Trung Quốc từ chối phán quyết của tòa trọng tài, Philippines có phản ứng bất ngờ
Ngày 14-7, Philippines đã hối thúc Bắc Kinh tôn trọng phán quyết của Tòa trọng tài Phụ lục VII, bác bỏ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với hầu hết khu vực Biển Đông và tuyên bố sẽ nêu vấn đề này tại một hội nghị thượng đỉnh khu vực.
- Toàn văn thông cáo của Tòa trọng tài về vụ kiện Biển Đông
- Tòa Trọng tài bác yêu sách "đường 9 đoạn" của Trung Quốc
- Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng1
- "Đường 9 đoạn" được Trung Quốc vẽ ra khi nào và vì sao nó không có giá trị pháp lý?
Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Á-Âu (ASEM) diễn ra trong 2 ngày bắt đầu từ 15-7 ở Mông Cổ cùng với Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường.
“Ngoại trưởng Yasay sẽ thảo luận vấn đề này trong bối cảnh chương trình nghị sĩ ASEM: cách tiếp cận hòa bình của Philippines dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế trên Biển Đông và sự cần thiết để các các bên tôn trọng phán quyết vừa qua”, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trong một tuyên bố.
Tuyên bố cũng là phản ứng mạnh nhất được Philippines đưa ra đối với phán quyết của Tòa Trọng tài Phụ lục VII (Hague, Hà Lan) cho biết Bắc Kinh đòi chủ quyền hầu hết với khu vực Biển Đông có ý nghĩa chiến lược quan trọng không có cơ sở pháp lý.
Một công trình của Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông. |
Trung Quốc đã bác bỏ phán quyết cho rằng, tòa án được Liên hợp quốc hậu thuẫn không có quyền xét xử vụ kiện và tố cáo cơ quan này thiên vị.
Ngày 13-7, Trung Quốc cũng nêu lên viễn cảm đối đầu trong khu vực Biển Đông và dọa sẽ tạo ra một khu vực nhận diện phòng không (ADIZ).
Ngày 12-7, Trung Quốc cho rằng tranh chấp lãnh hải không được đưa vào chương trình nghị sự ASEM, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Khổng Huyễn Hựu khẳng định cuộc họp không phải là “một địa điểm thích hợp” để thảo luận vấn đề này.
Trong bình luận đầu tiên ngay sau khi tòa trọng tài ra phán quyết, ông Yasay cho biết Philippines hoan nghênh quyết định nhưng biết chắc Trung Quốc sẽ không tôn trọng hoặc tuân thủ. Sau đó, ông kêu gọi “tất cả các bên liên quan cần tỉnh táo và kiềm chế”.
Philippines gửi đơn đến tòa trọng tài quốc tế kiện Trung Quốc về tranh chấp lãnh hải vào năm 2013 dưới thời Tổng thống Benigno Aquino Ill. Quan hệ Manila và Bắc Kinh giảm mạnh kể từ đó.
Trung Quốc tuyên bố hầu như toàn bộ khu vực Biển Đông, thậm chí cả những vùng lãnh hải gần bờ biển của Philippines và các quốc gia Đông Nam Á khác, bao gồm Việt Nam.
Trung Quốc biện minh cho yêu sách (vô giá trị) bằng cách tuyên bố là quốc gia đầu tiên phát hiện, đặt tên và khai thác vùng biển, tự vạch ra yêu sách đối với hầu hết Biển Đông khi sử dụng một tấm bản đồ mơ hồ có đường 9 đoạn xuất hiện trong những năm 1940, cụ thể có nguồn gốc từ chính quyền Trung Hoa Dân quốc (Tưởng Giới Thạch), sau này được Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa “kế thừa”.
Hội đồng trọng tài viên-Tòa trọng tài Phụ lục VII. |
Ngày 12-7-2016, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tòa trọng tài được thành lập theo Phụ lục VII của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 trên cơ sở đề nghị của Philippines đã đưa ra Phán quyết cuối cùng, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ:
“Việt Nam hoan nghênh việc Tòa trọng tài đã đưa ra phán quyết cuối cùng ngày 12-7-2016. Việt Nam sẽ có tuyên bố về nội dung phán quyết.
Việt Nam một lần nữa khẳng định lập trường nhất quán của mình về vụ kiện này như đã được thể hiện đầy đủ trong Tuyên bố ngày 5-12-2014 của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Tòa trọng tài. Trên tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ mạnh mẽ việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, bao gồm các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực theo quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.
Nhân dịp này, Việt Nam tiếp tục khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền đối với nội thủy và lãnh hải, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, cũng như tất cả các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam liên quan đến các cấu trúc địa lý thuộc hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”.