi những lứa cầu thủ kế cận không còn đủ sức gánh vác. Đồng Tháp từng nhiều lần lên xuống hạng, lập kỷ lục 4 lần bị “rơi” khỏi V.League và đang đứng trước nguy cơ tụt xuống giải hạng Nhì.

Long An, đối thủ cạnh tranh với Đồng Tháp cũng từng là nhà vô địch V.League các năm 2005, 2006. Đó là khi đội bóng này được biết đến với cái tên Gạch Đồng Tâm Long An với những ngôi sao chói sáng như thủ môn Phan Văn Santos, Minh Phương, Tài Em trong đội hình được dẫn dắt bởi thầy phù thủy Henrique Calisto. Thế nhưng Long An giờ chỉ là cái bóng mờ của thời hoàng kim xa xưa. Kể từ khi ông bầu Võ Quốc Thắng từ bỏ bóng đá, CLB cũng xuống dốc thảm hại.

Gần đây nhất là XSKT Cần Thơ. XSKT Cần Thơ có mặt tại sân chơi V.League trong 4 mùa giải (từ 2015-2018) nhưng thứ hạng chỉ lần lượt là 11, 11, 13 và rớt hạng. Việc đội bóng này xuống hạng sau mùa năm 2018 khiến mùa 2019 hoàn toàn  thiếu vắng các đại diện khu vực miền Tây ĐBSCL. Đội XSKT Cần Thơ tại mùa giải năm nay có lực lượng được trẻ hóa, gồm 27 cầu thủ dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Hữu Đang đặt ra nhiệm vụ hoàn thành mùa giải 2020 phải vào tốp 6. Nhưng bây giờ, vị trí của họ chỉ là ngay phía trên hai đội bóng bét bảng. Ngày trở lại V.League với Cần Thơ có lẽ còn rất xa vời.

Tính từ thời điểm Kiên Giang rớt hạng và bỏ bóng đá năm 2013, rồi đến An Giang rớt hạng năm 2014, hay Đồng Tháp và Long An cứ lên xuống hạng liên tục, bóng đá ĐBSCL thực ra chưa có đội bóng nào thực sự thi đấu ổn định ở V.League.

Hai câu lạc bộ Đồng Tháp và Long An phải cạnh tranh để tránh suất xuống hạng.

Đầu tiên là… tiền đâu?

Sự sa sút và dần biến mất trên bản đồng bóng đá Việt Nam có thể tóm gọn nguyên nhân  trong một chữ 'Tiền'. XSKT Cần Thơ khi mới lên hạng, được bơm tiền và mua sắm ào ạt với nhóm cầu thủ Nghệ An (Thế Nhật, Thế Cường, Quang Tình, Văn Khánh, Quế Ngọc Mạnh...) nhưng khi Công ty XSKT Cần Thơ hết tiền, họ cũng không thể giữ chân các cầu thủ giỏi và đối mặt với việc chảy máu lực lượng nghiêm trọng.

Long An thì hằng năm vẫn phải đi gõ cửa từng công ty trong Cảng Long An để mỗi đơn vị cung cấp tài chính nuôi đội. Đồng Tháp thì giờ chỉ còn cái tên và cái bảng ở khán đài B sân Cao Lãnh "Vượt qua khó khăn bóng đá, Đồng Tháp luôn tự tin và phát triển" chỉ còn mang ý nghĩa tượng trưng.

Nguồn tài chính hạn hẹp buộc các đội phải sống theo kiểu cầm chừng và chờ đợi sự trợ giúp từ các “Mạnh Thường Quân” hoặc chính quyền. Điều đó khiến cho lực lượng các đội bóng luôn rơi vào cảnh biến động khi phải “liệu cơm gắp mắm”, đưa về những cầu thủ phù hợp với tình hình tài chính. Hiểu rõ tình hình đó, mục tiêu của các đại diện ĐBSCL hồi đầu mùa giải chỉ là trụ hạng. Chỉ có điều ít ai nghĩ rằng vào giai đoạn cam go nhất thì 3 đội bóng bét bảng đều là những… người hàng xóm thân thiết.

