“Việt Nam là quốc gia đáng ca ngợi hàng đầu” trong cuộc chiến chống COVID-19

Thứ Hai, 06/04/2020, 08:54
Đó là lời khẳng định của Tuần báo lObs (Pháp) trong bài viết về công cuộc phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2). Bài viết cũng đánh giá cao các biện pháp chống dịch của Việt Nam.

Tác giả bài viết, một người Pháp sống ở Việt Nam, nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia đang phát triển với 93 triệu người, vừa thoát khỏi chiến tranh gần 50 năm trước, đang tiến hành các biện pháp đơn giản song triệt để nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 và đến nay chưa có trường hợp tử vong nào vì COVID-19.

Bài viết điểm lại những biện pháp Việt Nam đã thực hiện như cách ly và điều trị người mắc COVID-19 tại các bệnh viện được chỉ định, xét nghiệm và xác định trường hợp có nguy cơ, sau đó cách ly 14 ngày trong doanh trại Quân đội hoặc cơ sở của Nhà nước. Đối với những người dân khác, mọi người được khuyến khích ở nhà.

Tác giả bài viết đề cao hành động tập thể và có trách nhiệm trong chống dịch ở Việt Nam, như việc toàn dân đeo khẩu trang. Lực lượng chức năng Việt Nam cũng luôn đồng hành cùng người dân. Khắp các quận đều phát những hướng dẫn phòng ngừa qua loa phóng thanh. Toàn bộ người dân nhận được một tin nhắn SMS gần như hằng ngày với các nội dung chỉ dẫn hoặc thông báo tìm kiếm những người có nguy cơ.

Theo tác giả, hành động tập thể và có trách nhiệm là giải pháp toàn diện cho dịch bệnh. Bài báo nhấn mạnh Việt Nam là một quốc gia không quá mạnh về kinh tế, với cơ sở hạ tầng chưa hoàn toàn hiện đại song đã phòng chống đại dịch COVID-19 bằng cách quản lý rất tỉ mỉ và có tổ chức, có sự chuẩn bị, thể hiện vai trò bảo vệ của Nhà nước đối với người dân. Tác giả bài viết cho rằng “chính quyền Việt Nam đã ngăn chặn virus SARS-CoV-2 theo cách rất nhân văn và áp dụng từng bước một”.

Bài viết của nhà báo người Anh Sean Fleming đăng trên WEF.

Trong nhiều bài báo khác, truyền thông châu Âu ngạc nhiên việc Việt Nam, quốc gia có 1.100km đường biên với Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh, lại có thể “thắng được cuộc chiến chống COVID-19”. Tờ Deutsche Welle của Đức, bản tiếng Anh, nhấn mạnh vào chi tiết “Chưa có ai tử vong ở Việt Nam kể từ khi dịch bùng phát vào tháng Giêng” năm nay.

Tờ báo viết: “Ngay cả khi xem xét những con số thống kê một cách thận trọng, cũng phải thừa nhận một điều rõ ràng là Việt Nam đã làm tốt công việc phòng chống virus Corona”. Tác giả bài báo đã bỏ công tìm hiểu, và cho rằng mấu chốt có thể là “Việt Nam đã có chính sách cách ly nghiêm ngặt, đồng thời truy tìm tất cả những người có thể tiếp xúc với virus”.

Theo bài báo, “các nước phương Tây như nước Đức chỉ quan tâm những người bị nhiễm virus và những người tiếp xúc trực tiếp với người bệnh. Còn Việt Nam thì điều tra cả lịch sử đi lại, tiếp xúc của những người có mức độ tiếp xúc thứ hai, thứ ba và thứ tư”, ở Việt Nam vẫn gọi là F2, F3, F4.

Trong khi đó, trong bài báo được đăng tải trên tờ Jyllands-Posten, Tổng Giám đốc một công ty xây dựng viết: “Ngày 31-1, tôi và vợ đi du lịch Việt Nam. Lúc đó, ở Copenhague không hề có biện pháp nào phòng ngừa virus cả. Tới Việt Nam, chúng tôi thấy một cộng đồng đã sẵn sàng. Nhiều người đeo khẩu trang và thông tin chi tiết về virus được công bố rộng khắp”.

Theo vị giám đốc này, có lẽ vì thế mà “Tới ngày 19-3, Việt Nam chỉ có 76 người nhiễm virus, cũng hôm đó, Đan Mạch đã có tới 1.225 người, trong khi dân số Việt Nam nhiều gấp 17 lần dân số Đan Mạch”.

Báo chí châu Âu ngạc nhiên còn vì hệ thống y tế của Việt Nam còn xa mới được hiện đại và rộng khắp như ở châu Âu, ngân sách y tế eo hẹp hơn, vậy mà lại đang chống dịch hiệu quả hơn hẳn. Vậy nên, từng biện pháp của Việt Nam đều được quan tâm.

