Tình hình Bán đảo Triều Tiên có nguy cơ căng thẳng trở lại

Thứ Tư, 18/12/2019, 09:31
Điều này đang khiến giới chức Mỹ khá “sốt ruột”, trong khi Nga và Trung Quốc đang tiếp tục “hợp lực” với CHDCND Triều Tiên để gây sức ép với Mỹ gỡ bỏ một phần trừng phạt, nhằm tạo “không gian” cho đàm phán.


Mỹ “sốt ruột”

Phát biểu hôm 16-12 (giờ địa phương) tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ thất vọng nếu “điều gì đó” đã hoặc sắp xảy ra ở Triều Tiên và Mỹ đang giám sát chặt chẽ tình hình. “Chúng tôi đang theo dõi tình hình. Tôi sẽ thất vọng nếu điều gì đó “đã rồi hoặc được lên kế hoạch” ở Triều Tiên. Nếu có, chúng tôi sẽ bám sát tình hình ở bất kỳ nơi nào trên lãnh thổ Triều Tiên một cách chặt chẽ nhất”, Tổng thống Donald Trump nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nhận định, Triều Tiên có khả năng tiến hành các vụ thử như vậy nếu cảm thấy không hài lòng và đây có thể vẫn là “chiến thuật” quen thuộc để Bình Nhưỡng đạt được các mục tiêu của họ. Ông cho rằng: “Chúng ta cần nghiêm túc, ngồi xuống và thảo luận về một thỏa thuận phi hạt nhân hóa Bán đảo. Đó là cách tốt nhất và duy nhất để chúng ta tiến về phía trước”. 

Nằm trong các nỗ lực kêu gọi Triều Tiên đối thoại, Mỹ mới đây cũng đã cử Đặc phái viên về Triều Tiên Stephen Biegun tới Hàn Quốc để tìm cách thúc đẩy tiến trình đàm phán với phía Bình Nhưỡng.

Tổng thống Donald Trump và Nhà lãnh đạo Kim Jong-un trong cuộc gặp tại khu phi quân sự liên triều cuối tháng 6-2019.

Tại Hàn Quốc ngày 16-12, ông Stephen Biegun cũng cho rằng những đòi hỏi và tuyên bố gần đây của Triều Tiên nhằm vào Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và các đồng minh ở châu Âu là “rất tiêu cực và không cần thiết”. Ông khẳng định: “Mỹ không có thời hạn chót. Chúng tôi có mục tiêu là phải thực hiện các cam kết mà 2 nhà lãnh đạo đã đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử ở Singapore”. 

Ông Stephen Biegun cũng nói rằng, nhóm của ông sẵn sàng khôi phục đàm phán với Triều Tiên, và Washington đã đề xuất với Bình Nhưỡng một số biện pháp “sáng tạo” với “các bước linh hoạt” nhằm đạt được các thỏa thuận “cân bằng”.

Các tuyên bố của giới chức Mỹ được đưa ra trong bối cảnh hạn chót mà Triều Tiên đưa ra để Mỹ thay đổi lập trường đàm phán vào cuối năm nay sắp kết thúc. Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ tìm ngã rẽ mới khi các cuộc đàm phán với Washington không tiến triển. 

Với những lời kêu gọi duy trì đàm phán mới nhất từ phía Mỹ, Triều Tiên đến nay vẫn chưa đưa ra phản hồi nào. 

Trong khi đó, trong một báo cáo về viễn cảnh an ninh năm 2020 được công bố ngày 16-12, Viện Nghiên cứu Quốc phòng Hàn Quốc (KIDA) nhận định, Bình Nhưỡng có thể tìm cách phát triển các tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) có khả năng mang theo nhiều đầu đạn vào năm tới, nếu các cuộc hội đàm phi hạt nhân hóa với Mỹ sụp đổ...

Nga và Trung Quốc “hợp lực” với Triều Tiên

Để tránh viễn cảnh xấu nhất đó, hôm 16-12, Nga và Trung Quốc đã trình một dự thảo nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), trong đó, đề nghị chấm dứt một số biện pháp trừng phạt Triều Tiên “nhằm mục đích cải thiện sinh kế của người dân nước này”. 

