Tổng thống Nga Putin: “Những biện pháp trừng phạt chống lại Nga là ngớ ngẩn”
- Pháp, Đức chỉ trích các biện pháp trừng phạt đối với Nga
- Mỹ - EU mâu thuẫn về biện pháp trừng phạt Nga
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh, đó chẳng phải là “vấn đề phức tạp nhất” mà nước Nga từng trải qua, mặc dù thừa nhận các biện pháp trừng phạt ít nhiều tác động tiêu cực tới nền kinh tế nước này.
Tổng thống Putin chỉ ra rằng: “Nếu phải nói đến thiệt hại nặng nề nhất mà các lệnh trừng phạt gây ra thì thứ nhất, đó là những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Nga, đặc biệt là sự sụt giảm giá thành các mặt hàng xuất khẩu truyền thống”.
Mặc dù vậy, “một số chiều hướng tích cực đã xuất hiện” từ những khó khăn hiện nay khi giá dầu giảm mạnh. Tổng thống Putin giải thích: “Khi giá dầu cao, chúng tôi không thể cưỡng lại việc lấy nguồn lợi từ xuất khẩu dầu để bù vào những khoản chi tiêu khác, qua đó sao nhãng việc phát triển các mảng khác, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao. Theo tôi, việc thâm hụt ngân sách dầu khí hiện đã ở mức rất nguy hiểm sẽ khiến chúng tôi bắt buộc phải cắt giảm chi tiêu từ nguồn lợi dầu khí. Và điều này sẽ tạo cho Nga một sức sống mới”.
Tổng thống Putin trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức. Ảnh: Itar-Tass. |
Theo ông chủ Điện Kremlin, quyết định trừng phạt Moskva của Mỹ và phương Tây là sai lầm và hướng đến việc kìm hãm sự phát triển của Nga hơn là hỗ trợ Ukraine. Phương Tây không nên làm như vậy, thay vào đó, họ và Nga cần phải tận dụng những điểm chung để cùng phát triển, cùng giải quyết các vấn đề hiện đang phải đối mặt.
Để bảo vệ quyết định sáp nhập Crimea, Tổng thống Putin nêu rõ: “Napoleon đã từng nói rằng, công lý chính là sự hiện thân của Chúa trên Trái đất này. Và việc đưa Crimea về với Nga là một quyết định hợp lẽ phải”, và rằng: “Người dân Nga hiểu rõ, bằng cả trái tim và tâm hồn, những gì đang diễn ra vào thời điểm này”.
Về quan hệ xấu đi với Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Nga tuyên bố sẵn sàng tìm kiếm thỏa hiệp trên cơ sở song phương; đồng thời khẳng định, Moskva luôn đặt nhiệm vụ bảo vệ lợi ích quốc gia lên hàng đầu song không mong muốn tiến hành việc đó trong đối đầu.
Tổng thống Putin bày tỏ mong muốn hai bên cùng tôn trọng một điều kiện, cùng tuân thủ những quy định giống nhau, chứ không phải thay đổi liên tục, hay duy trì tiêu chuẩn kép như trong trường hợp về quyền tự quyết của người Kosovo và Crimea.
Liên quan tới cuộc chiến chống khủng bố, Tổng thống Putin khẳng định, nước Nga sẽ luôn sát cánh cùng phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến này. Ông nhắc lại việc từng là nhà lãnh đạo đầu tiên tuyên bố đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố khi xảy ra các vụ tấn công ngày 11-9-2001 và mới đây là Pháp với các vụ tấn công khủng bố ở Paris.
Tổng thống Nga nêu rõ, khủng bố đe dọa tất cả thế giới và đây cũng là một thách thức lớn, cần sự hợp tác chặt chẽ hơn của tất cả các nước trong cuộc chiến này. Nga mong muốn cả châu Âu và toàn bộ thế giới cùng nhau nỗ lực đối phó với các nguy cơ và Moskva đang nỗ lực để đạt mục tiêu này.
