Trung Đông chưa yên tiếng súng

Thứ Hai, 29/01/2018, 11:17
Chủ nghĩa khủng bố hiện hữu, xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran, các cuộc bầu cử quan trọng trong khu vực… là những yếu tố khiến khu vực Trung Đông chưa thể hạ nhiệt trong năm 2018.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2018, tình hình tại Syria đã bất ngờ “nóng” lên khi Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành chiến dịch “Nhành Ôliu” nhằm đánh bật các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) ra khỏi khu vực Afrin ở miền Bắc. Động thái này của Ankara đã ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của nhiều quốc gia, rằng đó là hành động vi phạm chủ quyền Syria hay là một phần hành động nhằm hỗ trợ các nhóm cực đoan. 

Chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ còn khiến cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Syria trở nên tồi tệ hơn. Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã phải tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 22-1 để thảo luận về vấn đề này. 

Bên cạnh đó, cộng đồng quốc tế quan ngại rằng, hành động quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khơi mào cho một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn trong khu vực, với sự can dự của nhiều quốc gia liên quan, đồng thời đẩy cuộc nội chiến tại Syria sang một giai đoạn mới nguy hiểm hơn. Vấn đề Jerusalem cũng được đánh giá sẽ tiếp tục là một điểm nóng tại Trung Đông trong năm 2018. 

Khu vực Trung Đông chưa thể "hạ nhiệt" trong năm 2018.

Việc Mỹ bảo vệ quyết định của Tổng thống nước này Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới đây sẽ khiến căng thẳng giữa Palestine và Israel sẽ tiếp tục leo thang. 

Điều này có nghĩa, tiến trình hòa bình Trung Đông sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. Phía Palestine đã chính thức yêu cầu Liên minh châu Âu (EU) thừa nhận Nhà nước Palestine, nhấn mạnh rằng, nếu muốn đóng vai trò trong tiến trình hòa bình Trung Đông, châu Âu cần ứng xử cân bằng và phải bắt đầu với việc công nhận Nhà nước Palestine.

Năm 2018 được đánh giá là một năm có ý nghĩa về mặt chính trị, khi trong khu vực nóng bỏng này sẽ diễn ra hàng loạt cuộc bầu cử tại Ai Cập, Libya, Iraq, Libya, Israel, Bahrain và Lebanon. 

Tại Iraq, Chính phủ nước này đã quyết định sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 5 tới, mang lại cho đất nước này thời khắc hiếm hoi để khẳng định sự độc lập của mình trước các cường quốc nước ngoài có liên quan trong phạm vị biên giới của họ. 

Thủ tướng Haider al-Abadi sẽ đấu tranh cho một khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa đang nổi lên ủng hộ việc chống lại tầm ảnh hưởng bên ngoài (bao gồm từ Mỹ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ), trong khi nhà lãnh đạo Iraq theo dòng Shiite Muqtada al-Sadr sẽ ủng hộ giọng điệu tương tự với hi vọng biến nó thành các thành tựu trong cuộc bầu cử. 

Liên quan tới cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội Libya, dự kiến diễn ra vào ngày 30-9, tuyên bố sẽ trở lại chính trường và tham gia vận động tranh cử của ông Saif al-Islam Gaddafi, con trai của cố lãnh đạo Muammar Gaddafi được xem là một bất ngờ lớn. 

Tuy nhiên, theo giới quan sát, khả năng chiến thắng của ông Saif al-Islam Gaddafi là không cao và việc tổ chức các cuộc bầu cử trên cũng chưa thể giúp ổn định tình hình vốn đang diễn biến rất phức tạp tại quốc gia Trung Đông này. 

Đối với Ai Cập, năm 2018 sẽ chứng kiến “bài kiểm tra cuối cùng” trong nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của ông Abdel Fattah el-Sisi. Người dân sẽ là những người quyết định cuối cùng việc đương kim Tổng thống El-Sisi có tiếp tục ra tranh cử nhiệm kỳ 2 và cũng là nhiệm kỳ cuối cùng của ông hay không.

“Lò lửa” Trung Đông cũng chưa thể hạ nhiệt vì cuộc xung đột khu vực giữa Saudi Arabia và Iran. Trong năm qua, cuộc nội chiến ở Yemen đã đẩy Saudi Arabia và Iran gần nhau hơn về mặt địa lý nhưng lại đẩy hai nước xa hơn về mặt chính trị. Trong khi Tehran là bên ủng hộ chủ chốt của lực lượng phiến quân Houthi, thì Riyadh lại tiến hành các chiến dịch quân sự nhằm hỗ trợ Chính phủ Yemen. 

Nhìn vào những diễn biến này, có thể thấy, cuộc chiến giành ảnh hưởng tại Yemen trong năm 2018 sẽ ngày một gia tăng giữa hai cường quốc khu vực. Ở một kịch bản khác, Yemen sẽ trở thành trung tâm của một cuộc chiến tranh ủy nhiệm ác liệt giữa Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (CCC) do Saudi Arabia lãnh đạo và Iran khi CCC tăng cường nỗ lực của mình nhằm khiến quân nổi dậy Houthi nới lỏng kiểm soát đối với thủ đô Sanaa. 

Khi những rạn nứt đã mở rộng trong liên minh nổi dậy này, xuất hiện vào cuối năm 2017 khi Houthi sát hại cựu đồng minh của họ là cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh, một giải pháp chính trị cho cuộc xung đột tại Yemen thậm chí sẽ khó đạt được hơn – đặc biệt là khi các nhóm lợi ích người Yemen khác, kể cả những người theo chủ trương ly khai ở miền Nam, nắm lấy cơ hội này để thúc đẩy các tuyên bố chính trị của riêng họ.

Và không thể không nhắc đến nỗi ám ảnh khủng bố. Mặc dù cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã hoàn toàn bị đẩy lùi ra khỏi các vùng lãnh thổ Syria và Iraq, nhưng IS được đánh giá là chỉ thoái trào chứ không hoàn toàn biến mất. Hiểm họa này vẫn hiện hữu khi tư tưởng cực đoan bạo lực tiếp tục được truyền bá và IS đang tìm cách đặt các căn cứ mới, sử dụng các biện pháp tấn công khủng bố mới. 

Theo dự đoán, một giai đoạn bạo lực mới do IS phát động dự kiến sẽ tiếp diễn trong năm 2018, khi các tay súng thánh chiến được cho sẽ tản khắp Trung Đông, tìm đến những khu vực bất ổn hòng tạo ra những điểm nóng căng thẳng và xung đột vũ trang mới. Các quan chức an ninh của Iraq và Mỹ cho rằng, vùng lãnh thổ ở phía Bắc Iraq có thể dễ dàng bị IS tái chiếm. 

Bên cạnh đó, IS dựa vào mạng Internet để tồn tại và duy trì cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo ảo”, đồng thời sử dụng truyền thông xã hội làm phương tiện liên lạc và tuyên truyền chính yếu.

Khổng Hà
.
.
.