Dự thảo trên đề xuất miễn trừ lĩnh vực hợp tác đường bộ và đường sắt liên Triều khỏi danh sách trừng phạt của LHQ cũng như dỡ bỏ toàn bộ biện pháp cấm vận do HĐBA LHQ trực tiếp áp dụng liên quan đến vấn đề dân sinh, cùng nhiều lĩnh vực khác. 

Bên cạnh đó, dự thảo của Nga và Trung Quốc cũng kêu gọi nhanh chóng nối lại các vòng đàm phán “sáu bên” hay tái khởi động các cuộc tham vấn đa phương dưới bất kỳ hình thức tương tự nào khác, với mục tiêu tạo điều kiện cho một giải pháp hòa bình và toàn diện thông qua đối thoại, giảm căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên, cũng như thúc đẩy cùng tồn tại hòa bình và hợp tác cùng có lợi ở Đông Bắc Á. 

Dự thảo cho hay các quốc gia thành viên LHQ nên chấm dứt yêu cầu tất cả công dân Triều Tiên làm việc ở nước ngoài trở về nước trước ngày 22-12. 

Theo giới phân tích, Nga và Trung Quốc dường như rất quan ngại về động thái tiếp theo của Triều Tiên nên đã kêu gọi gỡ bỏ bớt các đòn trừng phạt, tránh để Triều Tiên nối lại các vụ thử hạt nhân và ICBM. 

Ông Anthony Rinna, chuyên gia nghiên cứu quan hệ Nga-Triều Tiên, nêu rõ: “Moscow cảm thấy rằng việc gây sức ép là hướng đi sai lầm khi đối phó với Triều Tiên, và nếu Bình Nhưỡng đưa ra thêm các hành động khiêu khích trong năm tới, đó sẽ là một phép thử ghê gớm đối với sự nhân nhượng có hạn của Trung Quốc và Nga trong vấn đề Triều Tiên”. 

Trong khi đó, ông Daniel DePetris, chuyên gia nghiên cứu thuộc Defense Priorities (Các ưu tiên Quốc phòng), một hãng phân tích có trụ sở tại Washington, bày tỏ hy vọng rằng, Nga và Trung Quốc hợp tác có thể giữ cho Triều Tiên kiềm chế trong thời điểm hiện tại. 

“Chúng tôi không rõ lằn ranh đỏ của Nga và Trung Quốc là gì, nhưng sẽ là hợp lý khi kết luận rằng, một vụ thử ICBM hay thử hạt nhân chắc chắn sẽ khiến cả hai nước này cân nhắc lại quan điểm của họ với Triều Tiên”, vị chuyên gia nói.

Giới phân tích cũng cho rằng, Nga và Trung Quốc đang ngày càng thể hiện sự đoàn kết rõ ràng của họ trong vấn đề an ninh trên Bán đảo Triều Tiên. Ông Artyom Lukin, Giáo sư thuộc Đại học Viễn Đông, Vladivostok (Nga) cho rằng: “Sáng kiến của Nga-Trung tại HĐBA dường như có phối hợp với Bình Nhưỡng, bởi đề xuất này phản ánh đúng các yêu sách của Triều Tiên”. 

Theo ông, Moscow và Bắc Kinh hiện đang ngăn chặn chiến lược của Washington với Bình Nhưỡng một cách hiệu quả: “Bình Nhưỡng một lần nữa đã thể hiện khả năng của họ trong việc tận dụng sự đối đầu giữa các siêu cường”. 

Trong khi đó, ông Anthony Rinna nhận định, việc gỡ bỏ bớt các lệnh trừng phạt nhằm vào Triều Tiên mang ý nghĩa quan trọng đối với Kế hoạch Hồi sinh khu vực Đông Bắc của Trung Quốc cũng như các lợi ích kinh tế của Nga ở vùng Viễn Đông.

Hiện chưa rõ bản dự thảo này có được HĐBA thông qua hay không, song Mỹ, Anh và Pháp đã tỏ ra không ủng hộ bước đi này khi vẫn giữ quan điểm là cần duy trì áp lực với Triều Tiên. Một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố HĐBA LHQ không nên xem xét “sớm giảm các biện pháp trừng phạt” Triều Tiên bởi nước này “đang đe dọa tiến hành một hành vi leo thang khiêu khích, từ chối gặp gỡ để thảo luận về phi hạt nhân hóa”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.