Để bóng đá phát triển mạnh cần có nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải có cơ chế thoáng để cho doanh nghiệp làm bóng đá, cổ phần hóa bóng đá. Đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An cho hay, ngân sách của tỉnh không được phép đầu tư cho bóng đá đỉnh cao, trong khi doanh nghiệp hỗ trợ cho đội bóng thì không ổn định và nguồn tiền hỗ trợ tùy vào tình hình thực tế kinh doanh của họ. Hiện tại, đội bóng Long An duy trì thi đấu ở hạng Nhất quốc gia cũng đã là sự nỗ lực.

Ngoại trừ giai đoạn Gạch Đồng Tâm của ông bầu Võ Quốc Thắng, các đội bóng miền Tây đang mỏi mắt tìm những nhà tài trợ tâm huyết với bóng đá. Những nhà tài trợ chỉ đầu tư trong thời gian ngắn khiến cho các đội bóng ở ĐBSCL rất khó tìm được sự ổn định. Ngoại trừ những cái tên vừa nêu, Cà Mau vừa thử sức một mùa hạng Nhất 2017 cũng đã dừng cuộc chơi. Vĩnh Long, Tiền Giang, Bến Tre cố gắng duy trì đội ở các giải đấu thấp, song trên thực tế cũng không hơn những đội bóng phong trào là mấy.

Con đường để bóng đá miền Tây quay trở lại vẫn còn rất gian nan. Trong thời buổi bóng đá kim tiền, thật khó để hy vọng các đội bóng sẽ tự vực dậy bản thân từ nguồn lực sẵn có. Đồng Tháp, nơi vẫn được xem là “mỏ vàng” tài năng của bóng đá ĐBSCL thì lại vừa mới chịu một đòn đau khi 11 cầu thủ của đội U21 nhận án kỷ luật của VFF vì tham gia bán độ trong trận đấu với U21 Vĩnh Long tại vòng loại U21 quốc gia 2019.

Xem ra ngày mà bóng đá ĐBSCL thực sự lấy lại hình ảnh vẫn còn xa xôi lắm, thậm chí cần một phép mầu!

Ánh hào quang đã tắt

13 tỉnh, thành ở ĐBSCL chiếm 13% diện tích (40.547,2 km²) cả nước, 18% dân số (gần 18 triệu người) nhưng giờ đây không còn đội bóng nào tại V.League.

Giải vô địch bóng đá toàn quốc A1 đầu tiên phía Nam có đến 10/18 đại diện. Ngoài 4 đại diện của TP Hồ Chí Minh là Cảng Sài Gòn, Hải Quan, Công nghiệp thực phẩm, Sở Công nghiệp; có 4 đội bóng của miền Đông và Tây Nam Bộ: Tây Ninh, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp. Mùa giải chuyên nghiệp đầu tiên V.League 2004 vẫn còn 4/12 CLB đến từ phía Nam: ĐTLA, B.Bình Dương, Đồng Tháp, Ngân hàng Đông Á. Có giai đoạn ĐBSCL có đến 5 đội góp mặt ở V.League mà thời hoàng kim là 2 chức vô địch của Đồng Tháp (năm 1989 và 1996) và Gạch Đồng Tâm Long An (năm 2005 và 2006, cùng 3 chức á quân).

Đáng chú ý, sân Cần Thơ hiện nay là sân sức chứa lớn nhất trong các sân vận động Việt Nam với 60.000 chỗ. Ngày 28/10/2014, sân ghi nhận kỉ lục Việt Nam khi có 70.000 CĐV đến theo dõi trận đấu giữa 2 đội U19 Việt Nam và U19 Thái Lan.

Đơn Ca
.
.
.