Vai trò quan trọng của 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Mỹ

Thứ Sáu, 28/04/2017, 16:27
Trong nhiều năm trở lại đây, 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ đầu của mỗi Tổng thống nhận được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Vậy đã bao giờ bạn đặt câu hỏi: "Tại sao lại là 100 ngày đầu tiên?"
Nhiệm kỳ của Tổng thống Trump sắp bước sang ngày thứ 100. Ảnh Internet

Ngày 22-10-2016, ông Donald Trump đã xuất hiện tại Gettysburg, Pennsylvania, vạch ra các ưu tiên sẽ được tiến hành khi ông trở thành Tổng thống. “Những điều tôi sẽ nói sau đây là kế hoạch hành động của tôi trong 100 ngày đầu tiên với mục tiêu làm nước Mỹ vĩ đại trở lại,” ông Trump nói.

Nhưng tại sao lại là 100 ngày?

Ông Trump, cũng giống như các tân Tổng thống trong vòng hơn 80 năm qua, đã chịu một “sức ép” từ thành công từ 100 ngày đầu tiên của Tổng thống Franklin Delano Roosevelt. Ông Franklin Delano Roosevelt là Tổng thống thứ 32 của Mỹ, nhậm chức ngày 4-3-1933, trong bối cảnh nước Mỹ đang ở tận cùng của cuộc Đại Suy thoái. 

Vào thời điểm đen tối đó của nền kinh tế Mỹ, những người tham dự lễ Nhậm chức của Tổng thống thứ 32 của Mỹ thậm chí còn không thể tự chi trả chi phí khách sạn, hệ thống ngân hàng tê liệt, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 25% và thị trường chứng khoán suy giảm.

Video: PSB Hournews

Tất cả mọi người đều đồng ý rằng, cần phải có một hành động quyết liệt để kéo nền kinh tế phát triển trở lại. Và đó là điều mà ông Roosevelt lên kế hoạch. Trong vòng một tuần, ông tuyên bố “kỳ nghỉ ngành ngân hàng”, trong đó đóng cửa tất cả các ngân hàng trong vòng 4 ngày, đồng thời đưa ra nhiều quyết sách khác để cải thiện hệ thống tài chính đang trì trệ.

Ông trình những dự luật nhằm cứu hàng triệu nông dân trên khắp nước Mỹ khỏi nguy cơ vỡ nợ đến Quốc hội Mỹ, thời điểm đó chiếm đa số là nghị sĩ đảng Dân chủ và Cộng hòa cấp tiến, đồng thời đưa những người thất nghiệp tham gia xây dựng nhiều công trình và công viên.

Đến đầu mùa hè năm đó, Quốc hội Mỹ đã thông qua 15 dự luật quan trọng và 100 ngày trở thành thời điểm biểu trưng cho hành động quyết đoán của bất kỳ Tổng thống Mỹ nào sau này.

Duy Tiến
.
.
.