Voi hoang dã giẫm chết 10 người Rohingya trong trại tỵ nạn ở Bangladesh

Thứ Tư, 07/03/2018, 14:19

Những con voi đi tìm kiếm thức ăn đã giẫm chết 10 người tỵ nạn Rohingya, Liên hợp quốc cho biết hôm 6-3, và thông báo một kế hoạch mới nhằm thúc đẩy sự “chung sống an toàn” giữa động vật và những khu trại tỵ nạn đang mở rộng.

Có khoảng 700.000 người thuộc cộng đồng thiểu số Rohingya vượt biên qua Bangladesh để chạy trốn bạo lực sắc tộc ở Myanmar từ tháng 8 năm ngoái.

Nhiều trại tỵ nạn được dựng lên ở khu vực biên giới Cox’s Bazan thuộc Bangladesh, bao gồm Kutupalong bây giờ là trại tỵ nạn lớn nhất trên thế giới.

Những con voi hoang dã đi tìm kiếm thức ăn đã đi vào khu trại tỵ nạn Kutupalong ở Bangladesh và giẫm chết 10 người tỵ nạn Rohingya. Ảnh: AFP

Điều kiện sống dành cho những người tỵ nạn vẫn còn hết sức khó khăn, bất chấp phản ứng ngày càng tăng của cộng đồng quốc tế, nhưng cơ quan tỵ nạn Liên hợp quốc cho biết những con voi hoang dã chính là mối đe dọa mới.

“Khu vực trại tỵ nạn Kutupalong đang đóng bây giờ từ lâu là một nơi sinh sống quan trong đối với loài voi châu Á. Có khoảng 40 con voi trong khu vực và chúng thường xuyên di chuyển qua lại giữa Bangladesh và Myanmar để tìm kiếm thức ăn”, Liên hợp quốc cho biết.

“Khi những con voi hoang dã cố gắng vượt qua khu trại, chúng không thể tránh được việc tiếp xúc với con người, cho nên nguy hiểm phát sinh. Thật đáng tiếc, 10 người tỵ nạn đã bị những con voi đang hoảng loạn giẫm đến chết. Những người khác bị thương và mất tài sản họ có”, tuyên bố tiếp tục cho biết.

Khu trai tỵ nạn lớn nhất thế giới Kutupalong ở Bangladesh. Ảnh: Reuters

Cao ủy Liên hợp quốc về người tỵ nạn (UNHCR) tuyên bố tổ chức đã hợp tác với Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN), có kinh nghiệm giúp đỡ người dân Bangladesh sống chung với voi hoang dã.

Kế hoạch sẽ điều động những cán bộ chuyên môn dạy cho người tỵ nạn biết cách phản ứng khi có voi đang tiến đến, bao gồm việc ngăn chúng đi vào khu trại tỵ nạn.  Tuần qua, một con voi hoang dã xông vào trại Kutapalong làm chết 1 trẻ em và gây thương tật cho 30 người khác.

Myanmar và Bangladesh hiện đang thực hiện một kế hoạch để giúp đỡ hàng trăm người Rohingya trở về phía Bắc tỉnh Rakhine. Chính phủ Myanmar cam kết bảo vệ an toàn cuộc sống cho cộng đồng thiểu số và chấm dứt bạo lực sắc tộc bằng công cụ pháp lý. 

Phạm Trúc
.
.
.