Tổng thống Putin cũng chỉ ra rằng, các nguy cơ ở đây không chỉ dừng ở khủng bố, mà còn cả các hoạt động tội phạm, vận chuyển người bất hợp pháp, bảo vệ môi trường… Tuy nhiên, sự tham gia của Nga vào hoạt động chung của thế giới không có nghĩa là Moskva phải đồng ý với mọi vấn đề trong khi các quốc gia khác có quyền quyết định. Ông chủ Điện Kremlin cũng cáo buộc các nước phương Tây đang thổi phồng các nguy cơ, được cho là nguyên nhân làm gia tăng các hoạt động khủng bố trên thế giới.
Theo Tổng thống Nga, sự can thiệp quân sự của phương Tây tại Iraq và Libya đã góp phần làm gia tăng hoạt động khủng bố tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tổng thống Putin cảnh báo rằng, khủng bố quốc tế đang bị lợi dụng để chống phá Nga, trong bối cảnh các thế lực chống đối nhà nước nhận được sự hậu thuẫn về chính trị, kinh tế và thậm chí là quân sự từ nước ngoài.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cáo buộc kế hoạch mở rộng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sang hướng Đông chính là nguyên nhân khiến các quan hệ thời Chiến tranh Lạnh vẫn còn tồn tại trên thế giới, và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tình hình khủng hoảng hiện nay.
Tổng thống Putin cho rằng, nếu như vào đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, thay vì mở rộng NATO, phương Tây xây dựng một tổ chức khác, thống nhất cả châu Âu, thì “tình hình đã khác”, “đã không có những cuộc khủng hoảng như hiện nay”.
Bên cạnh đó, hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu cũng là một sai lầm và vi phạm cam kết. Hiện nay, Mỹ vẫn tiếp tục phát triển hệ thống này tại Thổ Nhĩ Kỳ, Romania, Ba Lan, Tây Ban Nha, ngay cả khi đã đạt thỏa thuận tháo gỡ nguy cơ hạt nhân từ phía Iran, mặc dù Washington từng tuyên bố hồi năm 2009 rằng, nếu như mối đe dọa hạt nhân Iran không còn tồn tại, khi đó sẽ chẳng có bất cứ động cơ nào cho việc tạo ra một hệ thống phòng thủ tên lửa.
Về quan hệ Nga - Đức, Tổng thống Putin đánh giá, Moskva và Berlin đã vượt qua được những phức tạp, đã được cải thiện dù còn xa mức lý tưởng. Thương mại giữa hai nước duy trì ở mức khoảng 83-85 tỉ USD và hàng ngàn công ăn việc làm đã được tạo ra. Mức độ lòng tin giữa hai lãnh đạo Nga và Đức vẫn ở mức rất cao, Thủ tướng Đức Angela Merkel là chính trị gia chân thành và quyết tâm trong vấn đề giải quyết khủng hoảng Ukraine. Tổng thống Putin bày tỏ tin tưởng mối quan hệ đó sẽ tiếp tục phát triển thành công.
NATO đang bên bờ vực thất bại tại Afghanistan Tờ Der Spiegel của Đức mới đây đã truy cập vào một báo cáo bí mật của NATO, trong đó liên minh quân sự này dự đoán tình hình tại Afghanistan trong năm 2016 có thể sẽ xấu đi. Theo bản báo cáo trên, Quân đội Quốc gia Afghanistan đã mất đi 1/3 lực lượng, bao gồm cả số binh lính đào ngũ để gia nhập vào hàng ngũ Taliban, và không còn khả năng hoàn thành các nhiệm vụ, mặc dù vẫn nhận được sự hỗ trợ tài chính từ NATO. Cụ thể, trong 101 đơn vị pháo binh, chỉ có một đơn vị được mô tả là “vẫn hoạt động hiệu quả”, trong khi 38 đơn vị khác là “sẽ có vấn đề nghiêm trọng”. Ngoài ra, 10 tiểu đoàn đã tuyên bố “mất năng lực”. Bên cạnh đó, lượng binh lính thương vong đã tăng 42% so với năm ngoái. Báo cáo chỉ rõ: “Các thương vong nặng nề trong chiến đấu chắc chắn đã góp phần làm tăng số lượng binh lính đào ngũ”. Kim Linh (theo Nước Nga ngày nay) |