Bóng đá Việt Nam sau SEA Games 29: Mổ & Xẻ
Cần trở lại với với những thời điểm cuối cùng của “triều đại” Toshiya Miura, đấy là lúc mà sự chán chường của ông bầu, Phó Chủ tịch VFF Đoàn Nguyên Đức với nhà cầm quân này đã lên đến cực điểm. Cả trong những cuộc họp thường trực Liên đoàn lẫn trong những cuộc trả lời báo chí, ông Đức đều thẳng thắn, công khai đề nghị ông Miura về nước. Và khi Miura đã về nước thì nhu cầu chọn một HLV mới là cực kỳ bức bách. Vấn đề là chọn ai?
Thầy ngoại thì không đủ thời gian, thầy nội thì nhiều người chối đây đẩy. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ còn một mình HLV Nguyễn Hữu Thắng là người vừa có "số má", vừa đang rảnh việc, và vừa dũng cảm ngồi lên ghế nóng.
Ông Đức quá hiểu HLV Hữu Thắng nói riêng và những con người bóng đá Sông Lam nói chung đi theo phong cách bóng đá nào, vì trước đây từng có lúc lứa trẻ Hoàng Anh đá tập với lứa trẻ Sông Lam, và sau khi có quá nhiều cầu thủ bị chấn thương ông đã từng ra mệnh lệnh nội bộ: “Không bao giờ đá tập cùng Sông Lam nữa”.
Biết, nhưng vẫn chọn lựa, vì ngoại trừ những yếu tố mang tính hoàn cảnh kể trên, có lẽ bầu Đức tự thuyết phục mình bởi hai suy nghĩ: Thứ nhất, HLV Hữu Thắng có thể tự thay đổi bản thân để xây dựng một gương mặt mới cho Đội tuyển. Thứ hai, có thể trong quan niệm của mình bầu Đức tin rằng với những cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai đầy tài năng làm nòng cốt ở Đội tuyển U.22 Việt Nam thì vai trò của HLV trong “chiến dịch săn vàng” SEA Games cũng không quá lớn.
Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng (phải) từng kỳ vọng lứa U.19 Hoàng Anh Gia Lai sẽ giúp bóng đá Việt Nam dự... World Cup 2018(?) |
Trước đây, chẳng phải ông từng nhiều lần nói đi nói lại: "Hoàng Anh Gia Lai chỉ cần cầu thủ giỏi, không cần HLV giỏi" đó sao? Nếu những suy nghĩ này là sự thật thì có thể nói ngay, nó là những suy nghĩ đầy cảm tính.
Nhưng suy cho cùng thì đấy không phải là quyết định cảm tính chiến lược duy nhất của bộ máy lãnh đạo VFF nhiệm kỳ VII. Ngay từ đầu nhiệm kỳ này, khi chỉ vừa “nhiếp chính”, Chủ tịch Lê Hùng Dũng cũng lập tức đưa ra quan điểm bóng đá Việt Nam phải kết hợp toàn diện với bóng đá Nhật Bản, và thế là cả một làn sóng chuyên gia Nhật Bản sang làm cố vấn; rồi HLV Nhật Bản sang cầm cả Đội tuyển nam lẫn Đội tuyển nữ Quốc gia.
Kết quả là: các chuyên gia Nhật sớm rời khỏi Việt Nam, còn những HLV người Nhật cũng không thành công như mong đợi. Bây giờ nhìn lại cái kế hoạch Nhật hoá nền bóng đá không khó thấy nó chỉ là sản phẩm tư duy của một mình ông Chủ tịch, mà thiếu hẳn những sự góp ý, phản biện khoa học của các bộ phận chuyên môn.
Thời điểm đó, chỉ có báo giới kêu gọi VFF phải tính toán kỹ xem có nên "Nhật hoá" hay không, nếu có thì "Nhật hoá" theo cách nào, mức độ nào để phù hợp nhất với mình, chứ không phải cứ bê nguyên cách làm của người Nhật rồi "cài" các nhân sự Nhật vào bộ máy của mình là xong. Cũng ở thời điểm ấy, ông chủ tịch Liên đoàn còn cảm tính tới độ công khai bày tỏ niềm tin lứa U.19 của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh... có thể giúp bóng đá Việt Nam cạnh tranh suất tham dự VCK World Cup 2018(?). Sau này thì ông lý giải: "Cuộc sống phải có mơ ước và hy vọng chứ!". Thì đúng là phải có mơ ước và hy vọng, nhưng ở góc độ của những nhà lãnh đạo, người ta cần phải chiến đấu cho mơ ước và hy vọng bằng những kế hoạch lý tính, chứ không phải bằng những suy nghĩ nhất thời, cảm tính.
Rõ ràng, những quyết định lớn nhất của các quan chức VFF nhiệm kỳ VII tính cho đến lúc này, từ việc "Nhật hoá nền bóng đá" đến việc "chọn thầy cho Đội tuyển" đều là một chuỗi những sự cảm tính kéo dài. Những sản phẩm cảm tính của một, hai nhân vật có quyền lực nhất đã dẫn dắt cả một bộ máy chạy theo. Tiếc là nhiều người trong bộ máy ấy dù thấy hết và hiểu hết nhưng vẫn không dám đưa ra những phản biện đủ mạnh mẽ và thuyết phục.
Nếu thứ chủ nghĩa cảm tính này còn tiếp tục, VFF sẽ còn phải trả giá nhiều.
Sẽ chọn thầy châu Âu, nhưng... Chủ tịch Hội đồng HLV Quốc gia Nguyễn Sĩ Hiển cho biết, hôm nay (12-9), sau khi tổng kết và rút ra những bài học lớn từ thất bại của Đội tuyển U.22 Việt Nam tại SEA Games 29, các bộ phận chuyên môn của Liên đoàn cũng sẽ bàn bạc kỹ quanh việc chọn người thay HLV Nguyễn Hữu Thắng đã chính thức rút lui. Thầy nội lúc này e là không thể, vì sau một chuỗi thất bại của các ông thầy Phan Thanh Hùng, Hoàng Văn Phúc, Nguyễn Hữu Thắng, giờ không thầy nội nào dám "ngồi lên ghế nóng". Xem ra chỉ có HLV trưởng Đội tuyển nữ Mai Đức Chung là "sẵn sàng nhận nhiệm vụ", vì ông từng bảo: "Tôi là người của VFF, nên VFF phân công đâu tôi làm đó". Song ông Chung vừa gặp vấn đề về tuổi tác vừa rất thiếu cá tính để đảm đương vị trí nhiều áp lực này. Các quan chức VFF lúc này nghiêng về phương án thầy ngoại, và đã có ý kiến cho rằng: "Nếu đã là thầy ngoại thì sao không tận dụng luôn giám đốc kỹ thuật Gede?". Câu trả lời là Gede đang phụ trách mảng đào tạo trẻ, nên không thể "bỏ dài, nuôi ngắn". Cũng có ý kiến đề nghị nên mời Kiatisak, tuy nhiên việc mời một nhà cầm quân Thái Lan dẫn dắt Đội tuyển Việt Nam sẽ khiến hình ảnh Đội tuyển ảnh hưởng ít nhiều. Xem ra một ông thầy châu Âu vẫn là phương án tốt nhất, và những ngày qua, từ nhiều kênh khác nhau, cũng đã có những ông thầy châu Âu được giới thiệu. Rào cản lớn nhất trong việc chọn thầy châu Âu nằm ở vấn đề tài chính, khi mà để chọn được một HLV có trình độ chúng ta cũng sẽ phải chi trả không dưới 25.000 USD/tháng. Tuấn Thành |