Tổng thống Mỹ muốn tăng ngân sách quốc phòng ở mức "lịch sử"

Thứ Tư, 01/03/2017, 10:25
Với đề xuất khoản ngân sách khổng lồ 603 tỷ USD cho quốc phòng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang muốn khởi động chiến dịch “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Tuy nhiên, chính sách này đang vấp phải sự phản đối mạnh mẽ cả từ các nghị sĩ đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ.


Hôm 27-2, phát biểu trong buổi tiếp Thống đốc các bang tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề cập đến khoản tăng tới 54 tỷ USD cho chi tiêu quốc phòng, trong đó viện trợ nước ngoài và các chi tiêu phi quân sự khác sẽ bị cắt giảm tương ứng. 

Tổng thống Mỹ lý giải rằng đây là một bước đi quan trọng nhằm hiện thực hóa tuyên ngôn “Make America great again!” (Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại) và đảm bảo an toàn cho người dân Mỹ, được chính ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử Tổng thống của mình. 

Với con số đề xuất tăng khủng như vậy, nhiều khả năng, ngân sách quốc phòng của Mỹ vốn đã cao nhất thế giới, sẽ tiến tới gần con số chiếm 10% GDP. Điều này cũng có nghĩa, khoản ngân sách quốc phòng khổng lồ mới của Mỹ (nếu được Thượng viện và Hạ viện thông qua) sẽ vào khoảng 603 tỷ USD. Mặc dù những thông tin chi tiết cho kế hoạch này chưa được tiết lộ, song như khẳng định của ông Donald Trump, đây sẽ là công cuộc củng cố sức mạnh quân sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ. 

Tổng thống Mỹ nói: “Tôi hy vọng chúng ta sẽ không bao giờ phải sử dụng đến sức mạnh quân sự, nhưng sẽ không ai có thể gây rối nước Mỹ. Không ai cả. Đó sẽ là một trong những cuộc tăng cường sức mạnh quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ. Sẽ không ai còn dám nghi ngờ sức mạnh quân sự của chúng ta nữa. Chúng ta duy trì hòa bình bằng sức mạnh quân sự vượt trội. Và đó là điều chúng ta sẽ có”.

Trong kế hoạch ngân sách mới cho quốc phòng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng dự định tăng số lượng tàu chiến và tàu ngầm từ 276 tàu lên 350 tàu. Ảnh: Navy.

Một số nguồn tin từ Nhà Trắng cho hay, Tổng thống Donald Trump sẽ để Bộ Quốc phòng quyết định cách chi tiêu số tiền 54 tỷ USD thêm trong ngân sách quốc phòng. Tuy nhiên, nhiều khả năng ông Donald Trump vẫn muốn hướng tới việc củng cố năng lực phòng thủ và tấn công của quân đội Mỹ. 

Trước đó, Tổng thống Mỹ từng tuyên bố rằng ông sẽ mở rộng số quân nhân tại ngũ từ 480.000 người lên 540.000 người; tăng cường sức mạnh Thủy quân lục chiến lên đến 36 tiểu đoàn từ 23 tiểu đoàn như hiện nay; tăng số lượng tàu chiến và tàu ngầm từ 276 tàu lên 350 tàu và tăng số lượng máy bay chiến thuật không quân từ 1.100 chiếc lên 1.200 chiếc. 

Đồng quan điểm này, một quan chức khác trong lĩnh vực ngân sách của Mỹ nhận định, kế hoạch ngân sách quốc phòng mới này sẽ đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực đóng tàu và máy bay quân sự, nhằm tạo ra sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn của Mỹ tại những tuyến giao thông quốc tế đường thủy quan trọng như eo biển Hormuz hay Biển Đông. Điều này cũng có thể đưa Mỹ vào vòng xoáy căng thẳng leo thang hơn với một số nước như Trung Quốc và Iran…

Cũng giống như các chính sách được Tổng thống Donald Trump đưa ra kể từ khi nhậm chức, kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng này ngay lập tức đã nhận được sự hưởng ứng của các nghị sĩ đảng Cộng hòa. 

Cụ thể, trong khi Chủ tịch Ủy ban Quân lực Hạ viện Mỹ, hạ nghị sĩ Mac Thornberry cho rằng, chính quyền mới tại Nhà Trắng cần tăng hơn nữa ngân sách quốc phòng để khắc phục hậu quả của việc chính quyền tiền nhiệm của cựu Tổng thống Barack Obama cắt giảm tới 20% ngân sách quốc phòng thì Chủ tịch Ủy ban Quân lực Thượng viện, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain cho rằng, mức tăng 3% không thể giúp quân đội duy trì quy mô và khả năng sẵn sàng bảo vệ an ninh quốc gia. 

Trong khi đó, các nhà lập pháp Dân chủ lại phản đối và chỉ trích mạnh mẽ với lập luận rằng những khoản cắt giảm ngân sách để nhường cho quốc phòng sẽ làm tê liệt các chương trình trong các lĩnh vực khác như bảo vệ môi trường hay giáo dục. Không chỉ có các nghị sĩ, giới ngoại giao Mỹ cũng lên tiếng không bằng lòng với kế hoạch này của tân Tổng thống do lĩnh vực ngoại giao của họ  ít nhiều bị ảnh hưởng vì cắt giảm ngân sách. 

Hiện nay, vẫn chưa có nguồn tin chính thức về kế hoạch cắt giảm ngân sách nhưng theo một số nguồn tin, phần trăm ngân sách bị cắt giảm có thể lên đến 30%, một đòn tài chính giáng vào các bộ phận ngoại giao của Mỹ. Hiện hơn 100 vị tướng và đô đốc về hưu của Mỹ đã cùng gửi thư đến lưỡng viện Mỹ, thúc giục các nghị sĩ không thông qua kế hoạch cắt ngân sách cho cơ quan ngoại giao và các chương trình viện trợ quốc tế.

Phan Hiển – Duy Tiến
.
.
.