Trung Quốc “không hài lòng” với tuyên bố của G7 về Biển Đông

Thứ Hai, 29/05/2017, 08:14
Ngày 28-5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã tỏ thái độ tức giận trước việc Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) ra tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và biển Hoa Đông, đồng thời kêu gọi phi quân sự hóa những “thực thể tranh chấp”. 

Không chỉ vậy, Bắc Kinh còn cho rằng, G7 cần ngừng đưa ra “những nhận xét vô trách nhiệm”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc sáng 28-5 cho biết Bắc Kinh phản đối mạnh mẽ thông cáo được đưa ra sau Hội nghị thượng đỉnh G7, đồng thời khẳng định thông cáo này gây cản trở các vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Bắc Kinh hy vọng các nước G7 và các quốc gia khác "kiềm chế", không thể hiện đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp trên Biển Đông, tôn trọng nỗ lực của các nước trong khu vực nhằm giải quyết những tranh chấp và ngừng đưa ra “những nhận xét vô trách nhiệm”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh rằng, lập trường của nước này về các vấn đề Biển Hoa Đông và Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Bắc Kinh cam kết giải quyết thỏa đáng các tranh chấp, thắt chặt hợp tác, bảo vệ hòa bình và ổn định ở Biển Hoa Đông và Biển Đông thông qua đối thoại và tham vấn trực tiếp với các bên liên quan.

Các tàu nạo vét của Trung Quốc hoạt động trái phép ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: US NAVY.

Trước đó, ngày 27-5, Hội nghị Thượng đỉnh G7 đã đưa ra một tuyên bố chung, khẳng định các thành viên G7 cam kết “duy trì trật tự dựa trên pháp luật trong lĩnh vực hàng hải dựa trên nguyên tắc luật pháp quốc tế” theo các nguyên tắc của luật quốc tế, bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) và giải quyết tranh chấp hàng hải thông qua ngoại giao cũng như phương tiện pháp lý, bao gồm toà trọng tài.

Các nhà lãnh đạo G7 cũng bày tỏ quan ngại về tình hình ở Biển Hoa Đông và Biển Đông, hối thúc các bên “phi quân sự hóa các thực thể tranh chấp”. Tuyên bố về việc “phi quân sự” hóa vùng tranh chấp là để chỉ trích việc Trung Quốc đơn phương xây dựng trái phép nhiều hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông và đang di chuyển, lắp đặt vũ khí lên các hòn đảo phi pháp này.

Mỹ cũng đã nhiều lần chỉ trích việc xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông của Trung Quốc. Washington lo ngại những hòn đảo này sẽ được dùng để chế ngự tự do hàng hải trong khu vực và mở rộng vùng biển chiến lược của Bắc Kinh.

Hôm 26-5, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương Susan Thornton tuyên bố chính sách của Washington về Biển Đông không thay đổi dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sỹ John McCain nhận định rằng, Australia sẽ đóng vai trò lớn hơn trong kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm chống lại hành vi của Trung Quốc tại Biển Đông. Ông McCain cho biết, các lực lượng hải quân mạnh hơn sẽ được Mỹ và Australia phát triển nhằm đạt được “hòa bình thông qua sức mạnh” tại Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, ông McCain cũng cho hay Washington nhận thấy sự kiểm soát của Trung Quốc tại các khu vực thuộc Biển Hoa Đông và Biển Đông là sự vi phạm rõ ràng luật pháp quốc tế. 

Trước đó, hôm 25-5, các quan chức Mỹ cho biết một tàu chiến của nước này đã tiến hành “hoạt động diễn tập” khi đi vào khu vực 12 hải lý của một hòn đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, hành động nhằm cho thấy Bắc Kinh không có quyền đối với vùng biển xung quanh khu vực này.

Hoạt động diễn ra gần đá Vành Khăn trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Một quan chức giấu tên của Mỹ cho hay tàu khu trục USS Dewey tiến hành một cuộc diễn tập cứu hộ thủy thủ đoàn. Đây là sự thách thức rõ nét nhất của Mỹ đối với hoạt động xây dựng đảo trái phép của Trung Quốc tại tuyến đường biển chiến lược này.

Trong một diễn biến liên quan, tàu JS Izumo, niềm kiêu hãnh của Lực lượng Phòng vệ trên biển của Nhật Bản (JMSDF) sẽ thực hiện một hải trình chưa từng có qua các vùng biển châu Á trong 3 tháng tới. Việc tàu JS Izumo đi qua Biển Đông là động thái cực kỳ nhạy cảm đối với Trung Quốc do Nhật Bản lên tiếng ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với khu vực rộng lớn của Biển Đông và các thực thể ở vùng biển này.

Việc mở rộng hoạt động của JMSDF ở Biển Đông và xa hơn cũng nhằm đối phó sự lo ngại ngày càng cấp bách của Tokyo, đó là Trung Quốc không ngừng thúc đẩy chiếm lĩnh các vùng biển quanh Nhật Bản. 

Tại Nhật Bản, ngày càng có nhiều tiếng nói ủng hộ việc cần phải đối phó mạnh mẽ hơn với hành động quân sự quyết liệt của Trung Quốc quanh các vùng biển của Nhật Bản trong khi JMSDF đang tăng cường tích cực hoạt động trong khu vực.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.