Tổng thống Trump chính thức rút Mỹ khỏi TPP
- Nhật Bản muốn tiên phong “cứu TPP”
- Cảnh báo hệ lụy sau tuyên bố rút khỏi TPP của ông Donald Trump
- Ông Donald Trump tuyên bố ngừng TPP trong ngày đầu tại Nhà Trắng
- Thủ tướng nói về quan hệ với Mỹ và “số phận” TPP sau bầu cử
Mệnh lệnh hành pháp nói trên được ông Trump ký ngay trong ngày làm việc thứ 3 của ông Trump tại nhà Trắng và 2 ngày sau tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi hiệp định thương mại lịch sử, vốn được coi là ưu tiên lớn nhất của người tiền nhiệm Obama.
Ông Trump, người luôn cam kết thúc đẩy các ngành sản xuất ở Mỹ, khẳng định sẽ thay thế TPP bằng các thỏa thuận thương mại song phương, theo đó cho phép Mỹ đạt nhiều ưu thế hơn trong đàm phán.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP. Ảnh: Reuters |
Theo quan điểm của ngươi đứng đầu nước Mỹ, Hiệp định TPP có nhiều điều khoản gây tổn hại đến một số ngành sản xuất tại Mỹ và “mang việc làm ra khỏi nước Mỹ”.
Kết thúc đàm phán tháng 10-2015 sau 5 năm xây dựng, TPP là một hiệp định lịch sử về mở cửa hàng rào thuế quan với sự tham gia của 12 nước: Mỹ, Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore, chiếm 40% GDP toàn cầu.
TPP cũng từng được coi là trụ cột căn bản của chính sách "Tái cân bằng", chuyển hướng sang châu Á trong 8 năm cầm quyền của Tổng thống tiền nhiệm Barack Obama.
Thỏa thuận này đang trong giai đoạn 2 năm chờ đợi Quốc hội các nước thành viên phê chuẩn. Hiện nhiều nước thành viên TPP đang cân nhắc khả năng triển khai hiệp định này mà không cần sự tham gia của Mỹ. Tuy nhiên, do các điều khoản được 12 nước công nhận, TPP sẽ chỉ có hiệu lực nếu các nước thông qua đóng góp ít nhất 85% GDP trong khối.
Được biết, Quốc hội Mỹ trước khi ông Trump ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP vẫn chưa xem xét để thông qua chính thức hiệp định này, bất chấp những nỗ lực của chính quyền Obama.