Tổng thống Macron muốn tiếng Pháp thành ngôn ngữ thịnh hành nhất thế giới

Thứ Sáu, 01/12/2017, 09:48
Trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Burkina Faso ngày 30-11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, ông muốn biến tiếng Pháp trở thành ngôn ngữ hàng đầu không chỉ ở châu Phi mà còn trên thế giới.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Ảnh Getty

Nói về tiếng Pháp, ông Macron cho biết: "Nó (tiếng Pháp) là một di sản cần được bảo vệ. Ngôn ngữ này có tương lai và tương lai vẫn đang phát triển. Sự rực rỡ và quyến rũ của tiếng Pháp không chỉ đơn thuần dành riêng cho người Pháp."

Tiếng Pháp hiện được khoảng 274 triệu người sử dụng trên toàn thế giới, là ngôn ngữ được nói nhiều thứ năm trên thế giới.

Ông Macron đang có chuyến công du đến nhiều nước châu Phi. Ông nhấn mạnh rằng các nước ở lục địa đen không nên bị xem là "tàn tích của một thời cường quốc thuộc địa."

Chuyến công du ba ngày đến một số nước từng là thuộc địa của Pháp trước đây tại châu Phi của ông Macron được cho là nhằm cải thiện quan hệ và tăng cường hợp tác về các vấn đề như di dân, khủng bố và nhân quyền.

Ông nói với các sinh viên ở Ouagadougou, thủ đô của Burkina Faso, rằng chế độ nô lệ và buôn bán người ở Libya là "tội ác chống lại loài người".

Ông Macron nói ông muốn có một sáng kiến liên minh Âu-Phi nhằm chấm dứt một cách chiến lược vấn đề "khủng bố và buôn người", đồng thời đề nghị đấu tranh mạnh mẽ với các mạng lưới buôn lậu giữa châu Phi và châu Âu.

Paris sẽ không can dự vào chính trị địa phương để chấm dứt cái được gọi là "Francafrique", một thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ trích quan hệ của Pháp với các thuộc địa cũ, ông nói thêm.

Ông Macron nói: "Tôi không đến đây để nói về chính sách của Pháp đối với châu Phi bởi giờ đây các bạn là những quốc gia độc lập. Chủ nghĩa thực dân của một số nước châu Âu rõ ràng là một tội ác. Tuy nhiên, hãy đừng nhìn về quá khứ."

Tuy vậy, không lâu trước khi ông Macron đến Burkina Faso, nhiều quan chức địa phương cho biết nhiều người bị thương trong vụ tấn công bằng lựu đạn nhắm vào các lính Pháp tại đây.

Duy Tiến
.
.
.