WHO quan ngại tình trạng thiếu hụt vaccine tại các nước nghèo
Một bệnh nhân đang trò chuyện với các bác sĩ tại một bệnh viện ở Chad. Ảnh: AP |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay còn nhiều quốc gia, trong đó đa phần là các nước châu Phi, vẫn đang chờ mua vaccine. “Sự chậm trễ và thiếu hụt nguồn cung vaccine đang khiến các quốc gia châu Phi bị bỏ lại phía sau trong việc triển khai vaccine COVID-19. Số vaccine tại châu lục này chỉ chiếm 1% số vaccine được cung cấp trên toàn thế giới”, WTO cảnh báo.
Gian Gandhi, điều phối viên cho bộ phận cung ứng thuộc chương trình COVAX của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) nhận định, ở nơi nào chưa có vaccine, nơi đó hoàn toàn có thể xuất hiện biến chủng virus mới và nguy hiểm hơn. Ông Gandhi cũng kêu gọi có nước phát triển giúp triển khai vaccine cho các nước nghèo.
Mặc dù tổng số ca nhiễm COVID-19 được công bố tại các nước châu Phi tương đối thấp so với các điểm nóng trên thế giới, nhiều chuyên gia quan ngại những số liệu này không nói lên được hết nguy cơ tiềm ẩn của mối đe dọa COVID-19 ở “Lục địa Đen”. Những quốc gia châu Phi đang thiếu hụt vaccine được cho là dễ bị tổn thương trước dịch bệnh bởi hệ thống y tế vốn dĩ nghèo nàn, không được trang bị đầy đủ để đối phó với virus SARS-CoV-2.
Chad, cùng với Burkina Faso, Burundi, Eritrea and Tanzania là những quốc gia vẫn đang mòn mỏi chờ đợi những lô vaccine COVID-19 đầu tiên. Từ khi đại dịch bùng phát, Chad đã xác nhận 170 ca tử vong. Bất chấp những nỗ lực của chính phủ, dịch COVID-19 tại Chad vẫn đang diễn biến khó lường. Ca nhiễm đầu tiên được ghi nhận tại Chad là một người nhập cảnh trái phép, trong bối cảnh sân bay quốc tế ở thủ đô nước này đã đóng cửa.
Chad cùng một vài nước khác đã bày tỏ nguyện sớm được hỗ trợ vaccine AstraZeneca thông qua chương trình COVAX. Mục tiêu của COVAX là phân phối vaccine COVID-19 tới các quốc gia kém phát triển, bảo đảm khả năng tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng trên toàn thế giới.
Nguồn cung vốn dĩ rất khan hiếm lại bị đe dọa thêm do nhà sản xuất vaccine số một thế giới là Ấn Độ đang vật lộn với đại dịch, khiến các nhà máy sản xuất chủ chốt tại nước này buộc thu hẹp phạm vi cung ứng toàn cầu và tập trung vào phân phối trong nước.
Một số đảo quốc ở khu vực Thái Bình Dương cũng chưa nhận được bất kỳ liều vaccine nào. Vanuatu, với dân số gần 300.000 người, vẫn đợi chờ mòn mỏi để nhận những liều vaccine AstraZeneca đầu tiên vào cuối tháng này.