Tổng thống Erdogan cảnh báo Pháp đừng "động" vào Thổ Nhĩ Kỳ

Chủ Nhật, 13/09/2020, 09:02
Căng thẳng giữa Athens và Ankara đã leo thang hồi đầu tháng trước, sau khi Bộ Ngoại giao Hy Lạp hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ dừng ngay các hoạt động khoan dầu khí “bất hợp pháp” ở phía Đông Địa Trung Hải, đồng thời cảnh báo rằng Athens sẽ có biện pháp tự vệ nếu cần thiết.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Pháp trong một sự kiện. Ảnh Getty Images. 

Trong khi đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã cảnh báo người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron về những phát biểu gần đây liên quan đến căng thẳng Athens-Ankara về vấn đề khoan dầu khí ở Đông Địa Trung Hải.

“Đừng gây rối với người dân Thổ Nhĩ Kỳ. Đừng gây rối với Thổ Nhĩ Kỳ”, ông Erdogan nhấn mạnh ngày 12/9.

Cảnh báo được đưa ra sau khi ông Macron hôm 10/9 thúc giục EU có “tiếng nói thống nhất và rõ ràng” đối với Thổ Nhĩ Kỳ, cáo buộc Ankara “không còn (là) đối tác trong khu vực này” do các hành động gần đây của họ ở Đông Địa Trung Hải và tham gia vào cuộc nội chiến Libya.

“Châu Âu cần phải rõ ràng và kiên quyết với chính phủ của Tổng thống Erdogan, đang hành xử theo cách không thể chấp nhận được”, Tổng thống Pháp Macron phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh các quốc gia Địa Trung Hải của EU, đồng thời kêu gọi Brussels vạch ra “ranh giới đỏ” với Thổ Nhĩ Kỳ trong khi nỗ lực để “ khởi động lại một cuộc đối thoại có kết quả”.

Ông Macron cũng nhấn mạnh rằng EU “phải cứng rắn với chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chứ không phải với người dân Thổ Nhĩ Kỳ”. Theo Tổng thống Pháp, “mục tiêu là tránh mọi leo thang, nhưng tránh leo thang không có nghĩa là thụ động hoặc chấp nhận”.

Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp lại với việc mô tả các bình luận của ông Macron là “kiêu ngạo” và “phản ánh sự kém cỏi và tuyệt vọng” của Tổng thống Pháp.

Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar chỉ trích động thái được cho là Pháp can thiệp vào tranh chấp Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp ở Địa Trung Hải, cho rằng Paris đang hành động giống như mafia. Bộ trưởng Akar nói thêm rằng Ankara sẽ không đứng về phía ai đó “cách xa hàng nghìn km” đang cố gắng “bắt nạt, đòi quyền lợi và đóng vai trò của một thiên thần hộ mệnh”.

Xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp về quyền đặc quyền khai thác dầu khí ở Đông Địa Trung Hải leo thang vào tháng trước, khi Hy Lạp ký một thỏa thuận hàng hải với Ai Cập chỉ định các khu vực rộng lớn của Địa Trung Hải là vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Duy Tiến
.
.
.