Tổng thư ký LHQ yêu cầu quân đội Myanmar "ngừng đàn áp"

Thứ Hai, 22/02/2021, 16:38
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres ngày 22/2 lên tiếng yêu cầu quân đội Myanmar ngừng đàn áp và thả hàng trăm người bị giam giữ kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra tại quốc gia này ba tuần trước. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. Ảnh: Reuters

Phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva về tình hình Myanmar, Tổng thư ký LHQ nhấn mạnh: "Chúng tôi thấy sự phá hoại nền dân chủ, sử dụng vũ lực tàn bạo, bắt bớ tùy tiện, đàn áp trong tất cả các biểu hiện".

"Những hạn chế không gian dân sự. Các cuộc tấn công vào xã hội dân sự. Những vi phạm nghiêm trọng chống lại các nhóm thiểu số mà không có trách nhiệm giải trình, bao gồm cả những gì được gọi là thanh lọc sắc tộc đối với người Rohingya", ông Gutteres nêu rõ.

"Hôm nay, tôi kêu gọi quân đội Myanmar ngừng ngay việc trấn áp. Hãy thả tù nhân. Chấm dứt bạo lực. Hãy tôn trọng nhân quyền và ý nguyện của người dân được thể hiện trong các cuộc bầu cử gần đây", ông nói.

Các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra với quy mô lớn tại Myanmar. Ảnh: Reuters

Trước đó, hôm 21/2, viết trên Twitter cá nhân, Tổng thư ký LHQ cũng lên án việc sử dụng vũ lực gây chết người tại Myanmar sau khi 2 người dân bị giết hại hôm 19/2 khi lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình tại thành phố Mandalay – thành phố lớn thứ hai Myanmar.

"Tôi lên án việc sử dụng bạo lực có thương vong tại Myanmar. Việc sử dụng vũ lực chết người, đe dọa và quấy rối chống lại người biểu tình hòa bình là không thể chấp nhận được", ông viết. 

Kể từ khi cuộc đảo chính do quân đội Myanmar thực hiện cùng với việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi và nhiều quan chức cấp cao Myanmar khác xảy ra hôm 1/2, các cuộc biểu tình và phong trào bất tuân dân sự đã liên tục diễn ra với quy mô ngày càng lớn tại Myanmar. 

Ít nhất 3 dân thường đã thiệt mạng do trúng đạn trong các cuộc biểu tình. Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị, 640 người Myanmar đã bị bắt giam, nhiều người nổi tiếng cũng bị truy nã và bắt giữ vì ủng hộ phong trào biểu tình của người dân. 

Song, bất chấp sự đàn áp của cảnh sát, ngày 22/2, hàng chục nghìn người dân Myanmar tiếp tục tập hợp ở các thành phố lớn như Yangon, Mandalay, tiến đến các đại sứ quán và cơ quan tổ chức quốc tế để kêu gọi sự lên tiếng của các quốc gia, đồng thời gây sức ép yêu cầu quân đội thả bà Suu Kyi. 

An Nhiên
.
.
.