WTO kêu gọi các nước thúc đẩy cải cách ứng phó với những thách thức toàn cầu mới

Thứ Bảy, 28/11/2020, 08:56
Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hiện đang tích cực kêu gọi các nước đóng góp và thúc đẩy quá trình cải cách WTO, đồng thời cho rằng “cải cách WTO là một việc cần thiết và khả thi” nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay.

Trong phiên họp bàn tròn nhóm “1+6” diễn ra hôm 24/11 của các nhà lãnh đạo 6 thể chế quốc tế bao gồm WTO, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), và Ban ổn định tài chính, Phó Tổng Giám đốc WTO Alan Wolff hối thúc tất cả các thành viên WTO, nhất là các thành viên lớn như Mỹ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, bắt đầu tiến trình can dự nghiêm túc nhằm cải cách WTO.

Các vấn đề cơ bản WTO đang đối mặt xuất phát từ những nguyên nhân mang tính chính trị và ngoại giao. Bốn thành viên lớn nhất của WTO là EU, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản - vốn chiếm hơn 50% thương mại thế giới - có những “bất đồng địa chính trị” sâu sắc. Ông Alan Wolff cho rằng nếu 4 thành viên này có thể tìm được lập trường chung, rất có khả năng các thành viên khác cũng sẽ đồng thuận.

Theo Phó Tổng Giám đốc WTO, đàm phán cải cách WTO cần chú trọng vào 4 trọng tâm sau: i) Đàm phán thương mại điện tử phải dẫn đến một Hiệp định quốc tế sâu rộng, có thể đoán định và có các quy tắc thúc đẩy kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng; ii) Hiệp định về công nghệ thông tin cần được cập nhật và nên bao gồm cả trang thiết bị y tế cần thiết nhằm ứng phó với đại dịch; iii) Đàm phán về Hiệp định hàng hóa môi trường cần được khôi phục và sớm đạt được một hiệp định; iv) Hiệp định về dược phẩm, cung cấp miễn thuế, nên được cập nhật phạm vi bao hàm và Trung Quốc cũng như những nước sản xuất dược phẩm chính nên tham gia với tư cách bên ký kết Hiệp định này và cần bổ sung thiết bị y tế vào phạm vi điều chỉnh của Hiệp định. 

Trụ sở WTO tại Geneva, Thụy Sĩ.

Liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Phó Tổng giám đốc WTO cho biết các thành viên WTO đang đối mặt với các thách thức như: Sử dụng thương mại để thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tạo thuận lợi cho thương mại các sản phẩm thiết yếu ứng phó COVID-19 và cải cách các thể chế chi phối thương mại toàn cầu.

Ông cũng kêu gọi các đại biểu tham dự Hội nghị tích cực tham gia vào việc cải cách WTO. Phó Tổng giám đốc WTO nhấn mạnh, hợp tác chặt chẽ giữa các thể chế tài chính quốc tế, WTO và các ngân hàng thương mại lớn sẽ rất cần thiết để giải phóng hàng nghìn tỷ USD cần để hỗ trợ thương mại. G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD để chống đại dịch và “bơm” 11.000 tỷ USD để bảo vệ nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh.

Nhưng các nhà lãnh đạo nhóm này đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn phải giúp ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của các nước đang phát triển. Tuần trước, các Bộ trưởng Tài chính G20 đã tuyên bố một “nền tảng chung” cho kế hoạch tái cấu trúc nợ mở rộng dành cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề của dịch, song các biện pháp này được cho là chưa đủ.

Trong tuần qua, Ban Thư ký WTO cũng đã tổ chức hội thảo trực tuyến với sự tham dự của một số đại diện cấp cao các nước, tổ chức quốc tế và giới doanh nghiệp, tổ chức xã hội và truyền thông để thảo luận về tác động của WTO trong 25 năm qua, những vấn đề mà WTO cần giải quyết trong những năm tới nhằm đảm bảo một hệ thống thương mại bình đẳng. Tại hội thảo, các diễn giả đều nhấn mạnh hệ thống thương mại thế giới dựa trên luật lệ tiếp tục đóng vai trò quan trọng, thể hiện ở vai trò then chốt của thương mại quốc tế trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng cần ưu tiên cải cách WTO để làm cho tổ chức này phù hợp với mục đích thúc đẩy thương mại trong thế kỷ XXI.

Phó Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin nhấn mạnh vai trò quan trọng của WTO, đặc biệt trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay, bởi duy trì chuỗi cung ứng toàn cầu và thị trường mở cửa có ý nghĩa then chốt trong việc đảm bảo tiếp cận nhanh chóng với thuốc men và các nhu yếu phẩm cần thiết khác để chống đại dịch.

Trong khi đó, Chủ tịch Đại hội đồng WTO, Đại sứ New Zealand David Walker cho rằng WTO đã đóng một vai trò trung tâm trong việc hỗ trợ sức mạnh và sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh thế giới ngày càng thay đổi, khả năng cập nhật, điều chỉnh quy định của WTO trước những thay đổi về điều kiện thương mại là cách duy nhất để giữ cho tổ chức này phù hợp với nền kinh tế thế giới và thúc đẩy quan hệ thương mại.

Về phần mình, Phó Tổng Giám đốc Alan Wolff nhấn mạnh mục đích chung của WTO là hình thành một hệ thống thương mại đa phương tốt hơn, một liên minh của các quốc gia có chủ quyền nhằm cải thiện cuộc sống của nhân loại thông qua thương mại cởi mở dựa trên các quy tắc đã được các quốc gia thống nhất. Trong khi đối phó với các cuộc khủng hoảng hiện tại, WTO còn dự đoán được những cuộc khủng hoảng trong tương lai và thực hiện những thay đổi cần thiết cả về thực chất và về thể chế để thực hiện sứ mệnh của tổ chức này.

Với WTO, các quốc gia trên thế giới sẽ xích lại gần nhau trên tinh thần hợp tác quốc tế, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mạnh mẽ hơn, đáp ứng tốt hơn các mối quan tâm của nhân loại, phù hợp với mục đích của tổ chức.

Các diễn giả khác, trong đó có Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong cũng đều nhấn mạnh tới tầm quan trọng của WTO trong tạo điều kiện cung cấp cơ hội việc làm và giảm nghèo, trung hòa carbon vào năm 2050...

Các diễn giả cũng đề cập tới vai trò của WTO trong tương lai như thúc đẩy hòa bình bằng cách tạo ra các điều kiện kinh tế mang lại sự ổn định hơn cho các vùng đất dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột, thúc đẩy trách nhiệm chung bảo vệ Trái đất, hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững thông qua thúc đẩy giao thương hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường, giảm bớt bất bình đẳng giữa các quốc gia và trong các quốc gia thông qua việc tăng cường tham gia vào thương mại...

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.