Tờ Hufvudstadsbladet của Phần lan đưa tin: “Việt Nam áp dụng cách ly bắt buộc đối với những người Việt về nước từ những vùng có dịch”, “Tất cả hành khách đều được xét nghiệm nhanh”. Mẩu tin tuy ngắn nhưng không quên nhấn mạnh chi tiết quan trọng, 3 tháng đã trôi qua, ở Việt Nam “chưa có ai tử vong” vì virus Corona.

Trước đó, trong bài viết mang tiêu đề “Viet Nam shows how you can contain COVID-19 with limited resources” (tạm dịch: Việt Nam cho thấy cách bạn có thể phòng chống COVID-19 với nguồn lực hạn chế) được đăng trên trang điện tử của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nhà báo người Anh Sean Fleming đánh giá Việt Nam ứng phó hiệu quả với dịch COVID-19, trở thành “ngọn hải đăng” về cách làm với nguồn lực hạn chế.

Bài báo viết: “Việt Nam đã sớm nhận thức rõ ràng về nguy cơ bùng phát của dịch bệnh có thể tàn phá một đất nước đang phát triển và Việt Nam đã hành động mau lẹ, đưa ra quyết định nhanh chóng và kịp thời”. Theo đó, Việt Nam đã tập trung vào các biện pháp nằm trong tầm kiểm soát của mình và giành được sự tán dương từ cộng đồng quốc tế. Việt Nam đã khởi động một loạt sáng kiến để ngăn chặn virus lây lan ngay từ ngày 1-2, đình chỉ tất cả chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc; đóng cửa các trường học sau khi nghỉ Tết Nguyên đán.

Hai tuần sau đó, giới chức y tế nhanh chóng áp dụng các biện pháp kiểm dịch 21 ngày tại tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có người lao động trở về từ tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Việt Nam áp dụng một loạt biện pháp, bao gồm cách ly 14 ngày bắt buộc đối với bất kỳ ai nhập cảnh và hủy bỏ tất cả các chuyến bay nước ngoài, cách ly những người nhiễm virus và theo dõi bất cứ người nào đã tiếp xúc với người mắc bệnh.

Ngoài ra, người dân Việt Nam có tinh thần giám sát cao, chủ động phản ánh những hành động sai trái tới cơ quan chức năng; các hành vi như chia sẻ tin giả, thông tin sai lệch về virus SARS-CoV-2 đều bị xử lý. Tác giả bài viết nêu bật nỗ lực chủ động của Việt Nam chống COVID-19 diễn ra trong bối cảnh chất lượng cuộc sống người dân tại quốc gia này đã có sự cải thiện lớn sau hai thập niên qua.

Bài báo nhấn mạnh hệ thống chăm sóc sức khỏe của Việt Nam cũng đang được cải thiện và với nguồn lực hạn chế, Việt Nam dường như đã làm cho sự bùng phát dịch bệnh này ở trong tầm kiểm soát.

“Việt Nam - hình mẫu về cách thức kiềm chế đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong điều kiện hạn chế” là nội dung bài viết được đăng tải trên trang mạng zen.yandex.ru của Nga (zen.yandex.ru là trang tìm kiếm lớn thứ 4 thế giới). Bài viết nhận định Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình lây lan của dịch bệnh khi tính tới cuối tháng 3 ghi nhận hơn 200 ca nhiễm và chưa có ca tử vong, nhờ Chính phủ Việt Nam đã phản ứng nhanh với dịch bệnh.

Các biện pháp mà Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng và kiên quyết thực hiện bao gồm đóng cửa tất cả các trường học; đình chỉ toàn bộ các chuyến bay; áp dụng biện pháp cách ly phòng dịch 21 ngày đối với một vùng ở tỉnh Vĩnh Phúc, nơi có nhiều lao động trở về từ Trung Quốc (đặc biệt là thành phố Vũ Hán); cách ly bắt buộc 14 ngày với tất cả những người từ nước ngoài trở về; cách ly những người nhiễm bệnh và theo dõi tất cả những trường hợp có tiếp xúc với người bệnh.

Bài báo nhấn mạnh tính hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh ở Việt Nam còn thể hiện ở chỗ điều kiện của Việt Nam còn khó khăn nhưng có thể trở thành “tấm gương” cho nhiều quốc gia khác về cách thức dập dịch đạt hiệu quả cao nhất với mức chi phí tối thiểu.

Theo bài viết, khác với các quốc gia láng giềng giàu có khác ở châu Á, Việt Nam không thể xét nghiệm cho tất cả người dân. Thay vào đó, Việt Nam tập trung vào các biện pháp cơ bản như xét nghiệm có chọn lọc, kiểm soát tình hình và các biện pháp này đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Trong khi đó, đài BBC dẫn nhận định của PGS.TS Jonathan London  - một nhà nghiên cứu xã hội học và chính trị người Mỹ - cho rằng “Việt Nam đã phản ứng một cách nghiêm túc” đối với đại dịch COVID-19.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.