Ấn Độ thử nghiệm thành công tên lửa hợp tác cùng Israel

Thứ Tư, 30/12/2015, 20:44
Ấn Độ sẽ chi 250 tỷ USD để nâng cấp quân đội trong thập kỷ tới. Quốc gia Nam Á này là nhà nhập khẩu thiết bị quốc phòng lớn nhất thế giới, tuy nhiên, chính phủ ông Modi đang cố gắng xây dựng nên công nghiệp quốc phòng tự lực nhằm giảm mua sắm từ nước ngoài.

Ngày 30-12, Ấn Độ đã phóng thử thành công một tên lửa đất đối không tầm xa thế hệ mới có khả năng đánh chặn mọi mối đe dọa trên không với tầm bắn được mở rộng hơn, trong khi,  Thủ tướng Narenda Modi thúc đẩy tăng cường khả năng quốc phòng của nước này.

Tên lửa Barak 8.

Trao đổi với thông tấn Reuteurs, Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết đã chi 1,4 tỷ USD thực hiện dự án tên lửa Barak 8. Hệ thống phòng không này bao gồm một radar phát hiện, theo và điều hướng tên lửa.

Một người phát ngôn Cục khoa học Nghiên cứu và phát triển Công nghệ Quốc phòng Ấn Độ khẳng định, chỉ có một số quốc gia bao gồm, Mỹ, Pháp, Anh và Israel có khả năng sản xuất, sở hữu loại hỏa tiễn đó.

Israel là một trong 3 nhà xuất khẩu vũ khí lớn nhất đối với Ấn Độ, cung cấp những loại vũ khí, thiết bị quân sự như tên lửa, máy bay không người lái, nhưng Ấn Độ thường đặt hàng dưới dạng “không rõ nguồn gốc” nhằm tránh gây “khó chịu” cho các nước Arab cũng như phần lớn cộng đồng Hồi giáo trong nước.

Barak 8 được thiết kế để bảo vệ tàu hải quân và giàn khoan khai thác khí đốt ngoài khơi tránh bị máy bay, tên lửa và rocket của kẻ thù tấn công.

Hệ thống radar kỹ thuật hiện đại được được sản xuất bởi Cục Công nghiệp Không gian Vũ trụ Israel (IAI), nhà thầu chính của dự án.

IAI cũng sản xuất trạm kiểm soát vũ khí của hệ thống, trong khi tên lửa đánh chặn được sản xuất bởi tập đoàn Rafael.

Trước đó, trong tháng 11, ông Boaz Levi, Phó giám đốc IAI kiêm cán bộ quản lý dự án cho biết, Barak 8 có thể phát hiện mục tiêu địch ở khoảng cách hơn 100km.

Sau khi được phóng lên không trung, tên lửa tiếp tục nhận dữ liệu từ hệ thống radar, dự đoán quỹ đạo của vũ khí địch, và cho phép tên lửa điều chỉnh đường bay trước khi phát hủy mục tiêu. Tên lửa sử dụng bộ cảm biến điện từ riêng để tiếp cận mục tiêu ở giai đoạn cuối cùng trước khi phá hủy.

Radar Barak 8 có thể theo dõi cùng một lúc nhiều mục tiêu, phân chia năng lượng tạo ra “khiên chắn” hình cánh cung bảo vệ một nửa tàu hải quân Ấn Độ.

Theo ông Levi, trong thời gian tới hệ thống sẽ phục vụ Hải quân Ấn Độ và Israel.

Video Ấn Độ và Israel bắn thử thành công tên lửa Barak 8:


Trúc Phạm
.
.
.