Triển vọng chấm dứt hơn nửa thế kỷ nội chiến giữa Chính phủ Colombia và ELN

Thứ Tư, 06/09/2017, 10:22
Ngày 4-9, Chính phủ Colombia và nhóm Quân đội giải phóng quốc gia (ELN), nhóm vũ trang đối lập lớn nhất hiện nay tại Colombia, thông báo đã đạt thỏa thuận ngừng bắn sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng.

Đây được cho là thỏa thuận lịch sử nhằm tiến tới chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài nhất Mỹ Latinh khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng từ những năm 1960.

Phát biểu trên truyền hình hôm 4-9, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos cho biết, lệnh ngừng bắn sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-10 tới và dự kiến sẽ kéo dài trong 102 ngày, tức là tới ngày 12-1-2018. Tổng thống Santos cũng cho biết thêm, lệnh ngừng bắn sẽ được gia hạn nếu hai bên tiếp tục đạt được tiến triển trên bàn đàm phán hòa bình.

Theo thỏa thuận mới được hai bên thông qua, ELN đồng ý chấm dứt chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng an ninh Colombia, đồng thời ngừng nhắm mục tiêu của mình vào dân thường thông qua các hành vi chống phá như bắt cóc, phá hủy cơ sở hạ tầng hay tuyển dụng trẻ vị thành niên tham gia các vụ tấn công liều chết. 

Ngoại trưởng Ecuador Fernanda Espinosa (giữa) nắm tay đại diện Chính phủ Colombia (trái) và lãnh đạo nhóm ELN tại lễ ký lệnh ngừng bắn. Ảnh: AP

Về phần mình, Chính phủ Colombia cam kết dừng mọi hoạt động quân sự chống lại ELN, ngoài ra đồng ý đảm bảo an toàn cho các nhà lãnh đạo của nhóm này cũng như cải thiện điều kiện giam giữ đối với các chiến binh ELN bị bắt giữ.

“Ưu tiên hàng đầu là để bảo đảm an toàn cho người dân. Bởi vậy, chúng ta sẽ bắt đầu từ việc dừng mọi hoạt động chống lại dân thường”, Tổng thống Juan Manuel Santos khẳng định, đồng thời nhấn mạnh, 102 ngày tới là thời gian quý giá để tái tạo đất nước cũng như tiến tới một lệnh ngừng bắn lâu dài. 

Đáp lại thiện chí của chính quyền Bogota, trong một chia sẻ trên trang Twitter của nhóm, đại diện ELN cho hay, khả năng về một tiến trình đàm phán hòa bình đầy đủ nhằm chấm dứt sự đối đầu hàng chục năm nay là hoàn toàn có thể.

Thông báo về thỏa thuận ngừng bắn trên được đưa ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm bốn ngày của Giáo hoàng Francis tới quốc gia Nam Mỹ, dự kiến bắt đầu từ ngày 6-9.Trước đó, hai bên đã thảo luận khả năng ký kết một lệnh ngừng bắn tạm thời trước chuyến thăm của Giáo hoàng. 

Trước chuyến thăm này, Tổng thống  Juan Manuel Santos từng tuyên bố: "Đức Giáo hoàng sắp tới Colombia trong một thời điểm lịch sử, khi chúng ta sắp vượt qua cuộc xung đột vô nghĩa và nhìn về một tương lai đầy hy vọng”.

Chính phủ Colombia và ELN, nhóm vũ trang lớn nhất hiện nay tại quốc gia Nam Mỹ với 1.500 thành viên, khởi động hòa đàm tại Ecuador hồi tháng 2 vừa qua. Tiến trình đàm phán này đã được chính thức khởi động sau hơn 3 năm tiếp xúc bí mật nhằm chấm dứt hoàn toàn cuộc xung đột vũ trang tại Colombia.

Chính phủ của Tổng thống Santos và ELN từng có ý định định khởi động hòa đàm chính thức vào cuối tháng 10-2016 nhưng kế hoạch này đã không thể thực hiện bởi các cáo buộc không thực thi các cam kết đã thỏa thuận liên quan tới việc phóng thích các con tin từ cả hai phía. 

Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, ELN cũng như Chính phủ Colombia đã trả tự do cho các con tin mà cả hai bên yêu cầu, bày tỏ thiện chí để tiến tới một cuộc đàm phán hòa bình thực chất hơn.

Được biết, tháng 11 năm ngoái, Chính phủ Colombia và lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC), nhóm vũ trang từng là lớn nhất quốc gia Nam Mỹ trước ELN, cũng đã đạt được thỏa thuận hòa bình sau bốn năm đàm phán. Theo thỏa thuận này, các tay súng của FARC này đã giao nộp toàn bộ vũ khí cho Liên hợp quốc và tham gia đời sống chính trị tại Colombia như một chính đảng hợp pháp.

 FARC và ELN là hai nhóm vũ trang lâu đời nhất tại Mỹ Latinh cùng được hình thành từ phong trào đấu tranh phản đối chính sách đất đai của Chính phủ Colombia vào năm 1964 và theo thời gian dần leo thang đối kháng, sau đó biến dạng thành một cuộc nội chiến dai dẳng. 

Bởi vậy, với việc Chính phủ Colombia và ELN đặt thỏa thuận ngừng bắn, cộng đồng quốc tế bày tỏ hi vọng hai bên sẽ sớm tiến hành những cuộc hòa đàm hiệu quả như những gì đã đạt được với FARC, qua đó chấm dứt hơn 50 năm xung đột vũ trang.

Theo thống kê của Liên hợp quốc, cuộc xung đột vũ trang kéo dài hơn năm thập kỷ qua giữa Chính phủ Colombia và các nhóm vũ trang đối lập đã cướp đi sinh mạng của hơn 260.000 người, khiến khoảng 45.000 người mất tích, gần 7 triệu người phải tha hương cầu thực, đồng thời làm cho nền kinh tế Colombia bị ảnh hưởng trầm trọng.

Phùng Nguyễn
.
.
.