Tổng thống Putin cáo buộc Mỹ đứng sau đảo chính Ukraine năm 2014

Thứ Tư, 23/06/2021, 13:21
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định cuộc chính biến lật đổ chính quyền Yanukovych năm 2014 ở Ukraine, kéo theo một loạt cuộc khủng hoảng sau này, là do Mỹ dàn dựng.

Thông tấn Nga TASS ngày 22/6 dẫn bài viết của Tổng thống Nga Putin trên báo Die Zeit nổi tiếng của Đức cáo buộc cuộc chính biến lật đổ chính quyền Yanukovych năm 2014 ở Ukraine là hành vi "đảo chính" do Mỹ dàn dựng và được trợ giúp bởi các đồng minh châu Âu của Washington.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: Sputnik

"Tại sao Mỹ tổ chức cuộc đảo chính, và các nước châu Âu hết lòng ủng hộ nó, gây chia rẽ trong nội bộ Ukraine và việc Crimea phải ra đi?", ông chủ Điện Kremlin đặt dấu hỏi, nhắc tới việc người dân ở Crimea quyết định tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga sau cuộc trưng cầu dân ý năm 2014.

Theo TASS, bài viết trên được đăng tải nhân kỷ niệm 80 năm ngày Phát xít Đức tấn công Liên Xô. Tổng thống Putin khẳng định việc NATO mở rộng quy mô hiện diện đã buộc các nước phải lựa chọn phe giữa Nga hoặc phương Tây. Cái gọi là "tối hậu thư" đó chính là tác nhân gây ra thảm kịch ở Ukraine.

Loạt phát biểu được Tổng thống Putin đưa ra không lâu sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Geneva với Tổng thống Mỹ Joe Biden, với tình hình Ukraine vẫn là một bất đồng lớn mà một bên là Nga, bên còn lại là Mỹ và các đồng minh châu Âu, chưa tìm được tiếng nói chung.

Người biểu tình Ukraine đụng độ lực lượng an ninh năm 2014. Ảnh: ITN

Trong bài viết trên tờ báo Đức, ông Putin nói Nga và châu Âu "đã bỏ lỡ những cơ hội hợp tác to lớn" do mối quan hệ bị đóng băng từ sau khi khủng hoảng Ukraine nổ ra. "Hợp tác rất quan trọng, khi tất cả chúng ta phải đối mặt với thách thức chung như COVID-19", ông Putin nhấn mạnh.

Khủng hoảng nổ ra ở Ukraine từ 11/2013, sau khi Tổng thống hợp hiến của Ukraine khi đó, ông Viktor Yanukovych, quyết định không ký kết một thỏa thuận thương mại với Liên minh châu Âu (EU), kéo theo các cuộc biểu tình quy mô lớn của những người muốn Ukraine thắt chặt quan hệ với châu Âu.

Cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Ảnh: Getty Images

Hoạt động biểu tình sau đó ngày càng trở nên mất kiểm soát ở Kiev và nhiều thành phố khác, với việc lực lượng an ninh và phe biểu tình đụng độ bằng gạch đá, bom xăng và thậm chí súng đạn, khiến hàng chục người thiệt mạng.

Đến tháng 2/2014, nhiều khu vực của thủ đô Kiev tan hoang như vừa trải qua một cuộc chiến tranh do hậu quả của các cuộc biểu tình. Thời điểm đó, người biểu tình thắng thế ở Kiev, còn ông Yanukovych buộc phải bỏ trốn sang Nga và bị Quốc hội Ukraine bỏ phiếu phế truất.

Quảng trường ở Kiev tan hoang khi những người biểu tình rời đi. Ảnh: AP

Sau khi ông Yanukovych ra đi, người dân ở Crimea tổ chức trưng cầu dân ý tách khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga. Xung đột quyền lợi giữa chính quyền mới ở Kiev với những cư dân miền Đông Nam gần biên giới Nga cũng tăng nhiệt thành đụng độ vũ trang và kéo dài đến ngày nay.

Những năm qua, Mỹ và đồng minh châu Âu chỉ trích việc Nga đồng ý sáp nhập Crimea cũng như cáo buộc Moscow ủng hộ phe ly khai miền Đông, rồi lấy đó làm lí do trừng phạt Nga. Nga bác bỏ mọi cáo buộc và trả đũa tương xứng những biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Thiện Nhân
.
.
.